Cuộc “xác minh đơn tố cáo” lạ thường và nỗi khổ của doanh nghiệp

Cuộc “xác minh đơn tố cáo” lạ thường và nỗi khổ của doanh nghiệp
TPCN - “Thương trường là chiến trường”. Đôi khi, cạnh tranh không lành mạnh lại được hỗ trợ bởi những cơ quan và theo những phương cách khá lạ lùng.
Cuộc “xác minh đơn tố cáo” lạ thường và nỗi khổ của doanh nghiệp ảnh 1
Cổng vào khu đất số 4 Đội Nhân, Cty Đại Dương vẫn đang treo biển mát - xa và trường Mầm non!

Từ đơn thư bạn đọc, các phóng viên báo Tiền phong đã đi sâu điều tra vụ việc, và thêm hiểu doanh nghiệp, doanh nhân cũng có những nỗi khổ không hẳn dễ nói…

Hai doanh nghiệp và một dự án

Lô đất số 2 - 4 phố Đội Nhân (Ba Đình, Hà Nội) nguyên của Cty Lương thực Hà Nội. Do đơn vị này sử dụng không hiệu quả và sai mục đích, tháng 12/2002, TP Hà Nội thu hồi, giao Cty cổ phần tư vấn đầu tư Quốc Tế (tên giao dịch là ICC) lập quy hoạch xây dựng khu văn phòng và nhà ở.

Thời điểm này, một phần khu đất đang được Cty Lương Thực cho Cty TNHH Đại Dương thuê để kinh doanh dịch vụ mát - xa và nhà nghỉ, theo một hợp đồng 10 năm, hết hạn tháng 10/2003.

Tháng 9/2003, Cty Lương Thực yêu cầu Cty Đại Dương thanh lý hợp đồng, trả mặt bằng và thanh toán nốt tiền thuê vẫn còn nợ, nhưng không được đáp ứng. Trái lại, Cty Lương Thực bị Cty Đại Dương kiện ra toà, đòi “bồi thường thiệt hại”(!).

Tháng 4/2004, trước ngày mở toà, Cty Đại Dương bất ngờ…rút đơn kiện. Tuy nhiên, họ vẫn không trả mặt bằng, tiếp tục chiếm giữ 1.847 m2 đất (trong đó có 868 m2 nhà), và quay ra làm đơn đề nghị…giao chỗ đất này cho họ, để họ cũng làm “dự án”, song không được TP Hà Nội chấp thuận!

Tháng 8/2004, UBND TP Hà Nội ra Quyết định giao 2.955 m2 đất ở 2 - 4 Đội Nhân cho ICC, để Cty này triển khai dự án đã được thẩm định và phê duyệt.

Đến lúc này, Cty Đại Dương lại làm đơn yêu cầu TP Hà Nội cho họ được cùng tham gia dự án của ICC! Yêu cầu trái khoáy đó dĩ nhiên bị khước từ, song Cty Đại Dương không vì vậy mà chấp nhận “bỏ cuộc”, thôi chiếm giữ lô đất lúc này đã thuộc về dự án của ICC.

Cuối năm 2004, quận Ba Đình thành lập Hội đồng GPMB, và đầu năm 2005, tổ công tác đã họp với các đối tượng liên quan, trong đó có Cty Đại Dương.

Trước nguy cơ bị cưỡng bức di dời để trả mặt bằng, Cty Đại Dương bèn làm đơn …kiện Cty ICC. Cũng thời gian này, 12 hộ dân ở ngõ 2 Đội Nhân có đơn khiếu nại, cho rằng họ phải di dời để ICC thực hiện dự án là không thỏa đáng.

“Xác minh” cùng nội dung Thanh tra đang làm?!

Ngày 10/3/2005, UBND TP Hà Nội ra văn bản yêu cầu các đối tượng đang sử dụng đất tại 2 - 4 Đội Nhân giữ nguyên hiện trạng, và giao Thanh tra TP giải quyết khiếu nại.

Lúc này bắt đầu xuất hiện cuộc “xác minh đơn tố cáo” bất bình thường, do một số cán bộ Cục CSĐTTP về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C15 - cơ quan thuộc Bộ Công an) tiến hành.

Trong thời gian Thanh tra đang làm việc với ICC, ông Bùi Văn Hà - Phó Cục trưởng C15 - đã ký giấy giới thiệu cử cán bộ đến Cty này, cũng để “xác minh” đơn tố cáo của Cty Đại Dương và 12 hộ dân.

Những cán bộ C15 không chỉ làm việc với lãnh đạo, mà còn gọi, gặp cán bộ, cổ đông của ICC, và gặp cả các cơ quan chức năng địa phương nơi cán bộ của ICC cư trú, thậm chí cả các đối tác làm ăn của ICC.

Nhiều cổ đông và nhiều đối tác được thông báo (miệng): Cty ICC lừa đảo hàng chục tỷ đồng, dự án tại 2 - 4 Đội Nhân sắp bị thu hồi, Giám đốc ICC là tội phạm hình sự…Một số cán bộ C15 còn đến cả chi nhánh của ICC ở TP HCM, để làm những việc tương tự.

