CPH Cty Dịch vụ Du lịch Đà Lạt: Hàng loạt phi vụ mờ ám

CPH Cty Dịch vụ Du lịch Đà Lạt: Hàng loạt phi vụ mờ ám
TP - Không những  xác định giá trị tài sản của Nhà nước thấp, sau khi cổ phần hóa hoạt động của Cty cổ phần Dịch vụ Du lịch Đà Lạt (CPDVDLĐL) còn nhiều biểu hiện mờ ám.
CPH Cty Dịch vụ Du lịch Đà Lạt: Hàng loạt phi vụ mờ ám ảnh 1
Thác Prenn, một trong những điểm du lịch do Cty cổ phần Du lịch Đà Lạt được giao quản lý - Ảnh: Đặng Văn Thông

Cty Dịch vụ du lịch Đà Lạt  được giao quản lý kinh doanh khối tài sản trị giá hàng trăm tỷ đồng bao gồm các thác nước nổi tiếng (Prenn, Cam Ly…), Thương xá La Tulip, Xí nghiệp vận chuyển du lịch với hơn 60 đầu xe cùng cả chục nhà hàng khách sạn ở vị trí đắc địa bậc nhất Đà Lạt.

Vậy mà theo phương án cổ phần hóa cuối năm 2004, giá trị tài sản của doanh nghiệp chỉ được xác định chưa tới 47 tỷ đồng, trong đó nợ thực tế phải trả đã lên đến gần 36 tỷ, bởi thế giá trị thực tế vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ còn 11 tỷ đồng.

Tháng 7/2005, Cty chính thức hoạt động theo mô hình Cty cổ phần với tổng vốn điều lệ 11 tỷ, trong đó cổ phần do Nhà nước nắm giữ 51% tương ứng 5,61 tỷ đồng.

Rõ ràng việc xác định giá trị của doanh nghiệp nêu trên là bất hợp lý gây thiệt hại không nhỏ tài sản nhà nước. 

Lên chức Chủ tịch HĐQT để thao túng Cty

Theo điều lệ Cty, cổ phiếu ưu đãi chỉ được chuyển nhượng sau 3 năm kể từ khi được ghi trong sổ đăng ký cổ đông.

Thế nhưng chỉ mười mấy tháng sau, HĐQT đã cho chuyển nhượng đồng loạt 40.381 cổ phiếu ưu đãi (mệnh giá 100.000 đồng/ cổ phiếu).

Nhờ đó, ông Nguyễn Thanh Tâm - một người ở ngoài Cty “gom” được 6.100 cổ phiếu và được bầu bổ sung vào HĐQT.

Ngay cả một số thành viên HĐQT đồng thời là cổ đông sáng lập Cty cũng làm trái điều lệ khi sang nhượng hàng ngàn cổ phiếu “mở cửa” cho ông Tâm vào HĐQT. 

Cũng theo điều lệ, thẩm quyền của HĐQT chỉ được quyết định việc đầu tư, vay vốn không quá 5,5 tỷ đồng nhưng Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ngọc Chương đã ký hợp đồng hợp tác liên doanh xây dựng khách sạn Plaza 32 tỷ (mỗi bên 16 tỷ đồng) với Cty cổ phần Hải Vân Nam do ông Nguyễn Thanh Tâm làm Chủ tịch HĐQT và để hợp thức hóa việc làm sai trái này, HĐQT đã tự ý sửa chữa điều lệ.

Lấy cớ không có năng lực tài chính, Cty CPDVDLĐL đã vay 15 tỷ đồng từ chính đối tác của mình là ông Tâm để làm vốn đối ứng.

Kế đến, Cty tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2006 biểu quyết thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 11 tỷ lên 54,5 tỷ đồng, trong đó chuyển 15 tỷ vốn vay của ông Tâm thành vốn góp để  nâng tỉ lệ cổ phần của ông trong Cty lên 58%.

Trên cơ sở  đó, ông Chương đã chuyển giao quyền lãnh đạo và chức danh Chủ tịch HĐQT Cty cho ông Tâm mà không báo cáo UBND tỉnh.

Đây là việc làm trái pháp luật (Nghị định 199 của Chính phủ) bởi đại diện chủ sở hữu vốn là UBND tỉnh Lâm Đồng chưa phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ; vi phạm Thông tư 19 của Bộ Tài chính vì thời điểm này Cty chưa thực hiện quyết toán thuế và kiểm toán báo cáo tài chính.

Hậu quả là nhà nước mất quyền chi phối, quản lý Cty, tài sản nhà nước bị thất thoát. 

Bán xe cho người nhà gây thất thoát 2,8 tỷ đồng

Sau khi nhậm chức Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Thanh Tâm vội vàng bán  44 chiếc ôtô vận chuyển hành khách của Cty cho người nhà của mình là Nguyễn Mạnh Tiến (Giám đốc chi nhánh Cty TNHH Tô Giang tại TPHCM) với giá chỉ có 9,191 tỷ đồng, thấp hơn 2,8 tỷ so với giá sàn.

Chưa hết, ông Tâm còn làm chuyện lạ đời là trích hơn 72,7 triệu đồng tiền hoa hồng bán lô xe này cho chính đơn vị mua xe (Cty TNHH Tô Giang).

Cơ quan chức năng nhận định đây là hành vi cố ý làm trái các qui định (tổ chức khống việc đấu giá, lập biên bản khống…), có dấu hiệu gây thất thoát hơn 2,8 tỷ đồng, làm phương hại đến lợi ích của cổ đông và tài sản của nhà nước. 

Không những vậy, cổ phần hóa đã hơn 2 năm nhưng đơn vị chưa ban hành qui chế trả lương và ký kết thỏa ước lao động tập thể. HĐQT có ra nghị quyết thực hiện tăng lương cho người lao động nhưng thực tế lại triển khai trái với nghị quyết.

Chẳng hạn, lương tháng 6/2007 của Giám đốc Nguyễn Ngọc Chương là 15 triệu đồng/tháng, Phó giám đốc Trần Huy Bảy 9 triệu, kế toán trưởng Trần Thị Thanh Hoa 10 triệu, nhân viên phòng nghiệp vụ Lê Quốc Bảo 5 triệu đồng, tăng từ 53 - 118% so với lương bình quân  năm 2006 và tăng từ 38 - 108% so với nghị quyết của HĐQT.

Trong khi đó, lương bình quân của người lao động trực tiếp tham gia sản xuất tại thác Prenn chỉ có 1.076.000 đồng/tháng, thác Cam Ly 1.187.000 đồng, chỉ tăng từ 3 - 9,8% so với lương bình quân năm 2006, thấp hơn so với qui định tại nghị quyết.

Rõ ràng, việc chi trả lương của Cty mang tính chủ quan và tùy tiện, không công bằng từ đó tạo ra khoảng cách quá lớn về thu nhập giữa người lao động trực tiếp và một số lao động quản lý tại văn phòng Cty.

MỚI - NÓNG