Cơ sở nào xử phạt người chở 'đá bán quý'?

Hòn đá bán quý nặng 27 tấn.
Hòn đá bán quý nặng 27 tấn.
TP - Với viên đá được cho là bán quý, nhưng khi chưa lập hội đồng định giá, chưa biết chính xác giá trị của khối tài sản đó, đã vội vã đề xuất xử phạt là vô cùng thiếu sót. Chưa nói đến chuyện, theo luật định, người dân còn được hưởng lợi từ việc tìm thấy viên đá này.

Dư luận đang xôn xao chuyện hai nông dân bị đề xuất xử phạt 1,1 tỷ đồng vì đã vận chuyển trái phép viên đá được cho là caxedon (bán quý) nặng khoảng 27 tấn ở Đắk Nông. Cụ thể, Công an tỉnh Đắk Nông đã đề xuất UBND tỉnh xử phạt hành chính ông Nguyễn Chí Thanh và Trương Quốc Hảo (cùng ở xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) liên quan đến hành vi khai thác, vận chuyển viên đá bán quý trái phép.

Trao đổi xung quanh sự việc trên, luật sư Hằng Nga (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay: “Với những thông tin tôi biết được qua báo giới, các cơ quan có thẩm quyền chưa lập hội đồng định giá, chưa xác định được tính chất, giá trị của viên đá đó, đã vội đệ trình hình thức xử phạt là vô cùng thiếu sót”.

Theo bà Nga, chúng ta có cả hệ thống pháp luật quy định cụ thể về những hành vi tương tự. Cụ thể, ở Điều 240 Bộ luật Dân sự có quy định cụ thể về câu chuyện xác lập quyền sở hữu đối với vật bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy. “Vật được tìm thấy là di tích lịch sử, văn hóa thì thuộc Nhà nước, người tìm thấy vật đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật;

Vật được tìm thấy không phải là di tích lịch sử, văn hóa, mà có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; Nếu vật tìm thấy có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước” – trích đoạn Điều 240 Bộ luật Dân sự.

Ngoài ra, luật sư Nga cho rằng, ngoài hệ thống các điều luật trong Bộ luật Dân sự, còn có nhiều văn bản dưới luật, các nghị định điều chỉnh vấn đề nói trên. Đơn cử như Nghị định 96/2009 của Chính phủ, quy định về việc xử lý tài sản bị chôn giấu, chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc diện đất liền, các hải đảo và vùng biển Việt Nam.

Theo đó, tại Điều 10, Nghị định 96, nói về cách thức xác định chủ sở hữu của tài sản bị chôn giấu, chìm đắm đã nêu: “Sở Tài chính có trách nhiệm lập danh mục tài sản, số lượng theo từng loại tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy; phối hợp với cơ quan có liên quan thực hiện giám định tài sản…”. Bên cạnh đó, Điều 11 của Nghị định 96 thể hiện, các cơ quan tiếp nhận, bảo quản khối tài sản được tìm thấy phải lập phương án xử lý, như giao cơ quan có thẩm quyền, viện bảo tàng…

Như vậy, theo luật sư Nga, bất luận viên đá đó là loại đá gì, các cơ quan có thẩm quyền nhất thiết phải giám định chất liệu, chất lượng, thậm chí định giá, sau đó phải áp dụng hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, sau đó mới đề xuất hướng xử lý. “Không thể xử phạt một công dân về việc nhặt, vận chuyển một viên đá nào đó khi chưa làm rõ những câu chuyện pháp lý xung quanh” – bà Nga nhấn mạnh.

Công an tỉnh Đắk Nông vừa gửi công văn đề xuất UBND tỉnh xử lý vi phạm hành chính 1,1 tỷ đồng đối với ông Trương Quốc Hảo và ông Nguyễn Chí Thanh, là người khai thác và vận chuyển khối đá bán quý caxedon nặng 27 tấn,  phạt tài xế Hoàng Văn Nghĩa 35 triệu đồng về hành vi vận chuyển đá đi tiêu thụ và tịch thu viên đá đưa vào trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Đắk Nông. Trước đó, ngày 10/2, ông Nguyễn Chí Thanh phát hiện hòn đá bán quý trên khi đang đào hồ tại rẫy của mình. Đêm 11/2, Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện tài xế Hoàng Văn Nghĩa đang điều khiển xe vận chuyển hòn đá trên Quốc lộ 14. Công an bắt giữ đưa tang vật, phương tiện về trụ sở do tài xế không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của đá.  

 Lê Hường

MỚI - NÓNG