Vụ buôn lậu hơn 8 nghìn lít xăng nghi là xăng máy bay:

Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?

Xe xitec 29C - 391.61 vận chuyển hơn 8 nghìn lít xăng bị tạm giữ (ảnh cơ quan chức năng cung cấp).
Xe xitec 29C - 391.61 vận chuyển hơn 8 nghìn lít xăng bị tạm giữ (ảnh cơ quan chức năng cung cấp).
TP - Một vụ buôn lậu hơn 8 nghìn lít xăng nghi xăng máy bay vừa bị lực lượng chức năng tỉnh Hưng Yên bắt giữ, xử phạt hành chính. Một lãnh đạo Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, qua tham khảo hồ sơ ban đầu của vụ việc nhận thấy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm...

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, đã đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp điều tra làm rõ nguồn gốc số xăng nêu trên, cũng như phương thức thủ đoạn của các đối tượng.

Móc ngoặc để trộm xăng?

Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, tối 4/3/2016, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hưng Yên phối hợp Công an tỉnh Hưng Yên đã tổ chức đeo bám xe xitec biển số 29C – 391.61 từ khu vực kho của một Cty quân đội ở thị trấn Bần (Hưng Yên) đến trạm soát vé Phố Nối (Hưng Yên) thì yêu cầu dừng xe kiểm tra. Kết quả kiểm tra phát hiện xe bồn này vận chuyển hơn 8 nghìn lít xăng không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Ngay sau đó, tổ công tác đã lập biên bản, yêu cầu tài xế đưa xe về trụ sở để phục vụ điều tra. Tại cơ quan chức năng, lái xe khai nhận là Trần Mạnh Tiến (sinh năm 1971, trú tại xã Sơn Cầm, huyện Phú Lương, Thái Nguyên). Ông Trần Mạnh Tiến khai nhận, ngày 4/3, Tiến điều khiển xe nói trên từ Hải Phòng về Hà Nội, đến khu vực bãi đất trống cạnh Quốc lộ 5 (do trời tối nên Tiến không xác định được vị trí đó thuộc địa phận tỉnh nào) có chiếc xe xitec đang đỗ (không thấy biển kiểm soát). 

Tiến cho biết anh nghĩ, lái xe cần giúp đỡ gì đó nên dừng lại. Khi xuống xe, lái xe nói với Tiến trên xe có gần 9.000 lít xăng do anh ta mua tại Hải Phòng, do gia đình cần tiền gấp nên anh ta bán lại với giá 9.000 đồng/lít. Người này nói biết xăng này không có hóa đơn, chứng từ, nên mua được với giá rẻ, Tiến cũng không rõ lái xe là ai. “Biết vi phạm, nhưng do ham rẻ, nên đã đồng ý mua với mục đích bán lại kiếm lời. 

Nhưng khi đó trên người chỉ có 40 triệu đồng, không đủ tiền mua toàn bộ nên đã gọi thêm Đặng Minh Tâm (ở Mỹ Hào, Hưng Yên) cùng mua. Sau đó Tâm đồng ý mua 4.205 lít và giao tiền mua cũng như để xăng cho Tiến mang đi tiêu thụ”, Tiến khai nhận. Tổng số tiền thanh toán cho người bán là 79,335 triệu đồng. Khi Tiến điều khiển xe tới trạm kiểm soát vé số 1 (Quốc lộ 5) thì bị lực lượng chức năng tới kiểm tra. Khi kiểm tra, ở bồn chứa số 1 có chứa 4.610 lít xăng do Tiến mua, ở bồn số 2 có 4.205 lít xăng là của Đặng Minh Tâm.

Kết quả trưng cầu giám định mẫu xăng trên của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học Công nghệ) cho thấy: trị số ốc tan (kích nổ động cơ) và hàm lượng chì trong số chất lỏng, nghi là xăng này không phù hợp với mức yêu cầu, quy định về kỹ thuật của xăng không chì tại QCVN 1:2015/BKHCN (không xác định được trị số ốc tan của mẫu, không có hiện tượng kích nổ khi dẫn nhiên liệu vào buồng đốt).

Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho rằng, đây là vụ việc nghiệm trọng, lần đầu tiên máy móc, công nghệ của cơ quan đo lường chất lượng không kiểm tra được xăng dầu. Chất lỏng nói trên không phải là xăng dầu thông thường, rất có thể là xăng đặc chủng của máy bay mà các đối tượng đã lấy trộm rồi tuồn ra thị trường tiêu thụ.

Yêu cầu điều tra làm rõ vụ việc

Cũng theo Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, trước thời điểm vụ vận chuyển xăng lậu bị phát giác, Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã thông báo cho Ban chỉ đạo 389 tỉnh Hưng Yên về việc có nguồn tin tố giác cho biết có hành vi móc ngoặc để trộm xăng máy bay tại khu vực K 165 quân đội, tại thị trấn Bần. Các đối tượng lấy loại xăng này để pha trộn với loại xăng kém chất lượng rồi đưa ra thị trường tiêu thụ…

Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận hồ sơ ban đầu từ Công an tỉnh Hưng Yên, các cơ quan chức năng của tỉnh Hưng Yên đã thống nhất xử phạt hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu theo Điều 17 của Nghị định số 185/2013/NĐ - CP về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ban hành năm 2015 của Chính phủ).

Đáng chú ý, sau khi nghe báo cáo kết quả xử lý vụ việc và tham khảo hồ sơ ban đầu, cơ quan chức năng cho rằng, Cục QLTT tỉnh Hưng Yên chỉ căn cứ vào lời khai của lái xe mà không xác minh làm rõ thời gian, địa điểm, nguồn gốc hàng, đối tượng bán, phương thức, thủ đoạn bơm xăng, thanh toán, cũng như chưa phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ nguồn gốc vụ việc… là chưa có tinh thần kiên quyết đấu tranh với tội phạm, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Quân đội

Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã yêu cầu Ban chỉ đạo 389 tỉnh Hưng Yên chỉ đạo các lực lượng chức năng của địa phương này, phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh làm rõ cũng như xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Chiều 4/4, trao đổi qua điện thoại với PV Tiền Phong, ông Trần Tùng Lâm, Chi cục trưởng QLTT tỉnh Hưng Yên cho biết: “Sau khi nhận được chỉ đạo của Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, chúng tôi đã phối hợp với Phòng Bảo vệ An ninh kinh tế - Công an tỉnh Hưng Yên làm việc với lái xe kiêm chủ hàng. Khi hoàn tất hồ sơ, chúng tôi sẽ có công văn xin ý kiến của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia để bàn giao hồ sơ tang vật cho cơ quan Điều tra Quân đội để điều tra theo thẩm quyền, vì vụ việc vượt quá thẩm quyền của cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên”.

Văn phòng Ban chỉ đạo 389 cho biết, theo đánh giá của Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá – Bộ Công Thương: nếu nghi vấn việc các đối tượng trộm xăng máy bay để pha trộn với các loại xăng kém chất lượng như A83 để bán kiếm lời là đúng thì đây có thể là một trong những nguyên nhân gây ra chết máy, cháy, nổ phương tiện giao thông (do pha trộn không đúng cũng như không được phép), gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân.

MỚI - NÓNG