Đại án Ngân hàng Xây dựng giai đoạn 2: Gây thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng

Phạm Công Danh bị xác định gây thất thoát hơn 6.100 tỷ cho VNCB.
Phạm Công Danh bị xác định gây thất thoát hơn 6.100 tỷ cho VNCB.
TP - Để có tiền sử dụng, Phạm Công Danh lập các hồ sơ khống từ các Cty không hoạt động để vay tiền 3 ngân hàng, cho Ngân hàng Xây dựng bảo lãnh. Đến nay, các Cty của ông Danh không trả được nợ, gây thiệt hại hơn 6.126 tỷ đồng cho Ngân hàng Xây dựng.

Bảo vệ, lái xe làm giám đốc

VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố các bị can Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), nguyên Chủ tịch Cty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh; ông Trầm Bê (SN 1959) – nguyên Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng Sacombank và 44 đồng phạm về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cáo trạng, Phạm Công Danh và các đồng phạm đã sử dụng tiền của VNCB bảo lãnh cho 29 lượt Cty do Danh thành lập để vay tiền từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV).

Cụ thể, năm 2013, một  phó TGĐ BIDV ký với VNCB thỏa thuận ủng hộ VNCB tham gia chuỗi liên kết 4 nhà của BIDV với tư cách ngân hàng của người bán (vật liệu xây dựng), BIDV cấp hạn mức tín chấp hoặc/và có tài sản đảm bảo cho VNCB. Lúc đó, Phạm Công Danh không có tiền để tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín (tiền thân của VNCB) nên xin BIDV cho khách hàng vay 4.700 tỷ đồng để kinh doanh vật liệu xây dựng với tài sản đảm bảo gồm 3.070 tỷ đồng của VNCB gửi tại BIDV cùng nhiều bất động sản.

Khi BIDV đồng ý, ông Danh giao Mai Hữu Khương – nguyên thành viên HĐQT VNCB lựa chọn 12 Cty vay vốn từ các Cty Danh đã lập trước đó với giám đốc là nhân viên, bảo vệ, lái xe… đứng tên. Tiếp đến, Phan Thành Mai – nguyên TGĐ VNCB ký 12 văn bản giới thiệu 12 Cty trên cho hội sở BIDV, đề nghị cho mỗi Cty vay từ 320 đến 460 tỷ đồng.

Số tiền 4.700 tỷ đồng BIDV cho vay, Phạm Công Danh dùng chủ yếu vào mục đích tăng vốn của VNCB từ 3.000 lên 7.500 tỷ đồng; trả nợ, trả lãi cho BIDV… Tới tháng 5/2014, các chi nhánh của BIDV đã thu gốc, lãi số tiền gần 4.700 tỷ đồng và thanh lý các hợp đồng nói trên. Trong đó có hơn 2.550 tỷ đồng từ nguồn tiền gửi VNCB trả nợ thay được xác định là thiệt hại của VNCB.

 “Đại gia” vay tiền trả nợ

Cũng trong năm 2013, do VNCB có khoản nợ 2.600 tỷ tại BIDV cần trả nên Phạm Công Danh đã gặp Trầm Bê để vay tiền. Ông Trầm Bê quen biết ông Danh từ trước và biết Danh là Chủ tịch VNCB nên không thể vay tiền từ VNCB. Vì vậy, Trầm Bê và cấp dưới đồng ý cho Danh vay 1.800 tỷ đồng với tài sản thế chấp là tiền gửi của VNCB.

Được đồng ý, Danh chỉ đạo thuộc cấp lập 6 bộ hồ sơ vay vốn khống, gửi Sacombank đồng thời lập biên bản họp HĐQT nội dung đồng ý dùng hơn 1.854 tỷ đồng VNCB gửi tại Sacombank để đảm bảo các khoản vay. Sau đó, phía Sacombank đã giải ngân 1.800 tỷ đồng cho 6 Cty của Danh. Có tiền, Danh chi dùng cá nhân 166 tỷ đồng, còn lại để trả nợ cho BIDV.

Đến tháng 4/2014, do hết thời hạn nên Sacombank đã tự động thu nợ gốc, lãi hơn 1.835 tỷ đồng từ tiền gửi của VNCB. Do cả 6 Cty nói trên không có hoạt động sản xuất kinh doanh, không có tài sản đảm bảo nên VNCB không thu hồi được số tiền trả nợ thay.

