Cuộc chiến bảo vệ rừng

Kiểm lâm KBTTN Tà Đùng đi tuần tra.
Kiểm lâm KBTTN Tà Đùng đi tuần tra.
TP - Trong đội ngũ cán bộ kiểm lâm ngoài những kẻ tiếp tay cho lâm tặc, có không ít chiến sĩ đã hy sinh, chịu thương tật suốt cuộc đời còn lại trong cuộc chiến bảo vệ rừng mà chưa được động viên đầy đủ, kịp thời về chế độ, chính sách.

Hiểm nguy rình rập

Sáng 29/1/2015, kiểm lâm huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) cùng cán bộ nhân viên quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa (xã Đắk Hòa, Đắk Song) tuần tra, phát hiện một nhóm lâm tặc chở gỗ bằng xe công nông.

Tổ tuần tra ra lệnh dừng xe, bất ngờ 13 đối tượng dùng dao, rựa, gậy tấn công  khiến ông Biện Văn Quế, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Đức Hòa, kiểm lâm viên Thái Doãn Tiến và 2 cán bộ, nhân viên Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa bị thương nặng phải nhập viện.

Trước đó, ngày 14/8/2014, tổ công tác gồm cán bộ Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Rừng Xanh, huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk), công an viên và cán bộ Ban chỉ huy quân sự xã Cư K’bang tuần tra tại tiểu khu 215, phát hiện một đoàn xe máy chở gỗ lậu, vây bắt được 2 xe.

Đám chạy thoát về gọi đồng bọn gần bảy chục tên tới chặn đường tổ công tác. Khi tổ đang đưa tang vật về trụ sở, chúng dùng dao, gậy tấn công cướp lại xe gỗ. Anh Phạm Văn Hiển, cán bộ của Cty Rừng Xanh bị đánh bất tỉnh.

Nhiều lần tham gia vây bắt lâm tặc, ông Vũ Xuân Hải, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động số 2 thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng liên tục bị các đối tượng khai thác, vận chuyển và tiêu thụ gỗ lậu hăm dọa. Ông Hải đã hy sinh vào ngày 28/12/2014 khi bị tài xế một xe chở gỗ lậu chống lệnh kiểm tra, lái xe tông thẳng khiến ông Hải thiệt mạng, còn anh Cao Viết Lư - cán bộ Đội cơ động số 2 đang cùng làm nhiệm vụ bị thương nặng.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song khẳng định: Lâm tặc luôn thủ sẵn hung khí để chống trả lực lượng kiểm lâm, nhân viên bảo vệ rừng hòng cướp lại gỗ và các phương tiện phá rừng bị tịch thu.

Cuộc chiến bảo vệ rừng ảnh 1

Một cán bộ BVR ở Đắk Nông nhập viện vì lâm tặc hành hung.

Mỏi mòn chờ chế độ

Dù không ít bản án nghiêm khắc đã tuyên đối với những kẻ phá rừng, tấn công người thi hành nhiệm vụ. Tuy nhiên, công lao đổi bằng máu của chiến sĩ kiểm lâm, cán bộ bảo vệ rừng nhiều nơi, nhiều lúc chưa được ghi nhận xứng đáng.

Tháng 4/2009, anh Lê Tấn Hoàng, nguyên kiểm lâm viên trạm kiểm lâm số 6, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar - Đắk Lắk, trong lúc cùng đồng nghiệp tuần tra tại khu rừng giáp ranh Sông Hinh (Phú Yên), phát hiện nhóm lâm tặc đang khai thác gỗ lậu. Tổ tuần tra tiến hành thu gỗ, đưa các đối tượng về trạm, bất ngờ bị chúng hành hung. Anh Hoàng bị chém nhiều nhát, trong đó có nhát thấu phổi, nhát đứt cánh tay, tỷ lệ thương tật lên tới 31%, thế nhưng các chế độ vẫn chưa được giải quyết.

Ông Bùi Đình Kính, Phó Hạt Kiểm lâm Ban quản lý dự án Ea Sô cho biết: “Từ năm 2008-2010, đơn vị chúng tôi có 4 cán bộ kiểm lâm bị lâm tặc hành hung gây thương tích trong lúc làm nhiệm vụ. Chúng tôi đã nhiều lần làm tờ trình gửi lên các cấp đề nghị xem xét chế độ cho họ nhưng chưa được. Mong các cấp sớm giải quyết để anh em vững tâm cống hiến”.

Tương tự, từ năm 2009 đến nay, 4 cán bộ lâm trường thuộc Công ty TNHH MTV Buôn Ja Wầm (huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) cũng bị lâm tặc đánh, bắn trong lúc làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. Lãnh đạo công ty nhiều lần làm hồ sơ đề nghị nhưng 3 trường hợp bị từ chối chỉ vì cơ quan điều tra không khởi tố các đối tượng tấn công.

Ông Lê Hải Lý, Trưởng phòng Người có công thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết: Sở vừa tiếp nhận Công văn số 67 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, và công văn 459 của UBND tỉnh về việc xác nhận người hưởng chế độ đối với 4 kiểm lâm ở Ea Sô.

Theo đó, 2/4 người được hưởng chính sách như thương binh. Sở sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh tiếp nhận hồ sơ và giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG