Đại án đường sắt: Đề nghị mức án đến 13 năm tù

Các bị cáo trong phiên xử ngày 26/10. Ảnh: Bảo Thắng
Các bị cáo trong phiên xử ngày 26/10. Ảnh: Bảo Thắng
TPO - Chiều nay, HĐXX đã dành thời gian cho các luật sư thẩm vấn bị cáo. Có hay không nguyên đơn dân sự trong vụ án là vấn đề được nhiều luật sư đặt ra. Trước khi tranh luận, cơ quan công tố đã đề nghị mức án cao nhất đến 13 năm tù.

Không có nguyên đơn dân sự?

Tiếp phần thẩm vấn chiều nay, luật sư Hằng Nga (Đoàn luật sư Hà Nội) cho gọi bị cáo Trần Văn Lục (SN 1958, cựu Giám đốc RPMU). Ông Lục bị cáo buộc đã được Phạm Hải Bằng báo cáo về việc Tổ dự án thuộc RPMU sẽ tiếp nhận các khoản tiền hỗ trợ từ nhà thầu JTC để chi phí cho các khoản liên quan đến dự án, tổ chức lễ ký kết hợp đồng, hội thảo… Thời gian tại vị, ông Lục đã không chỉ đạo xử lý dứt điểm việc tiếp nhận, sử dụng số tiền này.

Liên quan đến câu chuyện có hay không nguyên đơn dân sự trong vụ án, luật sư Hằng Nga đặt câu hỏi với bị cáo Lục: “Theo bị cáo, nguyên đơn dân sự trong vụ án này là ai?”. Sau đó, luật sư có giải thích cho bị cáo về khái niệm về nguyên đơn dân sự, là những người bị thiệt hại trong vụ án và có đơn yêu cầu bồi thường. Ngay sau đó, ông Lục cho rằng: “Đó là phía JTC”. 

Tiếp lời, luật sư Nga giải thích, có thể coi JTC là nguyên đơn dân sự, nhưng ở phiên tòa này, họ không có bất cứ động thái hay đề nghị nào, vậy căn cứ nào để xác định nguyên đơn dân sự, và ở vụ án này có nguyên đơn dân sự hay không. Nghe đến đây, cựu Giám đốc RPMU quả quyết: “Vụ án này không có nguyên đơn dân sự”.

Tiếp đến, luật sư Nga cho gọi bị cáo Phạm Quang Duy (SN 1975, cựu Phó giám đốc RPMU). Cũng là nội dung tương tự, luật sư Hằng Nga đặt câu hỏi đối với Phạm Quang Duy: “Bị cáo hiểu, trong vụ án này ai là nguyên đơn dân sự?”. “Dạ không có ạ!” – bị cáo Duy đáp. Nghe xong, luật sư Nga lên tiếng: “Vậy, vụ án này không có nguyên đơn dân sự. Chúng ta xử ai đây, xử vì lý do gì?”.

Liên quan đến hành vi của bị cáo Nguyễn Nam Thái (SN 1977, cựu Trưởng phòng dự án 3, RPMU), luật sư đã làm rõ hành vi sử dụng khoản tiền trái phép 11 tỷ đồng. Thái khẳng định, đã nhận hàng tỷ đồng từ bị cáo Bằng (cựu Phó giám đốc RPMU).

Di chuyển văn phòng cũng tính vào hợp đồng?

Quay lại chuyện chi tiêu, bị cáo Duy khẳng định, việc chi tiêu số tiền 11 tỷ đồng đều do bị cáo Bằng (cựu Phó giám đốc RPMU) quyết định. Trước khi chuyển sang phần tranh luận, chủ toạ phiên toà yêu cầu bị cáo Bằng làm rõ chuyện số tiền 11 tỷ đồng là khoản hỗ trợ từ JTC, nhờ Ban quản lý tiêu hộ, hay số tiền nằm trong hợp đồng. Theo đó, bị cáo Bằng cho rằng, đó là số tiền JTC tự nguyện cho RPMU xử lý, không yêu cầu chứng từ.

Chủ toạ phiên toà cũng làm rõ, trong số 11 tỷ đồng được tính đến khoản chi phí di chuyển văn phòng. “Hợp đồng tư vấn giữa RPMU với JTC có chi phí di chuyển văn phòng không?” – thẩm phán Trương Việt Toàn đặt câu hỏi. “Dạ không”  - bị cáo Bằng đáp. Chủ toạ tiếp: “Trong quy chế cơ quan, có phần nhận quà biếu không?”. Lúc này, Bằng hạ giọng: “Dạ không có”.

Sau gần 1 ngày xét xử, cuối giờ chiều, các kiểm sát viên đã kết luận vụ án cùng mới việc đề xuất mức án đối với 6 bị cáo. Cơ quan truy tố cho hay, tại phiên toà, có đủ cơ sở xác định các bị cáo phạm tội như bản cáo trạng đã truy tố trước đó. Đánh giá về mức độ vi phạm, cơ quan truy tố cho rằng, hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nghiêm trọng, đến nay chưa xác định được cụ thể hậu quả. Tuy vậy, có thể khẳng định, vụ án đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ thân tình giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Đánh giá vai trò từng bị cáo, cơ quan truy tố cho rằng, cựu Phó giám đốc RPMU đã không hoàn thành vai trò quản lý của mình. Là người phạm tội với vai trò tích cực nhất. Trực tiếp đàm phán với đối tác Nhật Bản để trục lợi cả chục tỷ đồng. Chính vì vậy, cần có mức án nghiêm khắc đối với bị cáo này, qua đó mới có tác dụng giáo dục, phòng ngừa, răn đe. Tuy nhiên, Viện KSND TP Hà Nội cũng đề nghị HĐXX xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Bằng.

Đề nghị mức án:

1. Bị cáo Phạm Hải Bằng (SN 1969, ở phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội, cựu Phó giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU), thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam, bị đề nghị mức án 11 đến 13 năm tù. Truy thu, sung quỹ số tiền hơn 3 tỷ đồng đã nhận từ JTC.

2. Các đồng phạm là Nguyễn Nam Thái (SN 1977, ở phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cựu Trưởng phòng thực hiện dự án 3, thuộc RPMU) bị đền nghị mức án 10 đến 12 năm tù. Còn bồi hoàn 2,8 tỷ đồng.

3. Trần Văn Lục (SN 1958, ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội, cựu Giám đốc RPMU) bị đề nghị 6 đến 8 năm tù. Bồi hoàn hơn 2,3 tỷ đồng.

4. Trần Quốc Đông (SN 1964, ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam) bị đề nghị 7 đến 9 năm tù.

5. Nguyễn Văn Hiếu (SN 1962, ở phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, cựu Giám đốc RPMU) đề nghị mức án 7 đến 9 năm tù.

6. Phạm Quang Duy (SN 1975, ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, cựu Phó giám đốc RPMU) bị đề nghị 8 đến 10 năm tù.

MỚI - NÓNG