Vụ phá rừng La Dạ – Bình Thuận:

Có cần thành lập thêm đoàn thanh tra?

Có cần thành lập thêm đoàn thanh tra?
TP - Vụ phá rừng La Dạ xảy ra từ tháng 4/2005, đến nay đã có tất cả 6 đoàn thanh tra ngành, liên ngành tổ chức kiểm tra; trong đó có 3 đoàn của địa phương và 3 đoàn của T.Ư.

Cuối tháng 9/2006, báo Tiền phong, đăng bài phản ánh việc ông Nguyễn Ngọc Sang - Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận - gửi đơn đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tố cáo UBND tỉnh bao che vụ phá rừng nghiêm trọng ở La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc của Cty Lâm nghiệp

Có cần thành lập thêm đoàn thanh tra? ảnh 1
Những gốc gỗ đường kính cả mét được khai thác trên đất trống IC ở La Dạ.

Ém nhẹm và báo cáo không đúng sự thật cho Chính phủ về sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong quản lý đất có rừng; làm mất hàng chục ngàn héc - ta rừng tự nhiên; trù dập người đấu tranh chống tham nhũng; và kiến nghị T.Ư chỉ đạo xử lý nghiêm minh trước pháp luật vụ phá rừng này.

Ngày 18/10, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có công văn số 4458/ UBND – NC gửi Thủ tướng đề nghị thành lập đoàn thanh tra dự án trồng rừng ở xã La Dạ nhằm làm rõ những nội dung tố cáo của ông Nguyễn Ngọc Sang để trả lời ông theo Luật Khiếu nại, tố cáo và giúp tỉnh giải quyết dứt điểm vụ việc.

Công văn này cũng nêu quá trình chỉ đạo khắc phục hậu quả và xử lý sai phạm của UBND tỉnh đối với 13 đơn vị, cơ quan theo kiến nghị của các đoàn thanh tra.

Vụ phá rừng La Dạ xảy ra từ tháng 4/2005, đến nay đã có tất cả 6 đoàn thanh tra ngành, liên ngành tổ chức kiểm tra; trong đó có 3 đoàn của địa phương và 3 đoàn của T.Ư.

Về địa phương, từ đầu tháng 7 đến tháng 9/2005, 3 đoàn của Công an tỉnh, Chi cục Kiểm lâm và Đoàn liên ngành do Thanh tra Nhà nước chủ trì đều kết luận có phá rừng nghiêm trọng, đề nghị chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra vì hồ sơ thiết kế khai thác diện tích 368 ha đất trống 1C nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng nhưng cố ý thiết kế khai thác vào cả rừng phòng hộ, rừng IIIA 1, nghĩa địa, những nơi đồi cao, sông suối không thể trồng rừng; hiện trạng đất trống 1C không có gỗ có cấp kính để khai thác nhưng thiết kế đến 2.000 m3 gỗ lớn khúc thân, trong đó có đến 605 m3 gỗ đường kính từ 61 cm đến trên 100 cm.

Về trung ương, Đoàn liên ngành do Cục phó Cục Kiểm lâm Nguyễn Văn Cương làm trưởng đoàn không có kết luận mà chỉ ký một biên bản làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận vào ngày 23/9/2005. Đoàn này chỉ đề nghị “kiểm điểm nghiêm túc rút kinh nghiệm” vì việc thiết kế khai thác vào khu rừng thiêng, rừng nghĩa địa, nơi có độ dốc lớn có một số cây gỗ đường kính lớn là “chủ quan, không phát hiện ngay từ khi khảo sát lập dự án”…

Tuy vậy, đoàn vẫn đề nghị xem xét chuyển đất có rừng trong dự án vào lại 3 loại rừng; và Sở NN & PTNT Bình Thuận đã đề nghị chuyển thêm 58 ha rừng, nâng lên 308 ha rừng khoanh nuôi bảo vệ, còn theo quyết định cấp đất dự án trước đó chỉ có 250 ha rừng khoanh nuôi bảo vệ.

Đoàn thanh tra thứ hai của Trung ương là Đoàn liên ngành do Bộ Tài nguyên – Môi trường chủ trì có kết luận vào ngày 15/8/2006: “Việc khai thác lâm sản tại xã La Dạ có sự tác động phá rừng là đúng… Cty Lâm nghiệp đã khai thác hơn 23 ha trong 250 ha rừng khoanh nuôi, bảo vệ; thiết kế “nhầm” vào tiểu khu rừng phòng hộ; tùy tiện thiết kế, khai thác gỗ trong khu vực nghĩa địa và rừng “ông bà” của đồng bào ”.

Sau khi chỉ rõ các thiếu sót, sai phạm của các ngành tham mưu cho UBND tỉnh, Đoàn khẳng định:

“Trách nhiệm để xảy ra các tồn tại trong việc khai thác gỗ và cho thuê đất lâm nghiệp tại xã La Dạ trên, trước hết thuộc về Cty Lâm nghiệp Bình Thuận; trách nhiệm tiếp theo thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, Sở NN&PTNT, Sở TN - MT, UBND huyện Hàm Thuận Bắc, UBND xã La Dạ và các cơ quan chức năng liên quan”.

Đoàn cũng kiến nghị chỉ đạo các đơn vị có sai phạm thực hiện xử lý theo văn bản số 4059 ngày 6/10/2005 của Chủ tịch UBND tỉnh, và… “Trường hợp cần thiết, chuyển cơ quan điều tra làm rõ và xử lý nghiêm đối với hành vi cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”.

Riêng đoàn thứ sáu của Ủy ban Kiểm tra T.Ư chưa có kết luận (kiểm tra nhiều nội dung, trong đó có vụ La Dạ).

Như vậy, có 4 trên 5 đoàn thanh tra kết luận là có tác động phá rừng; dù phân tích có “lỗi” của các sở ngành nhưng đơn vị vi phạm chính vẫn là Cty Lâm nghiệp. Tuy nhiên, chưa có đoàn thanh tra nào giải đáp câu hỏi: Việc UBND tỉnh Bình Thuận quy hoạch chuyển ra ngoài 3 loại rừng một lúc 64.367 ha đất có rừng mà Thủ tướng giao quản lý tại quyết định 03 ngày 5/1/2001 đã đúng trình tự thủ tục quy định của Chính phủ?

Cũng như chưa đoàn nào làm rõ khâu tiêu thụ gỗ: những cây gỗ sao, gỗ dầu dài hơn 10 mét, đường kính cả mét được UBND tỉnh duyệt cho Cty Lâm nghiệp bán giá quá thấp (sao: 2 triệu/m3; dầu: 1,2 triệu/m3; bằng lăng: 1 triệu/m3 … ) có làm thất thoát ngân sách hay không vì không bán thông qua đấu giá?

Tác động phá rừng của Cty Lâm nghiệp đã xảy ra vượt mức xử phạt hành chính về diện tích lẫn khối lượng gỗ. Vấn đề là vì sao không chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra hay nói cách khác, cơ quan điều tra chưa vào cuộc chứ không cần thiết lập thêm một đoàn thanh tra nữa.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.