Đại án Huyền Như: Luật sư mổ xẻ trách nhiệm của Vietinbank

Vì tham vọng, Huỳnh Thị Huyền Như đã đẩy chị ruột mình vào vòng lao lý
Vì tham vọng, Huỳnh Thị Huyền Như đã đẩy chị ruột mình vào vòng lao lý
TP - Phiên tòa xét xử “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như diễn ra ngày thứ tư (9/1) khá căng thẳng và trách nhiệm của ngân hàng Vietinbank đã được đem ra mổ xẻ.

Trách nhiệm đến đâu?

Luật sư Đặng Văn Châu, bảo vệ cho thân chủ là Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu đã hỏi Huỳnh Thị Huyền Như rằng, liên quan đến 125 tỉ đồng gửi vào tài khoản tiền gửi tại Vietinbank thuộc quyền quản lý của ai. Như nói là của Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu. “Bị cáo và ngân hàng chẳng lẽ không có trách nhiệm gì?”, luật sư truy tiếp. Như đáp trả, đề nghị luật sư xem lại quy định.

Luật sư Châu hỏi sang đại diện ngân hàng Vietinbank về việc có hay không trách nhiệm quản lý tiền gửi của khách hàng, việc các bị cáo chuyển tiền vi phạm rõ ràng suốt thời gian dài tại sao Vietinbank không phát hiện ra, cùng một số vấn đề về trách nhiệm của Vietinbank đối với số tiền khách hàng gửi tại đây.

Thế nhưng vị đại diện ngân hàng này tránh né liên tục các câu trả lời khiến chủ tọa phải nhắc nhở và thay đổi cách xét hỏi, không cho các luật sư hỏi trực tiếp mà cho Vietinbank ghi nhận các câu hỏi rồi trả lời đầy đủ chung một lần.

Luật sư Phan Trung Hoài, bào chữa cho bị cáo Võ Anh Tuấn (nguyên phó giám đốc Vietinbank, chi nhánh Nhà Bè) bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và Phạm Thị Tuyết Anh (nguyên giao dịch viên Phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay…” đã hỏi đại diện Vietinbank: Trong vụ án Huyền Như, Vietinbank lại không bị thiệt hại tài sản, không chịu trách nhiệm dân sự.

Nếu Vietinbank không thiệt hại tài sản, thì hành vi của hai thân chủ của ông (bị cáo Võ Tuấn Anh, Phạm Thị Tuyết Anh) là cán bộ của Vietinbank đặt ra ở đây là có gây thiệt hại gì cho Vietinbank hay không ?

Đồng thời, luật sư Hoài cũng đặt vấn đề đối với đại diện Vietinbank rằng, chỉ khi vụ án khởi tố, thông qua kết quả giám định, Vietinbank mới biết Huyền Như làm giả 8 con dấu, giả chữ ký, giả hồ sơ của khách hàng... để vay tiền của Vietinbank, thì trách nhiệm quản lý của Vietinbank như thế nào mà để cho cán bộ Vietinbank thực hiện hành vi đó? 

Các nhân viên không biết Huyền Như có hành vi gian dối, tại sao lại bị trách nhiệm hình sự, trong khi Vietinbank không bị thiệt hại? Ngoài ra, các luật sư khác cũng đặt câu hỏi với đại diện Vietinbank: trong vụ án này, việc cho vay vượt quá thẩm quyền, hành vi của Huyền Như như vậy thì trách nhiệm của Vietinbank như thế nào? Có thiệt hại cho Vietinbank hay không?.

Có luật sư cho rằng: “Khách hàng gửi tiền là gửi vào Vietinbank, sau đó chính Vietinbank đã quản lý khoản tiền này. Nhưng lại để cán bộ của mình làm giả hồ sơ, giả cả chữ ký khách hàng, giả cả con dấu để rút tiền, vay tiền, thì trách nhiệm của chính Vietinbank. Nếu không có trách nhiệm, vậy thì Vietinbank có phải là ngân hàng hay không?”.

Hàng loạt câu hỏi đặt ra của các luật sư dành cho đại diện Vietinbank vẫn không nhận được lời đáp.

Phó giám đốc… bán hột vịt lộn

Trong phiên tòa hôm qua, luật sư Trương Thị Hòa chất vấn bị cáo Huỳnh Mỹ Hạnh (chị ruột Huyền Như). Bị cáo này đã khóc như mưa trước vành móng ngựa.

“Nguyên nhân nào chị về làm cho Công ty Hoàng Khải?”, luật sư Hòa hỏi. Hạnh khai, trước khi về Hạnh hành nghề bán… hột vịt lộn ở quê nhà Tiền Giang. Một hôm, Huyền Như về nhà và nói với Hạnh là đã mở Công ty cổ phần đầu tư Hoàng Khải với quy mô kinh doanh lớn, nhiều hợp đồng xuất nhập khẩu nên cần sự giúp đỡ của Hạnh. Chỗ chị em ruột nên Như mới đủ tin tưởng giao phó công việc hơn là người ngoài. Như có nói với Hạnh “bán hột vịt lộn khi có khi không, thôi về làm công ty cho em”.

Sau đó, Như bổ nhiệm Hạnh làm phó giám đốc Công ty Hoàng Khải. “Bị cáo khi ấy thắc mắc mình sao có khả năng để làm phó giám đốc vì trình độ mới học lớp 9. Như trấn an bị cáo rằng bị cáo là chị ruột, chẳng lẽ Như hại chị”. 

Rồi Như nói, “kêu chị làm cái gì thì chị làm cái đó đi, em không làm cái gì vi phạm pháp luật cả”. Và, khi ký hồ sơ vay tại ngân hàng VIB, Hạnh không biết trước hồ sơ là gì và không biết số tiền như thế nào nên Như kêu ký thì ký. 

“Chị suy nghĩ thế nào khi bị truy tố ra tòa?”, luật sư hỏi. Hạnh khóc và nói, rất ân hận vì tin tưởng Như là em ruột nhưng không ngờ Như đưa vào con đường phạm tội.

Ngồi ở phía hàng ghế bị cáo, Như nghe những lời của Hạnh cũng khóc theo. Theo lời khai của Như khi được luật sư thẩm vấn, Như đã thuê Hạnh làm ở Công ty Hoàng Khải với mức lương ban đầu là 3 triệu đồng, sau tăng lên 7-8 triệu đồng/tháng. “Toàn bộ do bị cáo làm, chị Hạnh không biết”, Như nói trong nức nở.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.