Những việc làm không bình thường đó đã khiến quá trình thanh tra bị kéo dài, dự án 2 - 4 Đội Nhân đình trệ, CBCNV không có việc làm, trong khi các khoản vốn vay vẫn phải trả lãi (ICC đã nộp tiền sử dụng đất, tiền đền bù cho Cty Lương Thực v.v.), tổng cộng khoảng 12 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi nhiều lần rà đi soát lại các vấn đề, trong đó trọng tâm là thủ tục giao đất của UBND TP cho ICC, ngày 8/12/2005, Thanh tra TP Hà Nội vẫn đi đến kết luận: Việc giao đất cho ICC là đúng quy định pháp luật; 7/12 hộ dân không thuộc phạm vi dự án của ICC, 5 hộ còn lại có yêu cầu được lưu cư tại chỗ là trùng với phương án đã được ICC đề xuất; Khiếu nại của Cty Đại Dương là không có cơ sở.

Bản kết luận thanh tra cũng nêu: “Tại buổi làm việc với Thanh tra TP ngày 30/11/2005, cán bộ của C15 cho biết, qua kết quả trinh sát đã phát hiện Cty ICC có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhưng đến nay C15 chưa có kết luận”; “Đề nghị C15 sớm có thông báo những nội dung vi phạm pháp luật của Cty ICC (nếu có) để UBND TP xem xét, quyết định việc sử dụng đất của Cty ICC”.

Chỉ đến khi Quyết định giải quyết khiếu nại trên cơ sở kết luận thanh tra sắp được ban hành, ngày 3/4/2006 – tức sau 13 tháng “xác minh” - ông Cục phó C15 Bùi Văn Hà mới ký văn bản gửi UBND TP Hà Nội.

Văn bản này nêu một số dấu hiệu “sai phạm” của ICC như “không có vốn”, “kinh doanh không hiệu quả”, nêu cả nhân thân “tiền án tiền sự” của Giám đốc Cty, song rốt cục lại không kiến nghị xử lý hành chính hay hình sự những người có trách nhiệm ở Cty này, mà chỉ đề xuất UBND TP Hà Nội “xem xét lại việc giao đất cho Cty ICC”!

Nỗi khổ của doanh nghiệp

Kể từ tháng 4/2006 đến nay, dự án của Cty ICC tiếp tục bị “treo”. Nội bộ Cty bất ổn, nhiều cổ đông rút vốn, nhiều đối tác đang hữu hảo bỗng “quay lưng” lại.

Văn bản của C15 chỉ gửi cho UBND TP Hà Nội, ngay Cty ICC cũng không được nhận, song không rõ bằng cách nào nội dung của nó lại xuất hiện trên nhiều tờ báo.

Một cán bộ của ICC than thở với phóng viên báo Tiền phong: “Mỗi  sáng ngủ dậy, chúng tôi lại hồi hộp không biết sẽ có thêm tờ báo nào đăng tải nội dung văn bản của C15, song có một điều chúng tôi biết rõ, là Cty vừa mất thêm 20 triệu đồng tiền lãi từ số tiền đã đầu tư vào dự án 2 - 4 Đội Nhân”.

Cty ICC đã làm đơn khiếu nại văn bản của C15, khẳng định nội dung của văn bản này hoặc thổi phồng, hoặc bóp méo, hoặc hoàn toàn sai sự thật, nhưng không được giải quyết từ chính cơ quan này.

TP Hà Nội giao các sở, ngành chuyên môn một lần nữa rà soát lại các thủ tục giao đất cho ICC, và một lần nữa, câu trả lời vẫn là: “Tuân thủ đúng pháp luật”.

Ngày 15/8/2006, TP có giấy mời đại diện C15 cùng dự họp để có quyết định cuối cùng về dự án của ICC, không có người đến dự, cuộc họp bất thành. Dự án của ICC tiếp tục bị treo, và Cty Đại Dương tiếp tục chiếm giữ 1.847 m2 đất tại số 4 phố Đội Nhân…

Theo kết luận của Thanh tra TP Hà Nội, những điều Cty Đại Dương tố cáo là “không có cơ sở”; không chỉ vậy, theo nhiều tài liệu mà các PV báo Tiền phong có, trong suốt thời gian khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo từ năm 2003 đến nay, Cty Đại Dương “tranh thủ” kinh doanh dịch vụ mát - xa, thậm chí mở thêm trường mẫu giáo, ngay tại khoảnh đất họ đang chiếm giữ trái phép.

Các cơ quan chức năng cấp phường, quận, TP đã có nhiều văn bản xác định Cty Đại Dương có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật như chiếm giữ và sử dụng trái phép tài sản của người khác, kinh doanh trái phép, trốn thuế. Nhiều người theo dõi vụ việc cho rằng, chính nhờ chiêu “tố cáo” người khác mà Cty Đại Dương đang tạm “né” được sự xử lý của pháp luật!

Khi bị “tố cáo” bất bình thường, các doanh nghiệp thường khó thoát khỏi phiền phức, chí ít cũng là mất thời gian để hầu tra. Song khi bị “xác minh” bất bình thường, mà ví dụ điển hình chính là trường hợp của ICC được nêu trong bài viết này, doanh nghiệp mới thực sự “sống dở, chết dở”…

Chờ đến khi làm rõ “trắng ra trắng, đen ra đen”, thời cơ đã đi qua, thương hiệu sứt mẻ, nợ nần chất chồng, nếu không phá sản, thân bại danh liệt, thì cũng bị các đối thủ đang cạnh tranh “bỏ rơi” khỏi “cuộc chiến” !

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".