Công ty Ðóng tàu An Phú: Lỗ nặng vẫn mạnh tay chi thưởng

Nhiều sai phạm được Thanh tra TPHCM phát hiện khi thanh tra toàn diện Tổng công ty Samco
Nhiều sai phạm được Thanh tra TPHCM phát hiện khi thanh tra toàn diện Tổng công ty Samco
TP - Trong quá trình thanh tra toàn diện Tổng Công ty Cơ khí giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco), Thanh tra TPHCM phát hiện Công ty Ðóng tàu An Phú trước khi bàn giao vốn về Samco, mặc dù làm ăn thua lỗ, nhưng vẫn mạnh tay chi thưởng khiến quỹ này bị âm gần 2,5 tỷ đồng.

Chi thưởng, cho vay… tùy tiện

Cụ thể, Thanh tra TPHCM phát hiện tại Công ty Đóng tàu An Phú, số lỗ lũy kế của doanh nghiệp (DN) này tính đến ngày 31/12/2016 là gần 7 tỷ đồng. Khi DN bàn giao vốn về tổng công ty thì số lỗ thực tế lên tới gần 9,3 tỷ đồng.

Làm ăn bết bát nhưng doanh nghiệp vẫn mạnh tay chi khen thưởng, phúc lợi cho  viên chức quản lý và nhân viên. Việc chi vượt mức quy định như trên, kể cả cho người đã nghỉ việc trước thời điểm quyết định cổ phần hóa khiến số tiền cần phải thu hồi theo quy định là hơn 3 tỷ đồng.

Thanh tra TPHCM còn phát hiện Công ty Cảng sông TPHCM (cũng trực thuộc Samco) chi vượt quỹ khen thưởng phúc lợi cho người lao động và viên chức quản lý đã nghỉ việc trước thời điểm quyết định cổ phần hóa với tổng số tiền phải thu hồi do chi vượt quỹ lên tới gần 15 tỷ đồng.

Trong khi đó, tính đến thời điểm thanh tra, Tổng công ty Samco chưa thu hồi được đồng nào. Theo Thanh tra TPHCM, việc Samco chưa thu hồi các khoản chi vượt quỹ khen thưởng phúc lợi tại Công ty Đóng tàu An Phú và Công ty Cảng sông TPHCM như trên là chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND TPHCM.

Tổng công ty Samco và Công ty TNHH Bến xe Miền Đông (BXMĐ)- đơn vị trực thuộc Tổng công ty Samco, là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhưng đã thực hiện việc cho vay vốn như một tổ chức tài chính tín dụng. Tại Samco, từ năm 2013 đến năm 2016, doanh nghiệp này đã ký 16 hợp đồng cho vay đối với một số công ty thành viên và công ty liên doanh liên kết (Công ty cổ phần Cảng Phú Định; Công ty cổ phần Đóng tàu An Phú; Công ty cổ phần ô tô An Thái, …) với tổng số tiền cho vay gần 100 tỷ đồng để bổ sung vốn kinh doanh thực hiện dự án. Samco còn tự định ra lãi suất cho vay 7%/năm; phương thức trả lãi vay hàng tháng. Lãi suất phạt quá hạn thanh toán 150% lãi suất trung hạn. Đến năm 2016, Tổng công ty Samco mới thực hiện thu hồi vốn vay và thanh lý các hợp đồng cho vay.

Trong khi đó Công ty BXMĐ  lại cho tổng công ty mẹ là Samco  vay tiền. Cụ thể: Từ năm 2008, Samco ký các biên bản thỏa thuận vay vốn, hợp đồng vay vốn với Công ty BXMĐ với tổng số tiền vay là 34 tỷ đồng, thời hạn vay 1 năm, khi hết hạn thì ký lại hợp đồng, lãi suất cho vay điều chỉnh theo lãi suất ngân hàng. Mục đích vay là bổ sung vốn kinh doanh của Samco. Theo kết luận thanh tra, việc Samco và công ty BXMĐ cho vay là không đúng quy định. Mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo Samco và các doanh nghiệp thành viên chấm dứt việc cho vay nói trên.

