Có phong tỏa được tài sản ở nước ngoài của Giang Kim Đạt?

Ông Phí Ngọc Tuyển. Ảnh: Thế Kha/Dân Trí.
Ông Phí Ngọc Tuyển. Ảnh: Thế Kha/Dân Trí.
'Chuyện phong tỏa hay không phong tỏa đang nằm trong quá trình điều tra. Nhưng tôi có thể nói thế này, thu hồi tài sản ở nước ngoài là câu chuyện dài mà thế giới bàn mãi còn chưa đâu vào đâu', Ông Phí Ngọc Tuyển - Phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) chia sẻ về việc phong tỏa tài sản của Giang Kim Đạt trong vụ Vinashin.

Trao đổi với PV sáng 17/7, ông Phí Ngọc Tuyển cho rằng vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vinashin đã trở thành một bài học lớn, ầm ĩ dư luận suốt một thời gian dài; Đảng, Nhà nước đã phải có nhiều chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, những đơn vị tiến hành cổ phần hóa chậm chạp sẽ bị kỷ luật. Việc Bộ Công an bắt được Giang Kim Đạt - nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH MTV vận tải Vinashin (Vinashinline) thuộc Tập đoàn Vinashin, khiến những bài học sau vụ Vinashin được “nhắc lại”.

Khi bị truy nã, Giang Kim Đạt mới 33 tuổi và chỉ giữ chức vụ quyền trưởng phòng kinh doanh một công ty thuộc Tập đoàn Vinashin nhưng đã tham nhũng số tài sản rất lớn. Theo ông, có phải Giang Kim Đạt đã được trao quá nhiều quyền lực nên mới làm được những điều như vậy?

Ông Phí Ngọc Tuyển: Riêng vụ việc của ông Đạt thì phải để cơ quan điều tra làm rõ xem sơ hở ở đâu. Đây là một câu chuyện dài mà đến giờ chưa biết sơ hở ở đâu. Nhưng chỉ với chức vụ như vậy thì không có chuyện tập trung quyền lực đâu. Chức đó thì đã ăn thua gì. Sơ hở quản lý ở đâu đó thôi, phải để vụ án làm rõ đã.

Theo quy định hiện hành, việc phong tỏa tài sản, tài khoản của Giang Kim Đạt ở nước ngoài có dễ dàng, thuận lợi không?

Chuyện phong tỏa hay không phong tỏa đang nằm trong quá trình điều tra. Nhưng tôi có thể nói thế này, thu hồi tài sản ở nước ngoài là câu chuyện dài mà thế giới bàn mãi còn chưa đâu vào đâu. Phải có hiệp định giữa hai bên xem có khả thi không. Cái khó nằm ở chỗ hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản như thế nào. Có phải cái khó đó của riêng nước mình đâu.

Trong thời gian bị truy nã, Giang Kim Đạt vẫn tìm được nhiều cách để chuyển tiền cho người thân ở Việt Nam đầu tư bất động sản, mua sắm xe hơi. Thậm chí Đạt đã chuyển được khối lượng lớn tiền sang Singapore để mua sắm những bất động sản rất lớn. Điều đó cho thấy quy định hiện hành có kẽ hở trong việc kiểm soát tài sản tham nhũng?

Kết quả điều tra đã chứng tỏ có kẽ hở nên mới chuyển đi được. Nhưng kẽ hở đó như thế nào phải qua những vụ án mới tổng kết lại được.

Trong Bộ luật Hình sự có quy định những người liên quan đến che giấu tội phạm hoặc sử dụng tài sản do người phạm tội mà có thì cơ quan điều tra áp dụng quy định phong tỏa, kê biên để bảo vệ tài sản, qua đó điều tra nguồn gốc tài sản. Nhưng vụ Giang Kim Đạt phải chờ bản án của tòa án thì mới nói được. Hiện nay mới chỉ biết thông tin qua báo chí thì chưa thể bình luận được.

Có phong tỏa được tài sản ở nước ngoài của Giang Kim Đạt? ảnh 1 Giang Kim Đạt tham nhũng số tiền rất lớn khi mới 33 tuổi và chỉ giữ chức vụ quyền trưởng phòng kinh doanh Công ty Vinashinlines. Ảnh: Cơ quan điều tra cung cấp.

