Đại án OceanBank: Chi lãi ngoài hơn 1.500 tỷ đồng có phải thiệt hại?

Bị cáo Nguyễn Thị Nga - nguyên Kế toán trưởng OceanBank.
Bị cáo Nguyễn Thị Nga - nguyên Kế toán trưởng OceanBank.
TPO - Ngày 16/9, TAND thành phố Hà Nội tiếp tục xét xử đại án kinh tế - tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank). Tại tòa, các luật sư tiếp tục phần bào chữa của mình cho các bị cáo.

Bào chữa cho nhóm bị cáo là cán bộ hội sở, chi nhánh OceanBank bị cáo trạng quy kết chi lãi ngoài, góp phần gây thiệt hại 1.576 tỷ đồng, luật sư Hoàng Huy Được cho rằng số tiền chi lãi ngoài không phải thiệt hại trong vụ án.

Luật sư nhắc lại lời bị cáo Nguyễn Thị Nga – nguyên Kế toán trưởng OceanBank: “Ai đọc báo cáo tài chính của OceanBank thì dễ dàng thấy có sự chi lãi ngoài và ai đọc bản giám định thì sẽ thấy không có thiệt hại”.

Theo luật sư Được, yêu cầu giám định gồm 2 nội dung là số tiền ngoài huy động có vi phạm hay không và nếu có thì gây thiệt hại cho OceanBank bao nhiêu tiền, đã không được giải quyết.

Trong khi đó, trưởng đoàn giám định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trả lời tại tòa rằng: “Đoàn giám định không có chức năng giám định thiệt hại… Trước khi trưng cầu giám định, CQĐT xác định thiệt hại trước”.

Đại án OceanBank: Chi lãi ngoài hơn 1.500 tỷ đồng có phải thiệt hại? ảnh 1

Luật sư Hoàng Huy Được.

Ông Được cho rằng giám định trong vụ án đã vi phạm nghiêm trọng luật giám định, bỏ qua nguyên tắc khách quan, vô tư. Vì vậy, con số 15.76 tỷ đồng mà VKSND cho rằng là thiệt hại của OceanBank là không chính xác.

Tiếp đó, luật sư Được phân tích hành vi chi lãi ngoài của các bị cáo là vi phạm Thông tư 02 của NHNN. Đây là thông tư quy định trần lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam năm 2011 là 14%. Việc này trái với quy định của Bộ luật Dân sự: “Không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do NHNN công bố” (ứng với 13,5%).

Tại tòa, các bị cáo đều thừa nhận cố ý vi phạm quy định Thông tư 02 nói trên nhưng phải chấp nhận chi lãi ngoài để giữ thanh khoản cho OceanBank và cho rằng việc này chỉ là vi phạm hành chính, không bị xử lý hình sự.

Theo luật sư Được, Thông tư 02 do nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Bình ký năm 2011 và sau đó là văn bản yêu cầu thực hiện do nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Giàu ký đều thể hiện nếu vi phạm thông tư 02 chỉ bị xử lý hành chính.

Bên cạnh đó, luật sư này cũng cho rằng hàng chục ngân hàng khác cũng thực hiện chi lãi ngoài nhưng không bị xử lý hoặc chỉ bị xử lý hành chính. Vì vậy, ông Được cho rằng nếu xử lý hình sự hơn 40 bị cáo là cán bộ OceanBank về hành vi chi lãi ngoài là vi phạm nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

Trên cơ sở phân tích, luật sư Được đề nghị HĐXX tuyên các thân chủ mình bào chữa không phạm tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” như cáo trạng quy kết.

Tại tòa, đại diện Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (OceanBank sau khi bị mua 0 đồng) cho rằng 1.576 tỷ đồng là thiệt hại. Bị cáo Nguyễn Thị Nga – nguyên Kế toán trưởng OceanBank đáp lại: “Chỉ xét chi phí để xác định thiệt hại thì không chấp nhận được. Đại diện OceanBank nói chỉ căn cứ khoản chi để xác định thiệt hại thì về xem lại lợi nhuận có nguồn gốc từ đâu”.

Bà Nga vừa khóc vừa nói: “OceanBank hãy cho các bị cáo xem nguồn thu từ lợi nhuận… Ngân hàng là mồ hôi, xương máu của các bị cáo giờ mua 0 đồng rồi thu được nợ lại cho vào lợi nhuận thì có thỏa đáng không”.

MỚI - NÓNG