Cựu nhà báo vòi tiền giám đốc Sở ở Yên Bái bị đề nghị phạt 3-4 năm tù

Bị cáo Phong tươi cười bắt tay người thân trước khi bước vào phòng xử án
Bị cáo Phong tươi cười bắt tay người thân trước khi bước vào phòng xử án
Lê Duy Phong khai không bị ép cung, thừa nhận công việc của người làm báo không cho phép anh ta nhận tiền như vậy.

Sáng nay (ngày 20/4), TAND thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) mở phiên sơ thẩm xét xử Lê Duy Phong (33 tuổi, cựu trưởng ban bạn đọc báo điện tử Giáo dục Việt Nam) về hành vi cưỡng đoạt tài sản, theo điều 170 Bộ luật hình sự 2015, khung hình phạt 7-15 năm tù.

Từ sáng sớm, an ninh tại TAND thành phố Yên Bái được thắt chặt. Hơn 50 người ngồi chật cứng trong phòng xét xử. Phóng viên tác nghiệp ở phòng riêng song chỉ có 12 chỗ nên nhiều người ngồi ngay trước phòng xử và theo dõi qua loa.

Theo thông báo của thư ký phiên tòa, HĐXX triệu tập một phụ nữ tên Nhàn đến làm chứng song chị này vắng mặt.

Trước tòa, Phong thừa nhận mọi hành vi như cáo trạng truy tố, tự đánh giá: “Công việc của người làm báo không cho phép bị cáo nhận tiền như vậy. Hành vi này là vi phạm đạo đức, pháp luật”. 

 Giải thích việc con dấu được tìm thấy trong ôtô, Phong khai do được “toà soạn cấp cho trưởng ban bạn đọc”. Phong thường để ở phòng làm việc tại cơ quan song do quên nên mang theo tới Yên Bái.

 Trả lời HĐXX về những tài liệu, danh bạ in chức danh tên Tổng giám đốc Lê Duy Phong, bị cáo khai việc này không liên quan vụ án. Đây là tài liệu anh ta chuẩn bị để thành lập doanh nghiệp truyền thông. 

 Trình bày với HĐXX, hai bị hại đều xin giảm nhẹ tội danh cho Phong. Đại diện cho ông Vũ Xuân Sáng (Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Yên Bái), luật sư Nguyễn Đức Toàn giải thích việc đưa tiền cho Duy Phong vì "lo sợ" nếu bị nêu tên trên báo sẽ gây nhiều phiền toái trong công tác, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín. Luật sư Toàn cho rằng Phong đã khắc phục hậu quả và thành khẩn khai báo nên đề nghị HĐXX áp dụng tất cả những tình tiết có lợi nhất cho bị cáo. 

 Là bị hại thứ hai của vụ án, ông Hoàng Trung Thực cho biết ông là công an về hưu, đang góp vốn kinh doanh vận tải trên địa bàn. Do trước đó có báo đăng bài viết về căn nhà của Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái nên khi nghe Phong tiết lộ đang tìm hiểu chuyện làm ăn của mình, ông càng lo sợ và vội đưa 50 triệu đồng ngay trên bàn nhậu.

 Ông Thực sau khi trình bày về nội dung sự việc đã xin HĐXX áp dụng những tình tiết giảm nhẹ nhất cho bị cáo Phong. 

 Bị cáo: Không có việc chia tiền cho 26 phóng viên, nhà báo

 Theo đại diện VKS, từ những chứng cứ và lời khai tại toà có đủ căn cứ xác định Lê Duy Phong phạm tội Cưỡng đoạt tài sản. Việc này vi phạm luật báo chí, ảnh hưởng xấu đến xã hội. Bị cáo vì mục đích vụ lợi mà phạm tội nhiều lần nên cần có hình phạt thích đáng. 

 Tuy nhiên, đại diện VKS đề nghị giảm nhẹ một phần hình phạt cho Phong vì có nhiều thành tích trong công tác, thành khẩn khai báo, đã bồi thường cho bị hại và bố có huân chương hạng ba khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế. VKS đề nghị HĐXX phạt Phong 3-4 năm tù.

 Trong phần tranh luận, luật sư Nguyễn Đức Toàn hỏi Phong có bị ép cung, nhục hình trong quá trình điều tra không? Bị cáo nói: "Không". 200 triệu đồng cưỡng đoạt của giám đốc Sở, Phong khai chi tiêu cá nhân hết 130 triệu đồng, số còn lại gửi vào tài khoản ngân hàng. 

 Bị cáo khẳng định “không chia cho 26 phóng viên, nhà báo như lời khai trước đó” và mong muốn trả lại ôtô, điện thoại, tiền trong tài khoản ngân hàng vì đây là tài sản riêng của hai vợ chồng.

 Bào chữa cho thân chủ, luật sư của Phong là Nguyễn Văn Kiệm đề nghị xem xét lại cáo buộc “phạm tội hai lần trở lên”. Luật sư cho rằng, cả hai lần Phong đều không có sự chuẩn bị từ đầu, sự việc phát sinh từ “sự lo sợ quá mức” của bị hại. 

 Khi được nói lời sau cùng, Phong trình bày ngắn gọn chưa đầy một phút, chỉ mong muốn “nhận được sự khoan hồng của pháp luật”.

 14h, tòa tuyên án.

Cựu nhà báo vòi tiền giám đốc Sở ở Yên Bái bị đề nghị phạt 3-4 năm tù ảnh 1 TAND TP Yên Bái, nơi diễn ra phiên xử.
Theo cáo trạng, Phong cử một phóng viên đến Yên Bái xác minh nguồn gốc tài sản trên đất của gia đình Giám đốc Công an và Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh này. Giữa tháng 6/2017, Phong nhắn tin tới số điện thoại của ông Vũ Xuân Sáng (Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Yên Bái), thông báo đang xác minh nguồn tài sản của gia đình ông và hẹn gặp.

 Trong cuộc gặp một ngày sau đó tại phòng làm việc của ông Sáng, Phong "vòi" 200 triệu đồng để “giải quyết ổn thoả và không viết bài”.

 Cáo trạng thể hiện, Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư Yên Bái đồng ý và đưa cho bị cáo Phong 100 triệu đồng tại phòng làm việc. Chiều cùng ngày, ông Sáng đưa nốt 100 triệu đồng.

 Ngay hôm đó, Phong chỉ đạo phóng viên dừng tìm hiểu về “nguồn gốc” căn nhà của ông Sáng. Trong khi đó, ông Sáng cho rằng "không thể im lặng" nên đã làm đơn trình báo Công an thành phố Yên Bái.

Cựu nhà báo vòi tiền giám đốc Sở ở Yên Bái bị đề nghị phạt 3-4 năm tù ảnh 2 Bị cáo Phong bị bắt quả tang khi đang nhận tiền tại Yên Bái.
Ngày 22/6/2017, tại cuộc nhậu trưa cùng ông Hoàng Trung Thực, Phong tiết lộ việc làm ăn của ông này đang bị “tìm hiểu”. Ông Thực vội ngỏ ý xin không viết bài. Nghe câu trả lời “không thể giải quyết tình cảm”, ông Thực liền đưa 50 triệu đồng cho Phong. Công an thành phố Yên Bái ngay sau đó đã ập vào bắt quả tang.

 Cáo trạng nhận định Lê Duy Phong đã lợi dụng danh nghĩa Trưởng ban bạn đọc để đe doạ tinh thần, chiếm đoạt tổng cộng 250 triệu đồng.

 Trong quá trình điều tra, gia đình bị cáo đã bồi thường 200 triệu đồng cho ông Sáng.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.