Chưa đủ chuẩn vẫn làm lãnh đạo

Về công tác cán bộ, kết luận thanh tra chỉ ra một số trường hợp bổ nhiệm lần đầu chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chức danh trưởng các bộ phận chức năng theo quy chế công tác cán bộ do chính Samco ban hành.

Cụ thể: Có 3/16 trường hợp bổ nhiệm lần đầu tại Samco chưa có chứng chỉ Anh văn (tối thiểu trình độ B), 9/16 trường hợp chưa có trình độ lý luận trung cấp chính trị và 7/16 trường hợp chưa có chứng chỉ tin học trong quản lý điều hành.

Về diện bổ nhiệm lại và điều động , Samco có 2/16 trường hợp chưa có chứng chỉ Anh văn tối thiểu trình độ B; 4/16 trường hợp chưa có trình độ lý luận trung cấp chính trị và 4/16 trường hợp chưa có chứng chỉ tin học trong quản lý điều hành.

Theo giải trình của Samco, việc bổ nhiệm các trường hợp chưa đủ văn bằng, chứng chỉ do nhu cầu về nhân sự phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và xét thấy cán bộ có đủ năng lực, trình độ đáp ứng nhu cầu công việc.

Tại Công ty BXMĐ, trong hai năm 2015 và 2016, công ty bổ nhiệm và bổ nhiệm lại 7 cán bộ giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý, trong đó 6 trường hợp bổ nhiệm lại và 1 trường hợp bổ nhiệm lần đầu. Trường hợp bổ nhiệm lần đầu này chưa có trình độ trung cấp chính trị, trong khi đó  với 4 trường hợp bổ nhiệm lại thì có 2 trường hợp chưa có chứng chỉ ngoại ngữ tối thiểu trình độ B; cả 4 trường hợp trên chưa có chứng chỉ tin học trong quản lý điều hành.

Trước tình thế đã rồi, mới đây, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo Samco và Công ty BXMĐ có kế hoạch bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị đối với các cán bộ lãnh đạo quản lý theo đúng tiêu chuẩn quy định.

2 năm, 87 đợt đi công tác, tham quan học tập ở nước ngoài

Theo kết luận thanh tra, tổng số đợt đi công tác, tham quan, học tập ở nước ngoài cho lãnh đạo, nhân viên của Samco và các công ty thành viên trong 2 năm 2015 - 2016 là 87 đợt, trong đó năm 2015 là 33 đợt với chi phí gần 5 tỷ đồng, trong đó đi công tác là 1,12 tỷ đồng và tham quan học tập kinh nghiệm hơn 3,8 tỷ đồng. Trong năm 2016, Samco và các đơn vị trực thuộc có 38 đợt đi công tác, tham quan học tập ở nước ngoài với tổng kinh phí hơn 5,3 tỷ đồng,  trong đó chi phí đi công tác hơn 2,5 tỷ và tham quan học tập kinh nghiệm gần 2,8 tỷ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng số tiền đi nước ngoài của lãnh đạo nhân viên tại Samco và đơn vị thành viên là gần 2,6 tỷ đồng. 

Bến xe Miền Ðông mở tuyến xe buýt “chui”

Thanh tra TPHCM đã xác định Bến xe Miền Ðông ký kết và hợp đồng tổ chức phục vụ vận chuyển hành khách bằng xe buýt với Công ty TNHH Phương Trinh, đơn vị vận chuyển hành khách công cộng (xe buýt) tuyến bến xe Miền Ðông  - Thủ Dầu Một khi chưa có quyết định về công bố mở tuyến và biểu đồ, lộ trình của Sở GTVT tỉnh Bình Dương và văn bản đồng ý của Sở GTVT TPHCM là không đúng quy định của Bộ GTVT.

MỚI - NÓNG