“Đại án” 9.000 tỷ đồng: Viện kiểm sát bảo lưu quan điểm buộc tội

Luật sư đã chứng minh công khai tại tòa, bà Hứa Thị Phấn cũng là nạn nhân của ông Danh. Ảnh: Tân Châu
Luật sư đã chứng minh công khai tại tòa, bà Hứa Thị Phấn cũng là nạn nhân của ông Danh. Ảnh: Tân Châu
TPO - Ngày 25/8, đối đáp với các luật sư về khoản tiền 5.190 tỷ đồng tại phiên xét xử đại án 9000 tỷ đồng xảy ra tại VNCB, VKS khẳng định ông Phạm Công Danh đã sử dụng tiền trên tài khoản Trần Ngọc Bích để trả nợ vay của Nhóm bà Bích trước đó. Hành vi của ông Danh thực hiện trái pháp luật, gây thiệt hại cho VNCB. 

Số tiền này do vi phạm pháp luật mà có, vì vậy VKS đề nghị HĐXX thu hồi lại nhằm khắc phục hậu quả cho VNCB là có cơ sở. Không đồng tình với lập luận của VKS, luật sư Phan Trung Hoài- bào chữa cho ông Danh cho biết VNCB khẳng định với ông là không có yêu cầu liên quan đền bù thiệt hại 5.190 tỷ đồng. “VNCB không yêu cầu sao VKS lại giữ quan điểm phải đền bù thiệt hại?” – Ông Hoài đặt câu hỏi.

Luật sư Nguyễn Đức Nam (Đoàn luật sư TP.HCM – bảo vệ cho VNCB) thì cho rằng khoản tiền 5.190 tỷ đồng nhóm Trần Ngọc Bích vay VNCB ngày 21/8 và 26/8/2013, sau đó ông Danh vay lại của nhóm Trần Ngọc Bích để trả nợ cho khoản vay của nhóm này ngày 21/6, 26/7 và 30/7/2013.  Ngoài ra, khoản tiền 300 tỷ đồng ngày 20/12/2013 là tiền nhóm Trần Ngọc Bích vay của VNCB, sau đó ông Danh vay lại của nhóm Trần Ngọc Bích. 

Từ lúc khai mạc phiên toà đến nay ông Trần Quý Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát) không tham dự phiên toà mà uỷ quyền cho người khác tham dự phiên toà; bà Trần Ngọc Bích tham dự phiên toà vài lần, sau đó uỷ quyền cho nhân viên của mình tham dự, các trình bày đều do người đại diện theo uỷ quyền của bà Bích trả lời nên sự việc không thể chỉ căn cứ vào trình bày của các đương sự mà có thể làm sáng tỏ. 

Ngoài ra, luật sư Nam cũng nói rằng nếu nhóm bà Trần Ngọc Bích khẳng định không chỉ đạo thực hiện việc chuyển tiền từ tài khoản của mình sang tài khoản ông Danh thì tài khoản bà Bích tất yếu sẽ còn tiền. “Nếu như vậy thì các khoản vay của nhóm Trần Ngọc Bích trong ngày 21/8 và 26/8/2013, khi đến hạn thì nhóm bà Bích hoàn toàn có tiền để tất toán các khoản vay này, nhưng nhóm bà Trần Ngọc Bích liên tục thực hiện gia hạn khoản vay để không bị chuyển nợ quá hạn”- luật sư Nam phân tích.

Liên quan tới bà Hứa Thị Phấn (đại diện Nhóm Phú Mỹ), luật sư Phạm Ngọc Trung (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Phấn) cho biết báo cáo tài chính đến ngày 29/2/2012, vốn chủ sở hữu của Đại Tín là 3.132 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 83 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, theo báo cáo tài chính VNCB thì kết quả kinh doanh lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng. 

Lý giải sở dĩ có số âm như vậy là do khi NHNN thanh tra Đại Tín, Đại Tín trích dự phòng rủi ro bổ sung và xuất toán lại với số tiền 5.978 tỷ đồng, việc trích dự phòng quá lớn và không hợp lý dẫn đến việc âm vốn, chứ không phải là bị mất vốn như nhận định của VKS và tất nhiên khi xử lý và thu hồi nợ tốt thì vốn chủ sở hữu sẽ dương. 

“Bà Phấn và Nhóm Phú Mỹ không gây hậu quả như VKS quy buộc” – ông Trung khẳng định. Ngoài ra, vị đại diện cho bà Phấn cũng cho rằng VKS đề nghị HĐXX khởi tố liên quan tới bà Phấn tại tòa là vượt giới hạn của một phiên tòa, cũng như phản bác toàn bộ nội dung mà đại diện VKS tại tòa đã quy buộc cho bà Phấn và Nhóm Phú Mỹ. 

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.