Tại CQĐT, ông Trầm Bê khai cho Danh vay 1.800 tỷ đồng vì bản thân là Chủ tịch Hội đồng tín dụng, chỉ được phép cho vay tối đa số tiền này. Nếu ông Trầm Bê cho vay hơn 1.800 tỷ đồng sẽ phải trình lên HĐQT quyết định sẽ mất thời gian thậm chí sẽ có ý kiến phản đối vì đây là khoản vay rất lớn. Việc bàn bạc cho vay chỉ có các ông Trầm Bê, Phạm Công Danh và Phan Huy Khang – nguyên TGĐ Sacombank thỏa thuận với nhau.

Trong vụ việc, CQĐT xác định có sự liên quan của 13 lãnh đạo, cán bộ của Sacombank gồm ông Phan Đình Tuệ - TGĐ, Đào Nguyên Vũ – Phó TGĐ… Họ có sai phạm trong việc cho vay nhưng không trực tiếp bàn bạc, gặp gỡ Phạm Công Danh, không được hưởng lợi nên không đủ căn cứ xử lý hình sự.

Phát hành trái phiếu

Ngoài ra, để có tiền chăm sóc khách hàng và tăng vốn đầu tư, Phạm Công Danh chỉ đạo Phan Thành Mai tìm cách rút tiền từ VNCB để sử dụng. Mai gặp Nguyễn Việt Hà – TGĐ Cty CP quản lý Quỹ Lộc Việt. Hai bên thống nhất dùng biện pháp ủy thác đầu tư, Hà mượn pháp nhân các Cty để vay tiền TPBank. Số tiền này sẽ dùng để mua trái phiếu của tập đoàn Thiên Thanh và Cty Trung Dung (Cty của Danh). Một lần nữa, VNCB đứng ra bảo lãnh cho các khoản vay trên bằng 9 hợp đồng tiền gửi trị giá hơn 1.706 tỷ đồng.

Sau đó, Hà gặp gỡ đại diện TPBank, thống nhất lựa chọn 11 pháp nhân là các Cty để tham gia việc vay vốn, mua trái phiếu. Đồng thời, tập đoàn Thiên Thanh phát hành 2.500 trái phiếu, Trung Dung phát hành mới 1.200 trái phiếu. Trong số trái phiếu của Thiên Thanh, có 900 trái phiếu ủy thác qua Quỹ Lộc Việt. Thông qua một loạt giao dịch chứng khoán, bị can Nguyễn Việt Hà đã giúp Danh rút ra 900 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, việc Phạm Công Danh chỉ đạo tập đoàn Thiên Thanh và Trung Dung phát hành trái phiếu khi chưa có báo cáo kiểm toán tài chính và phê duyệt của cấp có thẩm quyền về các dự án đầu tư kinh doanh là vi phạm các quy định của Chính phủ.

Sau đó, TPBank ký hợp đồng tín dụng 1 năm với 11 Cty nói trên, giải ngân 1.666 tỷ đồng. Phạm Công Danh khai nhận dùng số tiền này để trả cho Hứa Thị Phấn (án 17 năm tù trong vụ OceanBank) để bà Phấn tất toán các hợp đồng của nhóm Phú Mỹ (nhóm nắm nhiều cổ phần tại ngân hàng Đại Tín - PV) với VNCB. Ngoài ra, Danh dùng tiền cho các Cty làm vốn đối ứng vay tiền tại BIDV, sử dụng riêng hoặc trả lãi ngoài 155 tỷ đồng cho ông Phạm Quý Thanh – TGĐ Cty Tân Hiệp Phát. Tuy nhiên, ông Thanh không thừa nhận việc này. Tháng 4/2014, TPBank đã tự động trừ 1.740 tỷ đồng từ tiền gửi của VNCB để tất toán khoản vay của 11 Cty nói trên.

VKSND Tối cao đã yêu cầu thu hồi 6.126 tỷ đồng thiệt hại trong vụ án cho VNCB (đã được Nhà nước mua lại) để khắc phục hậu quả, tuy nhiên CQĐT chưa thực hiện. Cơ quan truy tố cũng đề nghị tòa án, đại diện VKSND tiếp tục điều tra tại tòa để làm rõ vi phạm, trách nhiệm của một số cá nhân CQĐT không xử lý hình sự; nếu thấy có căn cứ phải xử lý.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.