Có nên áp dụng 'thiến hóa học' với tội phạm xâm hại trẻ em?

TP - Trong buổi tọa đàm diễn ra gần đây về nạn xâm hại tình dục trẻ em, một luật sư đưa ra ý kiến áp dụng hình thức “thiến hóa học” để xử lý loại tội phạm này đã gây xôn xao dư luận, song cũng có một số ý kiến ủng hộ...

Tại buổi tọa đàm “Nạn xâm hại tình dục trẻ em: im lặng hay lên tiếng”, luật sư Nguyễn Thị Bích Điệp (Hà Nội)- người đưa ra ý kiến áp dụng phương pháp “thiến hóa học” đối với tội phạm lạm dụng tình dục trẻ em cho rằng biện pháp xử lý này sẽ ngăn chặn, răn đe được việc tái phạm của đối tượng xâm hại trẻ em và đã được áp dụng tại một số nước trên thế giới.

Theo tìm hiểu của PV, hình thức “thiến hóa học” được áp dụng tại một số nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Hàn Quốc,… Đối tượng phạm tội sẽ bị tiêm chất kháng testosterone (androgen hay antiandrogen), khi chất này được đưa vào cơ thể sẽ làm nồng độ hormone testosteron xuống trước tuổi dậy thì, không có cảm giác ham muốn tình dục.

Liên quan đến vấn đề trên, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, mặc dù hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em gây bức xúc cho xã hội, bản thân nạn nhân và ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường về nhân cách trẻ nhưng pháp luật Việt Nam chưa nhắc đến hình phạt “thiến hóa học”. Đề xuất áp dụng hình thức“thiến hóa học” đối với tội phạm liên quan đến các hành vi ấu dâm là có thể nhưng chưa áp dụng được, do đó phải sửa đổi Bộ luật Hình sự. Ngoài hình thức phạt tù, cải tạo không giam giữ, phạt tiền thì phải đưa thêm hình phạt “thiến hóa học” vào luật và phải xây dựng hệ thống cơ sở vật chất để thi hành án.

“Muốn bổ sung hình phạt “thiến hóa học” cần xây dựng đề án nghiên cứu, chứng minh việc nếu áp dụng biện pháp trên thì tội phạm liên quan tình dục có giảm, không tăng nặng ngân sách và cồng kềnh bộ máy nhà nước” - luật sư Tuấn Anh nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội khóa 13 ủng hộ cần phải có chế tài xử lý thật nặng với những đối tượng thực hiện hành vi thú tính, xâm hại tình dục trẻ em để tránh cộng đồng bất an, gia đình lo lắng.

“Những đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em nhiều lần, lặp đi lặp lại với nhiều đứa trẻ thì nên đề nghị xử lý bằng hình thức “thiến hóa học”; còn những đối tượng lần đầu thì cần cân nhắc xem xét có áp dụng hình thức này hay không” - bà An nói.

Theo thống kê của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH), trung bình hằng năm có hơn 2.000 vụ xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em. Trong đó, trẻ bị xâm hại tình dục chiếm gần 70%. 

MỚI - NÓNG