Có thể khởi tố vụ học sinh Nam Trung Yên bị tông gãy chân

Luật sư Trần Tuấn Anh
Luật sư Trần Tuấn Anh
TPO - Theo luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), có thể khởi tố vụ án để điều tra về việc cháu Trần Chí Kiên, học sinh trường tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) bị ô tô tông gãy chân trong sân trường, với kết quả giám định thương tật 32%. 

Liên quan đến việc cháu Trần Chí Kiên, học sinh trường tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) bị ô tô đâm gãy chân trong sân trường, gia đình cháu bé cho biết cơ quan chức năng thông báo kết quả giám định thương tật 32%. 

Theo luật sư Trần Tuấn Anh  -  Giám đốc Cty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), với tỷ lệ giám định thương tật của cháu bé là 32% là đã đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với lái xe taxi gây ra thương tích cho cháu bé trong trường hợp này.

“Cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo điều 202 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Theo đó, việc gây thương tích cho 1 đến 2 người với tỉ lệ từ 31%-60% có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Như vậy với kết quả giám định thương tật là 32% đã đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự” – luật sư Tuấn Anh cho biết.

Cũng theo luật sư Tuấn Anh, áp dụng những tình tiết có lợi cho bị can, bị cáo quy định theo điều 29 BLHS năm 2015 (mặc dù Bộ luật đã bị hoãn thi hành) và theo tinh thần của Nghị quyết 109 thi hành Bộ luật hình sự của Quốc hội và Công văn 276 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng những tình tiết có lợi cho bị can, bị cáo đối với những tội ít nghiêm trọng hoặc những tội nghiêm trọng do vô ý thì lái xe có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Trong trường hợp họđã khắc phục toàn bộ hậu quả, được gia đình bị hại đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự thì các cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi phạm tội” – luật sư Tuấn Anh nói.

Ngoài ra, những người liên quan như bà Tạ Thị Bích Ngọc - hiệu trưởng và bà Nguyễn Thị Hương hiệu phó trường Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) là tội liên quan chứ không phải là tội độc lập. Do vậy, theo quan điểm của luật sư, phải có người phạm tội và bị khởi tố thì mới khởi tố được những người liên quan này. Bởi nếu không có vụ án hình sự, không có người phạm tội thì đương nhiên vị hiệu trưởng, hiệu phó không bị phạm tội “Tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật” theo điều 307 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009).

“Xét ở góc độ xã hội, rõ ràng cần phải lên án hành vi của vị hiệu trưởng, hiệu phó bởi họ là những người đứng đầu trong trường học, là môi trường giáo dục nhân cách con người” Luật sư Tuấn Anh chia sẻ.

MỚI - NÓNG