Cuộc trốn chạy 25 năm của kẻ ném mìn giữa đám đông

Cuộc trốn chạy 25 năm của kẻ ném mìn giữa đám đông
Thay tên đổi họ, sống bình thường như bao người dân lương thiện khác nhưng nỗi ám ảnh về buổi chiều ôm mìn ném vào giữa đám đông khiến 15 người thương vong, cứ hiện về làm Phúc không ngủ ngon giấc mỗi đêm.

Cuộc trốn chạy 25 năm của kẻ ném mìn giữa đám đông

> Ném mìn nhà 'bạn gái' vì dám.. từ chối yêu
> Bắt kẻ ném mìn vào Đội trưởng Cảnh sát hình sự

Thay tên đổi họ, sống bình thường như bao người dân lương thiện khác nhưng nỗi ám ảnh về buổi chiều ôm mìn ném vào giữa đám đông khiến 15 người thương vong, cứ hiện về làm Phúc không ngủ ngon giấc mỗi đêm.

Phúc
Phúc "Ga" tại cơ quan điều tra.

Hành trình lẩn trốn của kẻ giết người như một thiên tiểu thuyết qua từng lời kể của Nguyễn Văn Phúc (tức Phúc "Ga", 58 tuổi, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) tại cơ quan công an tỉnh Quảng Nam.

Cuộc đời của tay trùm phố ga này là những chuỗi ngày long đong lận đận với những biến đổi của thời cuộc. Khi đất nước thống nhất, Phúc đi học tập một thời gian rồi cùng gia đình vào lập nghiệp ở Đắk Nông.

Cuối năm 1980, gia đình Phúc 11 người lại lục tục trở về thị xã Tam Kỳ sinh sống. Cha Phúc làm công nhân sửa chữa, duy tu đường ray xe lửa lương ba cọc ba đồng nuôi một đàn con. Phúc là con lớn trong gia đình, nhưng thay vì phụ cha mẹ mưu sinh hay trông nom đàn em thì lại kết bè kết đảng với một nhóm du thủ du thực ở xóm ga, nổi lên với biệt danh Phúc "Ga" vì thực hiện những vụ cướp giật, gây rối trật tự, trấn lột… Phúc bỏ ngoài tai lời cha mẹ khuyên răn, theo chân một chủ bưởng lên bãi vàng Phước Sơn (Quảng Nam) và trở thành một tay anh chị khét tiếng với bảng thành tích quậy phá, rượu chè, đâm chém dài dằng dặc.

Cuối năm 1987, trong một đợt truy quét của công an địa phương, Phúc bị bắt cùng nhiều tay anh chị và dân bãi vàng khác, trả án 6 tháng bởi trộm cắp vặt và gây rối trật tự. Sau khi ra tù, hắn lại càng rượu chè và hung dữ hơn. Trong mỗi cuộc nhậu, hắn đều rêu rao thành tích nhiều lần vào tù ra khám, cùng những vết sẹo chằng chịt trên cơ thể để lấy số với đàn em và những người dân trong khu vực.

Chiều 16/9/1988, sau khi đi nhậu với đám đàn em về đến gần ga Tam Kỳ, Phúc gặp tốp công nhân cầu đường rồi xông vào đánh họ chỉ vì không chào hắn. Biết Phúc là dân “anh chị” ở xứ này, nhưng vì quá tức giận, nhóm công nhân liền đánh trả khiến Phúc bỏ chạy về nhà. Sợ sau vụ này uy tín suy giảm, Phúc liền gọi Phan Tiến Dũng (1966, trú Bình Nguyên, Thăng Bình, Quảng Nam) đi trả thù. Trước đây, Phúc làm ở bãi vàng, cất giấu được một lượng thuốc nổ, hắn liền chế lại thành một quả nổ có sức sát thương lớn mang đi tìm nhóm công nhân quyết chiến.

Khi Dũng và Phúc quay lại tìm nhóm công nhân thì thấy rất đông người đang tụ tập. Vì muốn lấy số, Phúc liền ném quả nổ vào đám đông mà không cần xem đối thủ mình ở đâu, hậu quả sẽ thế nào. Một tiếng nổ vang lên và ngay sau đó là tiếng la hét của rất nhiều người. Hiện trường kinh hoàng hiện ra sau khi Phúc ga và Dũng tẩu thoát. Hơn 15 người thương vong sau tiếng nổ. Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Phúc và Phan Tiến Dũng. Sau hơn một năm lẩn trốn, Dũng đã bị bắt theo lệnh truy nã, riêng Phúc “Ga” thì vẫn bặt vô âm tín.

Sau khi ném mìn sát thương nhiều người, hắn nhảy tàu ra Huế ngay trong đêm, rồi từ Huế đón xe đi đến cửa khẩu Lao Bảo và vượt biên qua Lào. Tại đây, hắn lang thang khắp nơi rồi xin vào làm phụ hồ cho một ông chủ người Việt. Hắn làm việc và câm lặng chịu đựng tất cả mọi khó khăn, cả những sự áp chế của nhiều người để không bị lộ tung tích. Hắn âm thầm tung tin rằng mình đã chết để cơ quan chức năng không truy tìm nữa. Hơn 4 năm sau, hắn thường xuyên nghe ngóng tình hình, khi thấy mọi chuyện đã lắng xuống, có được một ít vốn làm ăn, hắn lặng lẽ rời Lào về Việt Nam rồi vào TP HCM sinh sống.

Năm 1993, hắn kết hôn với một phụ nữ kém 8 tuổi và thuê nhà ở. Cuộc sống cứ thế trôi qua. Trong suốt thời gian sống ở đây, người dân địa phương chỉ biết đến Phúc là người lành tính, chịu thương chịu khó nên rất mến. Phúc không ăn nhậu, không bao giờ to tiếng với mọi người và rất thương con.

Ngày 20/6 vừa qua, khi những người đàn ông nói giọng xứ Quảng xuất hiện trước cửa nhà, Phúc ngỡ ngàng nhưng rồi nhanh chóng hiểu ra rằng tất cả đã an bài. Phúc bây giờ tóc đã hai màu, khuôn mặt khắc khổ hơn vì nỗi lo mưu sinh thổ lộ, rằng gần 30 năm qua đã sống trong nỗi âu lo về một ngày bị bắt.

Nhưng đau đớn hơn là việc Phúc không thể trở về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi quê hương bản quán của mình. Những đứa con của Phúc khi lớn lên đã không biết bao nhiêu lần hỏi cha về quê nội, không biết trả lời ra sao, Phúc ngậm ngùi bảo rằng mình là trẻ mồ côi. Vợ, con đều tin những gì Phúc nói.

Phúc bảo: “Tôi đau đớn lắm, ngay cả ngày cha mẹ tôi mất mà tôi cũng không về được. Tôi là đứa con bất hiếu. Tôi dự định sau khi con trai út tốt nghiệp cấp 3, sẽ nói hết mọi chuyện rồi về đầu thú. Nhưng không ngờ cái ngày ấy đến nhanh quá!”.

Theo Công lý

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.