CSGT Hà Nội: Thủ tục xử lý phương tiện quá rườm rà

 Bãi tạm giữ xe vi phạm Hà Đông đang quá tải, nhiều ô tô phủ bụi. Ảnh: T.Đảng
Bãi tạm giữ xe vi phạm Hà Đông đang quá tải, nhiều ô tô phủ bụi. Ảnh: T.Đảng
TP - Với số lượng lên đến hàng nghìn phương tiện vi phạm bị tạm giữ do chủ xe không đến làm thủ tục xin lại, nhiều đội xử lý xe vi phạm tại Hà Nội cho biết, họ đang gặp khó khăn trong quá trình tạm giữ cũng như làm thủ tục thanh lý, đấu giá xe vi phạm.

Khó khăn đầu tiên được đại diện lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội (PC08), cho biết: do số lượng xe vi phạm giao thông nhưng chủ xe không đến làm thủ tục nhận lại nhiều, dẫn đến tình trạng quá tải tại các bãi trông giữ. Ví như, điểm trông xe vi phạm giao thông của thành phố Hà Nội tại khu vực hồ Đền Lừ (Hoàng Mai) có công suất chỉ vài chục ô tô và trên 200 xe máy.

Tuy nhiên, số lượng phương tiện tạm giữ xe máy có thời điểm lên đến 300 đến 400. Lý giải cho việc này, đại diện đơn vị quản lý bãi trông giữ xe vi phạm Đền Lừ cho biết, xuất phát từ việc số lượng xe vi phạm nhiều, cùng với đó là số lượng xe vi phạm tạm giữ từ trên 1 tháng đến cả năm chiếm số lượng lớn.

Theo đại diện đơn vị quản lý bãi trông giữ xe vi phạm Đền Lừ, theo quy định, khi lập biên bản tạm giữ phương tiện lực lượng xử lý vi phạm trên đường đều nêu rõ là trong vòng từ 7 đến 10 ngày chủ xe phải đến trụ sở cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục và nhận lại xe, nếu tất cả xe vi phạm chủ xe đều tuân thủ quy định này thì sẽ không gây nhiều quá tải cho các bãi xe, tuy nhiên hiện tại bãi đã có nhiều xe tạm giữ cả năm rồi nhưng chủ xe không xuất hiện.  

Tương tự, tại các bãi tạm giữ xe vi phạm như Nam Trung Yên, Mỹ Đình, Mai Dịch, Hà Đông… chúng tôi cũng ghi nhận tình trạng quá tải. Tại đây ô tô, xe máy để chật kín diện tích mặt bằng. Tại một số bãi, xe máy còn để chồng lấn lên nhau.

Ngoài những xe vừa mới chuyển đến trong vài ngày, ghi nhận tại đây chúng tôi còn thấy nhiều ô tô xe máy, thậm chí nhiều xe đắt tiền như xe máy SH, Spacy; ô tô đắt tiền như Mercedes, Audi,  BMV… bị bụi bẩn phủ một lớp dày cộm; có xe do bị nằm phơi nắng mưa lâu ngày dẫn đến hư hỏng, xập xệ trông như một đống sắt vụn.  

Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết, việc quá tải tại các điểm tạm giữ xe vi phạm cũng xuất phát từ nguyên nhân cơ chế, chính sách. Đó là, với những xe quá hạn đến làm thủ tục xử lý vi phạm từ vài tháng đến cả năm nhưng người điều kiển, chủ xe vi phạm không đến trụ sở cơ quan công an làm việc, các xe này có đủ cơ sở làm thủ tục là chuyển về xe “vô chủ”, cùng với đó làm các thủ tục tiếp theo là bán đấu giá, xung công quỹ. Tuy nhiên, từ Phòng CSGT Hà Nội cho đến các đội cảnh sát, công an xử lý vi phạm ở quận huyện đều cho biết, thủ tục quá rườm rà nên để giải quyết được một trường hợp này thường mất cả năm trời.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Dầu, Phó trưởng Công an huyện Thanh Trì cho biết, sau khi hết hạn hẹn đến làm thủ tục xử lý vi phạm, công an tiếp tục gửi ít nhất 3 lần giấy mời lên làm việc, mỗi lần đều cách nhau hàng tuần, nếu chủ xe không đến làm việc, Công an quận mới thành lập Hội đồng thanh lý. Từ Hội đồng này mới làm việc tiếp với các cơ quan có liên quan như giá, thuế, tài chính… để đánh giá hiện trạng, đưa ra giá thành xe, sau đó tuyển chọn đơn vị là một công ty đứng ra đấu giá tài sản.

Trung tá Nguyễn Thành Công, Đội trưởng Đội CSGT Trật tự cơ động, Công an quận Hoàn Kiếm cũng cho rằng, để làm hết tất cả các quy trình này thường phải hết nửa năm thậm chí 1 năm. Theo Trung tá Nguyễn Thành Công, quy trình này vừa làm cho các đơn vị bị mất nhiều thời gian, gây ảnh hưởng đến các nhiệm vụ khác. Trong một năm đó, xe vẫn nằm chiếm diện tích tại bãi tạm giữ và tiếp tục xuống cấp, mất giá trị.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.