Có không sự bao che cho tội phạm lộng hành miền quê?

Có không sự bao che cho tội phạm lộng hành miền quê?
TP - Mặc dù Tú “kỷ”, kẻ cầm đầu băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen ở Khoái Châu, Hưng Yên, đã bị bắt giữ, song nhiều người dân vẫn chưa hết lo lắng vì cho rằng “cỏ” chưa được nhổ tận gốc. Họ hoài nghi có sự bao che của chính quyền địa phương với băng nhóm Tú “kỷ”.

> Nỗi ám ảnh mang tên Tú 'kỷ'
> Dùng chông sắt tống tiền doanh nghiệp

Đảng viên dẫn côn đồ viếng nhà dân

Khi tiếp xúc với người dân xã Đông Ninh, Khoái Châu, nhóm PV Tiền Phong tiếp tục nhận được phản ánh: Anh trai Tú “kỷ” là đảng viên Phạm Khắc Tuấn cũng từng dẫn “quân” cầm dao tìm đến nhà hai người dân “hỏi thăm” vì sao dám kiện chính quyền địa phương. Sau vụ việc, ông Tuấn không những không bị xử lý về mặt Đảng mà còn trúng cử Ủy viên BCH Hội Nông dân xã Đông Ninh.

Theo trung tá Phạm Thế Tùng (Trưởng Công an huyện Khoái Châu), việc anh trai Tú “kỷ” dẫn người đến gọi cửa nhà ông Lê Văn Đồng (SN 1950, thôn Yên Mỹ, xã Đông Ninh) là có thật. “Ngày 7/5/2011, ông Tuấn dẫn một số người đến nhà ông Đồng hỏi xem ông có cầm đơn cho người dân ký để kiện chính quyền xã có liên quan đến đất đai nhà Tuấn hay không thôi”- ông Tùng nói.

Cũng theo ông Tùng, tìm ông Đồng không được, các đối tượng kéo sang nhà ông Lê Văn Chí ở gần đó nhưng ông này không có nhà. Sau đó, Công an xã đã gọi các bên lên hòa giải và yêu cầu ông Tuấn không được đe dọa ông Đồng và ông Chí.

Khác với thông tin từ phía cơ quan công an, khi trao đổi với PV, cựu chiến binh Lê Văn Đồng kể: “Lúc đó khoảng 15 giờ 30 ngày 7/5/2011, tôi đang ở trong nhà thì nghe tiếng gọi. Tôi đi ra gần cổng thì thấy Phạm Khắc Tuấn đứng trước cổng, phía sau là hơn chục thanh niên bặm trợn tay cầm đao, kiếm, tuýp nuớc. Biết chuyện chẳng lành, tôi lùi lại. Tuấn nói “mày cứ ra đây tao hỏi một việc”. Trong đầu tôi nghĩ, Tuấn cỡ tuổi con mình sao lại vô lễ đến vậy, chắc có ý đồ xấu nên liền trả lời: Tôi với anh không có việc gì liên quan, không có gì để hỏi”.

Cũng theo ông Đồng, thấy vậy Tuấn thò tay định mở chốt cổng. Ông Đồng nhanh tay sập chốt, lập tức đám côn đồ phía sau Tuấn nhao nhao: “Chém chết thằng Đồng đi”. Quá hoảng sợ, ông Đồng chạy ra phía sau nhà, leo gốc nhãn vượt tường phóng thẳng ra cánh đồng ngô thoát thân. Sau nhiều giờ chạy trốn đám côn đồ, ông Đồng vượt lên xã Đông Kết, thuê taxi chở sang bến đò Thường Tín (Hà Nội) rồi gọi cho các con từ Hà Nội ra đón.

Một số người hàng xóm của ông Đồng cho hay, khi các đối tượng xăm trổ đổ quân xuống từ 3 ô tô đã làm huyên náo cả xóm. Bị chó sủa dữ, chúng vác kiếm lùa đàn chó khiến người dân thêm khiếp hãi. Không xử được ông Đồng, các đối tượng vung dao phang đứt 4 cây chuối trước khi bỏ đi.

Khi hỏi vì sao lại bỏ chạy, vì sao không gọi chính quyền đến, cựu binh Lê Văn Đồng nói: “Bao năm trong quân ngũ lành lặn trở về quê, chẳng lẽ mình lại để cho đám côn đồ giết chết”. Còn việc báo với chính quyền, ông Đồng cho biết, khi đang lánh nạn tại Hà Nội ông nghe cú điện thoại từ vị Chủ tịch UBND xã nói hãy về đi sẽ được đảm bảo an toàn. “Cay đắng, tôi nói trong điện thoại: Bác bảo nó đến thì chắc bác bảo nó đi được” - ông Đồng kể(?!).

Ai “giật dây” Phạm Khắc Tuấn?

Theo nhận định của ông Đồng, việc Phạm Khắc Tuấn dẫn khoảng 15 đối tượng côn đồ đến nhà ông là do bị người khác “giật dây”. “Chúng tôi kiện chính quyền xã và ông Chủ tịch xã Phạm Ngọc Thơi phá hàng trăm mẫu ruộng trong khi đó dân không được một đồng, chứ không liên quan gì tới anh Tuấn”- ông Đồng nói.

 Kiểm tra dấu hiệu vi phạm với ông Phạm Khắc Tuấn

“Chúng tôi đã và đang thực hiện kiểm tra những dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên Phạm Khắc Tuấn. Nếu đến mức độ xử lý kỷ luật thì chúng tôi sẽ xử lý nghiêm túc theo Điều lệ Đảng”. 

Ông Nguyễn Ngọc Quân, Bí thư xã Đông Ninh, nói.

Ông Đồng còn phản ánh, sau khi người dân đâm đơn kiện, một loạt cán bộ, lãnh đạo xã Đông Ninh đã bị kỷ luật song “mức án” chưa làm người dân, cũng như nhiều cán bộ đảng viên thỏa mãn. Đơn cử như trường hợp ông Phạm Ngọc Thơi bị cách chức Chủ tịch xã Đông Ninh nhưng vẫn giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy.

“Chính ông Thơi giới thiệu cho ông Tuấn ứng cử vào ghế Chủ tịch Hội Nông dân. Hiện ông Tuấn đang là Ủy viên BCH Hội Nông dân” – vợ chồng ông Đồng bức xúc.

Trở lại thời điểm ông Đồng bị đầu gấu vác dao hỏi thăm, vợ chồng ông Đồng đã đưa sự việc ra Chi bộ nhưng bị từ chối giải quyết với lý do mâu thuẫn cá nhân.

“Hai vợ chồng tôi cùng là đảng viên nên có đưa sự việc ra trước chi bộ thôn thì ông Bí thư Chi bộ lại bảo là thù hằn cá nhân nên không giải quyết. Như chú Huy, Trưởng Công an xã bị đàn em thằng Tú chém dài 20 phân ở mông. Gửi đơn kiện lên Công an huyện sau lại đi rút đơn về. Các anh bảo, đến Trưởng Công an xã còn không dám kiện, tôi là dân đen làm sao dám” - ông Đồng nói.

“Bây giờ Bộ Công an về bắt Tú, chúng tôi mới có điều kiện kể lại với các anh nếu không chúng tôi vẫn phải im lặng, sống để bụng, chết mang đi” - vợ ông Đồng tiếp lời.

Vết thương chưa lành hậu vụ án

Việc Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an vào cuộc điều tra, bắt giữ băng nhóm của Tú “kỷ” đã khơi dậy niềm tin của nhiều người dân các xã Đông Ninh, Đại Tập. Họ tin tưởng những thế lực đứng sau bao che, dung túng cho băng nhóm này sẽ sớm được đưa ra ánh sáng.

Bí thư Đảng ủy xã Đông Ninh (trái) trao đổi với PV Tiền Phong
Bí thư Đảng ủy xã Đông Ninh (trái) trao đổi với PV Tiền Phong.

“Quan điểm ai làm người đấy chịu, nhưng vụ án Phạm Khắc Tú đã để hậu quả rất nặng nề về tâm lý, tư tưởng trong nhân dân. Sau vụ việc, chính quyền xã Đông Ninh đã tăng cường tuần tra, phát hiện, xử lý các tụ điểm tệ nạn xã hội nhằm đảm bảo tình hình an ninh nông thôn. Tôi bây giờ phải báo cáo hằng ngày với các đồng chí trên huyện về tình hình của địa phương” – ông Nguyễn Ngọc Quân, Bí thư Đảng ủy xã Đông Ninh, nói.

Đánh giá về công tác phòng, chống tội phạm (PCTP) tại địa phương, ông Phạm Thế Tùng thừa nhận còn có những hạn chế, kết quả chưa cao và cần được chấn chỉnh.

“Chính vì vậy chúng tôi đã có nghị quyết, chuyên đề nâng cao chất lượng đấu tranh PCTP, phân định rõ trách nhiệm cho từng cán bộ. Ví dụ, về tình hình tội phạm hình sự phải xác định trên địa bàn có bao nhiêu đối tượng hình sự, bao nhiêu ổ nhóm, hoạt động trong những lĩnh vực gì, mức độ, tính chất ra sao và phải có kế hoạch đấu tranh cụ thể. Còn công an phụ trách xã phải có báo cáo hằng tháng về tình hình ANTT tại địa bàn” – ông Quân tiếp.

Từ chối bình luận về những hoài nghi của nhân dân về mối quan hệ giữa lãnh đạo Công an huyện Khoái Châu thời kỳ trước với băng nhóm Tú “kỷ”, song trung tá Phạm Thế Tùng nói: “Làm gì cũng có hai mặt, nhất là làm hình sự, nếu không quan hệ với đối tượng thì không hoàn thành nhiệm vụ được. Nhưng quan hệ với đối tượng để làm nhiệm vụ chứ không phải để mình bắt tay với nó, để bảo kê, bao che với nó. Các cụ có câu không vào hang cọp sao bắt được cọp, nhưng quan trọng là phải giữ được mình. Ông quan hệ với nó để phát hiện, để ngăn ngừa tội phạm mới là điều quan trọng”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG