Về những sai phạm tại “Chương trình khai thác, dự trữ gỗ phòng chống thiên tai…”:

Cục CSĐT tội phạm tham nhũng vào cuộc

Cục CSĐT tội phạm tham nhũng vào cuộc
TP - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng Bộ Công an (C37) vừa chính thức vào cuộc điều tra về những sai phạm tại “Chương trình khai thác, dự trữ gỗ phòng chống thiên tai" mà Tiền phong đã phản ánh.
Cục CSĐT tội phạm tham nhũng vào cuộc ảnh 1
Một trong những đơn vị thành viên của Tổng Cty Lâm nghiệp Việt Nam thu mua gỗ theo chương trình của Chính phủ

Báo Tiền phong ra các ngày 30/11 và  1/12/2007 đăng bài viết xung quanh Chương trình khai thác, thu mua, dự trữ và cung ứng gỗ phòng chống thiên tai của Chính phủ chưa đến được với người dân vùng lũ lụt, thiên tai, gây bất bình trong dư luận.

Theo một nguồn tin riêng của Tiền phong, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng Bộ Công an (C37) vừa chính thức vào cuộc. Bước đầu, C37 đã làm việc với một số đơn vị liên quan của ngành Lâm nghiệp để làm rõ những dấu hiệu tiêu cực.

Sau khi báo đăng, Tổng Cty Lâm nghiệp Việt Nam (VINAFOR - thuộc Bộ NN&PTNT) đã có công văn (do ông Phạm Quang Hiển - Tổng giám đốc VINAFOR ký) gửi Ban Tuyên giáo T.Ư và báo Tiền phong phản đối một số vấn đề trong hai bài báo trên.

Vấn đề thứ nhất, công văn cho rằng bài báo nêu “VINAFOR là đầu mối thu mua gỗ cho chương trình này” là chưa chính xác. Nhưng tại văn bản số 1487 (ngày 9/12/2004) của VINAFOR gửi Bộ NN&PTNT về việc quản lý đơn vị thu mua, dự trữ và cung ứng theo Chương trình của Nhà nước đã ghi rõ: “Ngày 16/2/2004, Bộ có văn bản số 230 giao cho TCty làm đầu mối chỉ đạo các đơn vị thành viên và Cty xây dựng & xuất nhập khẩu Quyết Thắng thực hiện việc khai thác, thu mua, vận chuyển và cung ứng gỗ phòng chống lụt bão…”.

Vấn đề thứ hai, công văn cho rằng bài báo nêu việc các đơn vị thành viên của VINAFOR “bán sai đối tượng” là chưa đúng. Về vấn đề này, ngoài những chứng cứ như bài báo đã nêu, chúng tôi còn nhiều tài liệu thể hiện rõ việc bán gỗ sai đối tượng.

Đơn cử, tại Công văn số 331 (ngày 25/12/2006) do chính ông Trần Đức Sinh - Chủ tịch HĐQT VINAFOR ký về việc kiểm tra xác minh đơn thư tại Cty cổ phần Công nghiệp rừng Tây Nguyên (trực thuộc VINAFOR) cũng thừa nhận việc này.

Xin trích một đoạn: “Qua danh sách các đơn vị được Cty cung ứng gỗ theo chỉ tiêu kế hoạch năm 2005 thì toàn bộ đơn vị mua đều là các Cty cổ phần, Cty TNHH và doanh nghiệp tư nhân”. Không những thế, “Việc Cty cung ứng gỗ theo chỉ tiêu kế hoạch năm 2005 đã vận dụng hướng dẫn của Bộ NN&PTNT cung ứng không đúng đối tượng với tổng số 1.764,712 m3, chiếm tỷ lệ 23,4% trên tổng số gỗ nhận theo kế hoạch…”.

Thế nhưng, điều lạ là, trong công văn trên, ông Trần Đức Sinh - Chủ tịch HĐQT lại chỉ đề nghị “Cty nghiêm khắc kiểm điểm và khẩn trương rút kinh nghiệm”; “nếu kiểm tra, phát hiện Cty cổ phần Công nghiệp rừng Tây Nguyên vẫn không thực hiện đúng các thủ tục đã được hướng dẫn về việc cung ứng gỗ cho các nhu cầu thiết yếu, phòng chống bão lụt thiên tai… thì VINAFOR sẽ báo cáo Bộ NN&PTNT kiên quyết chấm dứt và không giao tiếp chỉ tiêu cung ứng gỗ tròn cho Cty các năm sau nữa…”!

Vấn đề thứ ba, công văn phản hồi của VINAFOR cho rằng bài báo trên nêu việc thu mua gỗ cho Chương trình của các đơn vị thành viên theo “giá ưu đãi” hoàn toàn không đúng sự thật. Về vấn đề này, hình như những người có trách nhiệm ở VINAFOR không nhớ văn bản số 1297, ngày 3/11/2004 của họ gửi Bộ NN&PTNT xác nhận việc trên. Xin trích đăng lại đoạn có liên quan:

“Hàng năm, Bộ NN&PTNT vẫn giao cho VINAFOR và các đơn vị thành viên có trụ sở đóng tại khu vực Tây Nguyên thu mua, vận chuyển, dự trữ và cung ứng khắc phục các hậu quả thiên tai lũ lụt theo Chương trình của Nhà nước và theo giá chỉ đạo của UBND các địa phương. Nhiệm vụ này luôn được VINAFOR chú trọng và hoàn thành tốt.

Nhưng hiện nay, các lâm trường lại tổ chức bán đấu giá gỗ tròn bãi II theo QĐ số 04/2004 ban hành Quy chế về khai thác gỗ và lâm sản khác của Bộ NN&PTNT ngày 2/2/2004.

Việc này đã làm cho việc thu mua gỗ để dự trữ phòng chống thiên tai gặp khó khăn và khó có khả năng thực hiện đủ khối lượng gỗ dự trữ và theo đúng kế hoạch như giấy phép đã cấp vì giá mua tại bãi II tăng cao so với giá sàn quy định của tỉnh”.

Sau khi đề nghị Bộ NN&PTNT có ý kiến với các địa phương để các đơn vị trực thuộc VINAFOR được mua gỗ theo giá sàn (không qua đấu giá, tức là giá ưu đãi - PV) của tỉnh, Bộ NN&PTNT đã có văn bản 2965 gửi UBND các tỉnh.

Tại công văn 1480 truyền đạt ý kiến của Bộ NN&PTNT, VINAFOR ghi rõ: “UBND các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông đồng ý cho VINAFOR được thu mua gỗ tròn các tỉnh trên theo các quy định của tỉnh mà không phải thực hiện cơ chế đấu thầu đối với chỉ tiêu gỗ phòng chống thiên tai”.

Theo các văn bản VINAFOR đề nghị Bộ NN&PTNT phân bổ chỉ tiêu gỗ phục vụ các Chương trình Nhà nước từ năm 2001 đến 2006, khối lượng gỗ lên tới hơn 186.000 m3. Trong số đó, khối lượng gỗ phân bổ theo chỉ tiêu do ông Phạm Trọng Minh (Phó Tổng Giám đốc VINAFOR) ký là hơn 75.000 m3, ông Trần Đức Sinh (Chủ tịch HĐQT VINAFOR) ký là hơn 110.000 m3.

MỚI - NÓNG