Cô gái bại liệt bị gã bán vé số 'hại đời'

Cô gái bại liệt bị gã bán vé số 'hại đời'
Nhân lúc người mẹ già đi ra chợ bán hàng, Quý lẻn vào nhà giở trò đồi bại với cô gái bị bại liệt.

Giữa tháng 11, đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội quận Thủ Đức (TP HCM) đã lập hồ sơ tạm giữ Đào Văn Quý (sinh năm 1956, ngụ Thủ Đức) để điều tra, xử lý về hành vi hiếp dâm.

Mẹ con bà Cự trong ngôi nhà trọ ẩm thấp
Mẹ con bà Cự trong ngôi nhà trọ ẩm thấp.

Trước đó, ngày 7/11, Quý đã cạy cửa vào phòng giở trò đồi bại với chị Trương Thị Minh Tâm (36 tuổi), con gái bà bà Trương Thị Cựu (76 tuổi, đường số 5, phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TP HCM) tàn tật bị liệt và câm, không có khả năng chống đỡ, kêu cứu. Quý đang thực hiện hành vi thú tính thì bị người hàng xóm phát hiện, tri hô. Nhiều người trong hẻm đã hợp sức bắt giữ gã bán vé số mất nhân tính giao cho cảnh sát.

Trên chiếc giường giữa nhà là người phụ nữ bất hạnh nằm co quắp ú ớ. Nạn nhân của vụ án khiến dư luận phẫn nộ thời gian vừa qua chỉ nặng chưa tới 30kg, chân tay co rút, răng cụt chỉ còn vài cái. Thỉnh thoảng những tiếng ú ớ, la hét của người câm khiến người lạ mới đến giật mình.

Tuy định cư ở đây 10 năm nhưng có đồ đạc cả hai mẹ con họ chẳng có gì ngoài một chiếc tủ cũ kỹ đặt bàn thờ. Choán hết căn phòng là chiếc giường lớn, nơi người tật nguyền nằm suốt mấy chục năm, còn lại chỉ có mấy chiếc ghế nhựa, 2-3 chiếc nồi, chiếc xô đựng đường, đựng gạo bà Cựu làm bánh đem bán.

Khi nhắc tới kẻ đồi bại nhẫn tâm hãm hiếp con gái bất hạnh của mình, giọng bà lão trầm lại: "Hắn bán vé số ở đây lâu rồi, có tiếng là hay sàm sỡ phụ nữ, ai cũng ghét. Hắn lẻn vào nhà tôi mấy lần, có lần ông chủ nhà đuổi, hắn chạy bỏ lại cả đôi dép.

Tối đó tôi vừa ra ngoài mua đường về nấu kẹo thì nghe thấy mọi người hô hoán. Nhiều người trong xóm đã bắt được hắn. Tôi nằm ôm con gái suốt đêm, chẳng biết nó có hiểu chuyện gì không mà suốt đêm đó nó cứ ú ớ quờ quạng, không chịu ngủ. Từ bữa đó tới nay, mỗi buổi sáng nó đều la hét, nó sợ tôi đi mất. Thương con tôi đành tạm thời nghỉ không đi bán kẹo ở nhà với nó".

Mặc dù được bà lão vệ sinh rất sạch sẽ, nhưng căn phòng nhỏ vẫn nặng mùi hôi nồng đặc trưng của người nằm liệt giường nhiều năm. Xoa xoa đôi chân co quắp của con, nước mắt lưng tròng, bà lão kể về cuộc đời mình vốn là người Sài Gòn gốc. Cô gái Gia Định xinh đẹp kết duyên với chàng thủy thủ tàu viễn dương là hình mẫu gia đình lý tưởng mà nhiều người mơ ước thời bấy giờ.

Tuy nhiên, chẳng hiểu sao cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, kinh tế không phải lo toan nhưng suốt nhiều năm trời họ không có được mụn con. Bao nhiêu cố gắng chạy chữa đều không có kết quả. Hai ông bà đã chấp nhận số phận, sống bên nhau suốt đời mà không thể hưởng hạnh phúc làm cha làm mẹ, được nghe tiếng ê a của con nít.

Chẳng hiểu có phải ông trời động lòng với hai vợ chồng bất hạnh hay không, mà ở tuổi 39, khi đã tắt hết mọi hy vọng thì bà Cựu bất ngờ mang bầu, sinh một bé gái kháu khỉnh khỏe mạnh. Người chồng quá vui mừng, nghỉ hẳn công việc lênh đênh trên biển để ở nhà gần vợ gần con.

