Còn nhiều bất cập

Còn nhiều bất cập
TP - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư (gọi tắt là Luật Luật sư sửa đổi, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2013) đang thu hút sự chú ý của giới luật sư, đặc biệt là những người đang theo học các khoá đào tạo về luật sư, hoặc đang trong thời gian tập sự nghề luật sư.

> Nghiêm cấm cản trở hoạt động luật sư
> Bỏ giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư?

Về việc đào tạo luật sư, nhiều người đánh giá Luật Luật sư sửa đổi có nhiều điều chỉnh phù hợp thực tiễn: Tăng thời gian đào tạo từ 06 tháng lên 12 tháng; cho phép người tập sự được “đi cùng luật sư hướng dẫn gặp gỡ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại... khi được người đó đồng ý”; được “tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo sự phân công của luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý”. Đây là những quy định khá “thoáng”, giúp người tập sự nghề luật sư thuận lợi hơn trong rèn luyện kỹ năng hành nghề.

Tuy nhiên, theo nhiều người, Luật Luật sư sửa đổi vẫn thiếu những quy định cụ thể, thiết thực hơn đối với luật sư hướng dẫn của người tập sự, cũng như đối với tổ chức hành nghề luật sư mà người tập sự đăng ký thực tập. Thực tế cho thấy nhiều người tập sự chỉ “đánh trống ghi tên” tại tổ chức hành nghề luật sư, vai trò của luật sư hướng dẫn rất mờ nhạt, thầy - trò chỉ gắn kết với nhau vào cuối kỳ tập sự, khi người tập sự phải viết báo cáo chuẩn bị cho kỳ thi.

Đặc biệt, rất nhiều người không đồng tình với quy định “người tập sự hành nghề luật sư không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa” của Luật Luật sư sửa đổi. Họ cho rằng quy định này giống như “cấm người tập bơi không được xuống nước”, và điều cấm này không phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (cho phép có bào chữa viên nhân dân), Bộ luật Dân sự (người dân bình thường được nhận uỷ quyền để tham gia tố tụng dân sự), và cũng không phù hợp với cải cách tư pháp (đẩy mạnh tranh tụng tại toà)...

Nhiều chuyên gia pháp luật đánh giá Luật Luật sư sửa đổi tuy có nhiều điều chỉnh so với luật hiện hành, song những vấn đề giới luật sư mong đợi như giảm phiền hà cho luật sư khi tham gia tố tụng, đảm bảo các quyền của luật sư đối với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, lại không cải thiện được nhiều. Các chuyên gia cho rằng để cải thiện được vấn đề này thì luật là chưa đủ, mà cần đến các văn bản dưới luật - chẳng hạn một thông tư liên tịch có sự tham gia xây dựng và phê chuẩn của lãnh đạo các cơ quan tố tụng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.