Đã xác minh được danh tính thuyền viên VN bị sát hại

Đã xác minh được danh tính thuyền viên VN bị sát hại
TP - Ngày 1/11/2007, một thuyền viên Việt Nam đã thiệt mạng trên tàu cá Nhật Bản Phúc Thần Hoàn số 15 (Fukujin Maru) khi đang làm việc gần Bờ Biển Ngà (châu Phi), hung thủ là thuyền phó người Đài Loan Trần Văn Cẩm. Qua tìm hiểu, đã xác định được nạn nhân là anh Nguyễn Hữu Dương.

>> Dẫn độ thuyền phó giết thuyền viên Việt Nam

Vụ án mạng xảy ra ngày 16/10/2007 và phía Nha Ngư nghiệp Đài Loan cho biết, sau hai tuần phối hợp với các cơ quan quản lý cũng như ngoại giao, Đài Loan đã dẫn độ được hung thủ về tới Đào Viên.

Hiện Trần Văn Cẩm đang bị tạm giữ tại đảo Bành Hồ, nơi đăng ký hộ tịch của Cẩm. Được biết toà án và Viện kiểm sát địa phương Bành Hồ đang xử lý vụ án Trần Văn Cẩm với tội danh “giết người”.

Phóng viên Tiền phong đã liên hệ với Ban quản lý lao động Việt Nam - Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc và được biết, thuyền viên tàu cá Việt Nam do Nha Ngư nghiệp Đài Loan quản lý, không thuộc diện Ủy ban lao động Đài Loan cấp phép, quản lý. Đồng thời, thuyền viên tàu cá xa bờ không qua thẩm định hồ sơ tại Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc.

Tuy nhiên, qua sự nỗ lực của Văn phòng, Ban quản lý Lao động cùng các cơ quan hữu trách Đài Loan đã xác định được nạn nhân là anh Nguyễn Hữu Dương, sinh ngày 25/12/1981, quê tại Cửa Lò, Nghệ An, xuất cảnh ngày 27/9/2005.

Cty môi giới lao động phía Việt Nam là Tổng Cty Sông Hồng. Cty môi giới và quản lý anh Dương tại Đài Loan là Cty Hàng hải Xuất nhập quốc tế Cường Đăng (Cao Hùng, Đài Loan).

Theo nguồn tin của Tiền phong, đây không phải lần đầu tiên các lao động Việt Nam sang làm việc theo sự môi giới và quản lý của Cty Cường Đăng gặp trục trặc hoặc tai nạn trong khi làm việc.

Tháng 4/2007, vụ án hai thuyền viên Việt Nam là Nguyễn Duy Lạng (1983) và Nguyễn Tiến Tạo (1982) bị quản lý tàu cá Đài Loan đánh đập, phải làm việc 18-20 tiếng mỗi ngày, suốt 7 tháng làm việc không gửi được đồng lương nào về cho gia đình ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), phải chui lủi bỏ trốn từ Cap Town (châu Phi) về Việt Nam gây phẫn nộ dư luận cũng là lao động do Cty Cường Đăng quản lý và đưa đi làm việc.

Trước đó, phóng viên Tiền phong đã đến Cao Hùng liên hệ xin phỏng vấn trực tiếp ông chủ Cty Cường Đăng tại văn phòng về vụ 4 thuyền viên Việt Nam trên tàu Trung Nghĩa 218 bị bắt cóc tại Somalia tháng 8/2005, đều là lao động do Cường Đăng môi giới và quản lý.

Tuy nhiên Cường Đăng đã từ chối với lý do ông chủ đi vắng không có ai ở văn phòng có quyền trả lời. Và vụ án anh Nguyễn Hữu Dương bị giết tháng 10/2007 là đỉnh điểm.

Đài Loan cũng vừa xét xử một vụ án tương tự, một thuyền phó tàu viễn dương Đài Loan đâm chết một thuyền viên trong lúc xô xát trên biển Ấn Độ Dương năm 2005. Ngày 10/11/2007, tòa án đã tuyên bố thủ phạm phải bồi thường cho gia đình nạn nhân 5 triệu đài tệ (tương đương 2,5 tỷ đồng Việt Nam).

MỚI - NÓNG