Nhớ lại những ngày tháng hạnh phúc ngắn ngủi, bà Cựu cười buồn: "Ông ấy cưng con bé lắm. Từ khi sinh nó ra ông ấy chẳng thiết đi đâu, chỉ ở nhà quanh quẩn bên con". Đứa trẻ đến tuổi cắp sách đến trường, lại là niềm hãnh diện cho cha mẹ. Cô bé bụ bẫm, có đôi mắt sáng, tròn xoe rất thông minh, học giỏi nổi tiếng. Những giấy khen, những tấm ảnh ngày nhỏ của con, sau bao biến cố cuộc sống, mấy chục lần chuyển nhà, bà lão vẫn lưu giữ nguyên vẹn coi như bảo vật cất dưới tủ thờ chồng, khách đến nhà lại tự hào mang ra khoe.

Đi học sớm nên lên 9 tuổi con gái bà đã học hết lớp 5. Đang nghỉ hè lên lớp 6, bỗng một hôm đứa bé sốt cao, nhập viện ngày thứ 2 thì cấm khẩu, đến ngày thứ 8 thì chân tay co rút quắt queo. Quá đau buồn trước bất hạnh đổ xuống gia đình, mấy tháng sau người chồng sinh bệnh mà mất.

Bà Cựu kể, gia đình bà trước đây có nhà đất ở chợ Bến Thành, sau đó giải tỏa, được đền bù một số tiền. Bà mang đứa con gái bất hạnh mua nhà khu Thanh Đa (quận Bình Thạnh). Ở được vài năm, người cháu bên chồng đề nghị hai mẹ con bà về ở cùng với anh ta, với lời hứa "thay chú chăm sóc thím và em khỏi thiệt thòi".

Mẹ góa con côi, bà tin là thật, dọn về. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau anh ta bán ngôi nhà của hai mẹ con bà. Sau đó, do kinh tế khó khăn, hai mẹ con bà đành chuyển khỏi gia đình người cháu thuê trọ, đánh dấu cuộc đời lưu lạc từ đây.

Bà Cựu kể: "Thời gian đầu, còn tiền còn nhà, mẹ con sống đỡ vất vả. Nhà mất, tiền cũng hết nên cũng khó khăn nhiều". Bà học cách làm mè xửng, đi bán dạo ở chợ Bến Thành. Lúc đó bà còn khỏe, hơn nữa con gái mới mười mấy tuổi nên mỗi sáng bán hàng bà mang con đi theo.

Từ hơn chục năm nay mắt mờ, chân chậm, bà đành khóa trái cửa để con gái ở nhà. Hàng ngày, từ tờ mờ sáng, bà lão thức dậy làm vệ sinh, nắn bóp cho con khỏi mỏi sau một đêm dài, chậm rãi bón cho đứa con gần 40 tuổi ăn hết bát cháo rồi mới yên tâm bắt xe bus hơn 10km lên chợ Bến Thành đi bán kẹo. Kẹo mè xửng của cụ Cự đã có "thương hiệu" nên mỗi ngày bà cũng lời được mấy chục nghìn đồng.

Đắt hàng, song bà chỉ bán đến trưa là lại tất tả đón xe về, bà bảo: "Về vệ sinh nấu cơm cho nó, chứ để nó nằm cả buổi sáng ở nhà thế tội nghiệp, mình bán buôn cũng không yên tâm”. Chiều bà lại làm những mẻ kẹo mới để sớm mai tiếp tục bán.

Gần đây, sức khỏe giảm sút nhanh chóng, lưng đau, chân tay run rẩy, mắt cũng mờ hơn, nhiều hôm mưa, bà lão không thể đi bộ bến xe bus. Bữa cơm hôm đó của họ đạm bạc hơn hẳn. Bà tâm sự: "Mẹ con tôi được nhiều người cưu mang, mới sống được đến bây giờ. Chủ nhà trọ cho thuê nhà có 400.000 đồng, những gia đình gần đây bà con cũng hay qua lại cho gạo".

Trìu mến vuốt tóc con gái đáng thương, bà Cựu khoe: "Gần đây nó có vẻ đỡ hơn, chứ hồi đầu sau khi bị làm hại, chân tay nó thường co rút, mắt trợn ngược. Giờ thỉnh thoảng nó còn ú ớ, còn cười được với tôi".

Theo Xa Lộ Pháp Luật

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG