CSCĐ tấn công CSGT: Đối chất giữa hai bên

CSCĐ tấn công CSGT: Đối chất giữa hai bên
Nguồn tin từ Công an Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết sáng 22-8, Cơ quan cảnh sát điều tra quận đã tổ chức cho bị can Trần Đại Phúc (nguyên trung úy CSCĐ) đối chất với thượng sĩ Văn Thành Luân - người bị Phúc tấn công trong đoạn video clip phát tán trên mạng Internet.

CSCĐ tấn công CSGT: Đối chất giữa hai bên

> Tạm đình chỉ công tác CSCĐ tấn công CSGT
> CSCĐ tấn công CSGT: Người trong cuộc nói gì?
> Bắt giam nguyên trung úy CSCĐ tấn công CSGT
> Xem xét kỷ luật CSGT vì không chào người vi phạm

Nguồn tin từ Công an Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết sáng 22-8, Cơ quan cảnh sát điều tra quận đã tổ chức cho bị can Trần Đại Phúc (nguyên trung úy CSCĐ) đối chất với thượng sĩ Văn Thành Luân - người bị Phúc tấn công trong đoạn video clip phát tán trên mạng Internet.

CSCĐ tấn công CSGT: Đối chất giữa hai bên ảnh 1 
Cảnh xô xát giữa trung úy cảnh sát cơ động Trần Đại Phúc (trái) và thượng sĩ CSGT Văn Thành Luân trong video clip. Ảnh cắt từ clip 

Cuộc đối chất có sự chứng kiến của luật sư bào chữa cho bị can Phúc (nguyên trung úy cảnh sát cơ động, đang bị bắt giam về hành vi chống người thi hành công vụ).

Tại buổi đối chất, bị can Phúc và thượng sĩ Luân (đội CSGT Hàng Xanh, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM) thừa nhận trước khi xảy ra cuộc xô xát ngày 28-7 chưa từng quen biết nhau.

Trả lời câu hỏi của cơ quan điều tra về lý do tấn công CSGT, bị can Phúc cho biết: trưa 28-7, bị can đang lưu thông từ đường D5 vào đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (P.25, Q.Bình Thạnh) bất ngờ bị đánh một cái vào vai phải, đau quá nên đã dừng xe lại.

Bị can Phúc ngồi trên xe quay lại thấy một người mặc đồng phục CSGT, đi một mình, không đeo bảng tên nên hỏi: “Tại sao mày đánh tao?”. Hỏi xong, bị can Phúc lại bị thượng sĩ Luân dùng cùi chỏ đánh vào mặt văng mất kính nên bỏ chạy vào quán nước sâm gần đó. Thượng sĩ Luân lúc này vẫn tiếp tục đuổi theo đánh Phúc.

Theo bị can Phúc, về quy trình của CSGT khi đi tuần tra phải đi ít nhất hai người, có xe đặc chủng, đeo bảng tên và chào người vi phạm khi dừng xe. Trong khi đó thượng sĩ Luân không đeo bảng tên, đi một mình, lại không có xe đặc chủng nên bị can Phúc nghi ngờ thượng sĩ Luân là CSGT giả muốn “làm luật” hoặc cướp xe.

Bị can Phúc chạy tới gần chỗ bán nước sâm ven đường, bị thượng sĩ Luân dùng gậy đuổi phía sau nên chụp xô nước sâm chống đỡ. Khi bị can Phúc lấy xô nước, bà bán nước sâm chửi và giật lại, gây mất thăng bằng rồi ngã.

Lúc này bị can Phúc vẫn bị thượng sĩ Luân đánh nhưng chưa trúng người. Bị can Phúc cũng lấy một thanh nhôm có gỗ bên trong, dài khoảng 50cm để tấn công lại, không biết có trúng người thượng sĩ Luân hay không.

Thượng sĩ Luân cho rằng bị can Phúc khai không đúng. Thượng sĩ Luân nói Phúc điều khiển xe không đội mũ bảo hiểm, nẹt pô, lúc đó thượng sĩ Luân đứng cách khoảng 5m, chạy lại nhưng xe đông, không vượt lên đầu xe được, phải từ phía sau cầm gậy bằng tay phải khều vào vai trái của bị can Phúc và hỏi: “Sao không đội mũ bảo hiểm?”. Bị can Phúc liền dựng chống xe, xô tới thượng sĩ Luân, hỏi: “Mày không biết luật hả, sao mày không lên đầu xe?”.

Cán bộ điều tra hỏi thượng sĩ Luân về việc bị can Phúc có hỏi “sao mày đánh tao?” không, thượng sĩ Luân thừa nhận có, bị can Phúc hỏi câu này khi còn ngồi trên xe. Thượng sĩ Luân nói sau khi chống xe, Phúc đã đấm vào mặt thượng sĩ Luân khiến thượng sĩ Luân phải tự vệ bằng cách dùng gậy điều khiển đánh vào vai Phúc.

Sau lần đụng độ này, Phúc chạy lại chỗ bán nước sâm, cầm xô quay qua tấn công thượng sĩ Luân. Thấy vậy người bán nước sâm nói: “Anh cảnh sát chạy đi!” nhưng vì đang mặc cảnh phục, không thể bỏ chạy nên thượng sĩ Luân vẫn đứng lại dưới lòng đường.

Bị can Phúc lấy xô nước sâm không được, nhặt thanh nhôm tấn công thượng sĩ Luân, thượng sĩ Luân cũng dùng gậy đánh lại hai cái vào vai bị can Phúc, rồi cả hai cùng xô đẩy nhau vào phía trong tiệm sửa xe.

Bị can Phúc cho rằng thượng sĩ Luân chạy từ phía sau đánh vào vai chứ không thể nói là khều, bị can cũng không thừa nhận có đấm vào mặt thượng sĩ Luân từ đầu, chỉ đấm lúc lôi kéo nhau vào trong tiệm sửa xe.

Khi lôi kéo nhau vào trong tiệm sửa xe, Phúc có nói: “Tao là cảnh sát cơ động”. Luân xin lỗi Phúc. Phúc nghi ngờ Luân là CSGT giả nên còn hỏi: “Đội trưởng của mày là ai?”. Luân trả lời: “Anh Thương”. Biết Luân là CSGT thật, Phúc không bắt giao cơ quan chức năng như ý định ban đầu, để Luân đi.

Tuy nhiên, thượng sĩ Luân cho biết nếu có nói xin lỗi cũng là câu cửa miệng, xin lỗi cho qua, nhưng sau đó xác định lại là không xin lỗi bị can Phúc và khẳng định bị can Phúc chỉ hỏi: “Mày không biết tao là ai hả? Nhà tao ở gần đây, mày chung A (tiểu đội) với thằng Vương, đội trưởng của mày là Thương?”. Do thấy Phúc mất bình tĩnh, thượng sĩ Luân đã để Phúc lấy xe đi trước mà không giữ lại.

Theo lãnh đạo Công an Q.Bình Thạnh, đối chất là một phần của quá trình điều tra, phải chờ kết luận cuối cùng.

Theo Gia Minh
Tuổi trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG