'Đại án' Ngân hàng Xây dựng: Hỗ trợ khách hàng trái luật để hút vốn

Bị cáo Phan Thành Mai (đeo kính ngồi hàng đầu). Ảnh: Tân Châu
Bị cáo Phan Thành Mai (đeo kính ngồi hàng đầu). Ảnh: Tân Châu
TP - Chiều 21/7, Hội đồng xét xử (HĐXX) bắt đầu xét hỏi các bị cáo liên quan tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Khi cáo buộc tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, Viện kiểm sát (VKS) nhận định Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng - VNCB) đã chỉ đạo các đồng phạm  thực hiện ba “phi vụ” gây thiệt hại 7 nghìn tỷ đồng, trong đó có việc lập hồ sơ khống nâng cấp hệ thống Corebanking để rút tiền.

Bị truy tố tội danh này ngoài Phạm Công Danh còn có Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết, Nguyễn Quốc Viễn, Phan Minh Tùng, Bạch Quốc Hào, Phạm Việt Thép, Trần Văn Bình, Nguyễn Thị Kim Vân và Lê Công Thảo.

Bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) là người đầu tiên  trả lời HĐXX. Phan Thành Mai thừa nhận 2 tội danh như cáo trạng. Mai cho biết, cuối năm 2011 bắt đầu quen biết với Phạm Công Danh. Danh mời Mai viết đề án tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín (tiền thân của VNCB) và đưa ra ý tưởng liên kết các tổ chức xây dựng thành lập một ngân hàng chuyên ngành hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản.

Cũng theo bị cáo Mai, Danh cho Mai biết rõ tình hình tài chính của ngân hàng Đại Tín lỗ lũy kế khoảng 8 nghìn tỷ đồng, vốn khoảng 2 nghìn  tỷ đồng, số dư nợ khoảng 11 nghìn tỷ đồng, trong đó 95% không có khả năng thu hồi. Mỗi năm ngân hàng lỗ khoảng 2 -2,5 nghìn tỷ đồng.

Mai cũng đề xuất với Danh  xây dựng sàn giao dịch vật liệu xây dựng, liên kết 4 nhà đầu tư, ngân hàng; nâng số vốn đầu tư ban đầu lên; sử dụng nhóm cổ đông của Thiên Thanh để duy trì hoạt động và tái cơ cấu Đại Tín. Phạm Công Danh trả cho Mai khoảng 3,2 tỷ đồng tiền công, và số tiền này được chuyển vào tài khoản của Thiên Thanh và tài khoản riêng của Mai.

Khi Phạm Công Danh chỉ đạo Mai tìm giải pháp đưa Đại Tín thoát khỏi tình trạng “ngân hàng không đồng”,  Mai đề xuất ý tưởng dùng hệ thống Corebanking. Trong cuộc họp Danh đồng ý với ý kiến của Mai sử dụng hệ thống Corebanking để rút tiền ra chăm sóc khách hàng, phân công Mai lo hoạt động ngân hàng. Việc rút tiền tại Corebanking chỉ duy trì hoạt động trong vòng 2 tuần, thì Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo, lúc này Mai và một số bị cáo đã khuyên Danh dừng lại việc này bởi số tiền chăm sóc khách hàng quá lớn, không đúng quy định…

Trước đó, Mai khai nhận nếu rút tiền từ VNCB trong lúc bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát, chỉ có thể rút qua hệ thống Corebanking vì đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Mai cũng thừa nhận mình có chỉ đạo Phòng kế toán lập các thủ tục, chứng từ để thực hiện giải ngân 63 tỷ đồng cho Cty An Phát gồm giấy đề nghị tạm ứng, phiếu chuyển khoản, đồng thời Mai ký phê duyệt trước trên giấy đề nghị tạm ứng để mọi người yên tâm.

Liên quan tới “Corebanking và 63 tỷ đồng” này, Phạm Công Danh khai nhận khoảng tháng 5/2013, do nhu cầu thanh khoản của VNCB, để đảm bảo khả năng thanh khoản, cần thu hút khách hàng đến gửi tiền tại VNCB.

Danh có tổ chức cuộc họp gồm Danh, Mai, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn, Phan Minh Tùng. Tại cuộc họp, Danh yêu cầu phải tìm cách rút tiền của Trustbank để có tiền chi chăm sóc khách hàng. Ban điều hành của VNCB có đề xuất hợp lý hóa việc rút tiền của Trustbank thông qua hệ thống Corebanking, Danh đã đồng ý đề xuất này và nhận thấy “việc làm này là sai quy định gây thiệt hại cho VNCB 63 tỷ đồng”.

Sáng nay, 22/7, Tòa sẽ tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo còn lại.

Khi Phạm Công Danh chỉ đạo Mai tìm giải pháp đưa đưa Đại Tín thoát khỏi tình trạng “ngân hàng không đồng”, Mai đề xuất ý tưởng dùng hệ thống Corebanking. Trong cuộc họp Danh đồng ý với ý kiến của Mai sử dụng hệ thống Corebanking để rút tiền ra chăm sóc khách hàng, phân công Mai lo hoạt động ngân hàng. Việc rút tiền tại Corebanking chỉ duy trì trong vòng 2 tuần, thì Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo, lúc này Mai và một số bị cáo đã khuyên Danh dừng lại việc này bởi số tiền chăm sóc khách hàng quá lớn…

MỚI - NÓNG