“Bài toán” kiểm soát dòng tiền tham nhũng chuyển ra nước ngoài sẽ được giải quyết thế nào khi sửa đổi toàn diện Luật Phòng chống tham nhũng trong thời gian tới, thưa ông?

Thu hồi tài sản tham nhũng đang ở nước ngoài là một trong những nội dung, một nhánh của vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng sẽ được đề cập đến trong Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi sắp tới. Tuy nhiên quy định cụ thể thế nào thì bây giờ mới đang trong giai đoạn khởi động. Tư tưởng, chủ trương thì Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng đã có rồi, nhưng phải chờ tổng kết kinh nghiệm rồi mới xây dựng được.

Xin cảm ơn ông !

Trốn truy nã, mua bất động sản 3,6 triệu USD ở Singapore

Theo tài liệu của cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an), Giang Kim Đạt - nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH MTV vận tải Vinashin (Vinashinlines) thuộc Tập đoàn Vinashin - sinh năm 1977, quê ở Thái Thượng, Thái Thụy, Thái Bình, có hộ khẩu tại phường Bình An, quận 2, TPHCM. Đạt đã có hành vi cố ý làm trái và “rút ruột” trong vụ mua tàu Hoa Sen. Trước khi vụ án được khởi tố, Giang Kim Đạt đã “đánh hơi” vụ việc nên nhanh chân cao chạy xa bay ra nước ngoài. Ngày 23/8/2010, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can đối với Giang Kim Đạt, đồng thời ra quyết định truy nã và ngày 8/11/2010 gửi thông báo truy nã đến Interpol.

Cơ quan An ninh điều tra xác định khối tài sản bất minh mà Đạt tham ô tài sản của nhà nước ước tính hàng trăm tỉ đồng đứng tên người thân gia đình Giang Kim Đạt. Đến ngày 7/7 vừa qua, cán bộ chiến sỹ các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã bắt được Giang Kim Đạt sau 5 năm truy nã.

Cơ quan An ninh điều tra đã làm rõ khối tài sản có dấu hiệu nghi vấn của một số người thân trong gia đình Đạt. Qua các tài liệu, ban chuyên án phát hiện khối tài sản lớn gồm gần 40 bất động sản tại TPHCM, Hà Nội như căn hộ cao cấp, biệt thự, xe ô tô... Phần lớn số tài sản này do những người thân trong gia đình Đạt đứng tên.

Quá trình điều tra cũng phát hiện một nguồn tiền lớn được chuyển về cho bố đẻ của Đạt là ông Giang Văn Hiển (trú tại quận 2, TP Hồ Chí Minh) đứng tên. Dòng tiền chuyển vào tài khoản của ông Hiển được chuyển từ nước ngoài, thông qua việc mở các tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau ở trong và ngoài nước... Từ việc phát hiện dòng tiền này, Cục An ninh kinh tế Tổng hợp, Cục An ninh điều tra và một số đơn vị nghiệp vụ khác chứng minh được các hoạt động giao dịch tiền qua các công ty môi giới, mua bán, thuê tàu của phía nước ngoài. Đi sâu điều tra, phát hiện Đạt trực tiếp tham gia quá trình đàm phán giá cả, điều khoản hợp đồng mua 7 tàu cũ. Đạt thỏa thuận với các công ty bán tàu hưởng hoa hồng 1%, tiền được chuyển thông qua công ty môi giới mua bán tàu. Tổng số tiền Đạt hưởng lợi từ các giao dịch mua 7 tàu khoảng 1 triệu USD. Ngoài ra, Đạt còn khai thác 9 tàu khác.

Để che giấu hành vi phạm tội, Giang Kim Đạt không tự đứng ra mở tài khoản nhận tiền mà thông qua bố đẻ mở tài khoản tại nhiều ngân hàng trong nước. Sau khi tiền về, Đạt báo ông Hiển đi rút tiền và chuyển sang sổ tiết kiệm đứng tên người thân. Theo kết luận điều tra, trong tổng số 18,6 triệu USD nhận được, ông Hiển đã đưa một số cho con trai chi tiêu, còn lại sử dụng mua bất động sản và ít nhất 5 xe hơi đứng tên người thân. Ngoài ra, Đạt đứng tên mua 2 căn hộ tại Singapore, sau đó bán 1 căn. Được biết, một trong những căn hộ của Đạt tại nước này có giá lên tới 3,6 triệu USD.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG