Chuyện mếu cười quanh vành móng ngựa - Kỳ cuối

Chuyện mếu cười quanh vành móng ngựa - Kỳ cuối
TP - Những chuyện được nêu trong loạt bài này, từ cách ăn mặc của bảo vệ, của luật sư, tới phòng xử án nên xây dựng, bố trí thế nào, không phải nhằm “bới lông tìm vết”, mà chỉ muốn góp thêm tiếng nói giúp ngành Tòa án chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa.

Các phiên tòa sơ thẩm, ngoài thẩm phán chủ tọa, thường có thêm hai hội thẩm nhân dân tham gia xét xử. Theo quy định của Luật TTHS thì khi nghị án, quyền của các hội thẩm và của thẩm phán là ngang nhau.

Quyền “to” thế, nhưng trong các phiên tòa, người ta thường thấy các hội thẩm ngồi... yên lặng từ đầu đến cuối. Mặt nghiêm, lưng thẳng, mắt nhìn cũng thẳng, môi mím không lộ cảm xúc.

Khi thẩm vấn xong, chủ tọa thường quay sang hỏi nhỏ hai hội thẩm xem có hỏi gì thêm không, và thường thì hai vị này nhè nhẹ lắc đầu thay cho lời đáp.

Người viết bài này đã dự phiên tòa sơ thẩm xét xử nhà báo Đỗ Hữu Tuyết ở Hà Tây (vụ án từng được Tiền phong đăng bài dài kỳ). Ngồi “cánh gà” phiên tòa ấy là một nữ hội thẩm duyên dáng.

Ngoài chuyện không tham gia thẩm vấn, nữ hội thẩm này không hiểu sao có lúc còn... ườn hẳn cả người lên bàn, thái độ rất mệt mỏi, chán chường. Phiên tòa diễn ra đã lâu, song người viết bài vẫn nhớ, bởi hôm ấy một sinh viên báo chí thực tập đã hỏi một câu rất đáng suy ngẫm: “Hai người ngồi hai bên chủ tọa có nhiệm vụ gì hả anh?”.

Trong những vụ án phức tạp, như vụ nhà báo Đỗ Hữu Tuyết ở Hà Tây, hay vụ tai nạn giao thông trên đường Láng - Hòa Lạc, người dân thực sự  mong chờ vai trò của các hội thẩm.

Do ít chịu áp lực từ việc “họp thống nhất ba ngành”, “thỉnh thị cấp trên”, họ có thể vượt qua những rào cản hữu hình vô hình nào đó để đưa ra quan điểm khách quan, đáp ứng sự mong đợi của dư luận. Tiếc rằng ngay cả những lúc như vậy, các vị hội thẩm vẫn triệt để nguyên tắc “im lặng là vàng”!

Không thấy Luật quy định việc nghị án phải đảm bảo thời gian bao lâu. Chỉ thấy nhiều phiên tòa, HĐXX “loáng” cái đã hội ý xong. Lúc xét hỏi, còn thấy chủ tọa nổi cáu với bị cáo, cho rằng anh ta “quanh co”, “che dấu sự thật”, nhưng lúc tuyên đọc bản án lại thấy chủ tọa khen bị cáo “trong phiên tòa hôm nay đã thành khẩn khai báo”, nên cho hưởng tình tiết giảm nhẹ (!?).

Gần đây, đã có nhiều phiên tòa, sau khi các bị cáo được nói lời cuối cùng, chủ tọa tuyên bố đây là vụ án phức tạp nên HĐXX sẽ nghị án trong một vài ngày.

Những bản án được tuyên đọc sau đó thường ghi nhận đầy đủ diễn biến chính của phiên tòa, những chứng cứ được làm rõ ngay tại tòa, ý kiến của cả phía buộc tội và gỡ tội. Dĩ nhiên những bản án như vậy luôn được dư luận đánh giá tốt, đi đúng hướng của cải cách tư pháp.

Hội trường: Cần trang nghiêm hơn

Hầu hết các phòng xử án hiện nay có một phần được xây cao hơn phần còn lại. Đây chính là chỗ kê bàn ghế cho HĐXX ngồi. Tuy nhiên, độ cao, độ rộng, ốp gạch hay ốp gỗ của phần xây cao này chưa có quy chuẩn.

Cá biệt, có phòng xét xử như ở TAND tỉnh Hà Tây (một số phòng trên gác hai) không thấy có phần xây cao, HĐXX, thư ký tòa và công tố viên ngồi ngang bằng với những người tham gia tố tụng khác nên trông không được “oai” cho lắm.

Có một phòng xét xử  của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội (ở tầng một tòa nhà 4 tầng, phố Đội Cấn) giữa phòng lù lù một cái cột. Hỡi ôi nó thật bất tiện cho cánh nhà báo, nếu họ muốn có một bức ảnh chụp trực diện HĐXX.

Quận Hoàn Kiếm trung tâm Thủ đô có chợ Đồng Xuân lớn nhất phía Bắc, song trụ sở tòa án lại nhỏ bé khiêm tốn nép mình ở phố Lò Sũ, từ chỗ để xe đến phòng xét xử đều luôn trong tình trạng quá tải.

Những chuyện trên, nghe có vẻ tủn mủn. Thế nhưng, khi xem phim nước ngoài, nhìn những phòng xử án của họ mới thấy chốn pháp đình những xứ ấy thật sự trang nghiêm, từ cách bố trí chỗ ngồi của bồi thẩm đoàn đến cách ăn mặc của những người tham gia tố tụng.

Trộm nghĩ có lẽ từ những chuyện nhỏ nhặt hình thức được làm tốt, họ mới tạo ra ý thức thượng tôn pháp luật, mới có được không khí thuận lợi cho những cuộc tranh luận, đối đáp sâu sắc, kịch tính (những nhà làm phim sẵn sàng kéo dài những cảnh này thành những trường đoạn đặc sắc).

Nếu chỉ xét bề ngoài, nhiều trụ sở tòa án của ta hiện chưa xứng tầm với cơ quan có quyền nhân danh nước CHXHCN Việt Nam để ra một văn bản đặc biệt là bản án, quyết định số phận của nhiều con người.

Ngày càng nhiều phiên tòa bị cáo đông tới vài chục (các vụ án ma túy, tội phạm có tổ chức, một số vụ án kinh tế...); luật sư tham gia - kể cả chỉ định hoặc được mời - cũng ngày càng đông, chưa kể người bị hại, người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan, nhân chứng...

Nhiều tòa án cấp tỉnh hiện đã có hội trường đủ rộng, với đủ trang âm, đèn chiếu sáng, quạt điện cho những phiên tòa như vậy. Song với một số tòa án tỉnh thì những phòng xử như vậy vẫn còn trong mơ ước. Các tòa án cấp huyện, tình hình kém hơn, nhiều phòng xử không đảm bảo “ấm về mùa đông - mát về mùa hè”, lại gần đường giao thông hoặc trường học nên rất ồn ào.

Cơ quan tòa án nói chung, hội trường xử án nói riêng cần xây thế nào, đòi hỏi một kinh phí thỏa đáng cho ngành Tòa án, mới có thể tạo ra được những chuyển biến mong muốn.

MỚI - NÓNG