Dak Lak: Viện kiểm sát bồi thường và công khai xin lỗi người bị oan sai

Dak Lak: Viện kiểm sát bồi thường và công khai xin lỗi người bị oan sai
Sáng 21/4/2005, Viện kiểm soát Nhân dân tỉnh Dak Lak đã công khai xin lỗi và bồi thường hơn 43 triệu đồng cho "người bị oan sai" Nguyễn Thái Ngọc.

Tại phòng họp của Cty cà phê Buôn Hồ (huyện Krông Búk, Dak Lak), ông Đỗ Khắc Tiệp - Viện trưởng VKSND tỉnh Dak Lak cùng các cộng sự: Bùi Xuân Khôi - Viện trưởng VKS huyện, Bùi Đức Quang - phó trưởng Công an huyện…và lãnh đạo Cty cà phê Buôn Hồ đã tổ chức buổi họp công bố quyết định bồi thường 43.443.285đ và xin lỗi công khai đối với ông Nguyễn Thái Ngọc, người từng bị VKSND tỉnh Dak Lak truy tố oan sai về hai tội “cố ý làm trái nguyên tắc chính sách chế độ và thể lệ kinh tế tài chính gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản XHCN” và “nhận hối lộ”.

Ông Nguyễn Thái Ngọc công tác tại Nông trường cà phê Đoàn Kết (nay là Cty cà phê Buôn Hồ) từ năm 1977 với cương vị kế toán trưởng, Trưởng phòng tài vụ.

Ngày 21/9/1982, ông Ngọc bị Công an huyện Krông Búk bắt tạm giam về hành vi cố ý làm trái… và nhận hối lộ. Sau gần 16 tháng tạm giam, ngày 17/1/1984 ông Ngọc được tại ngoại hầu tra. Cáo trạng số 41 ngày 27/6/1984 của VKSND tỉnh Dak Lak đã truy tố ông Ngọc về hai tội danh nói trên.

Sau khi thụ lý hồ sơ vụ án, TAND tỉnh Dak Lak đã nhiều lần trả hồ sơ cho VKS yêu cầu điều tra bổ sung, nhưng VKS không bổ sung được mà vẫn giữ nguyên quyết định truy tố.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 79/HSST ngày 19/9/1986, TAND tỉnh đã tuyên ông Ngọc không phạm tội “cố ý làm trái…” và  không đủ căn cứ để kết tội ông Ngọc về hành vi “nhận hối lộ”. Đồng thời, án sơ thẩm còn yêu cầu Nông trường Đoàn Kết có trách nhiệm phục hồi các quyền lợi, chế độ cho ông Ngọc như trước khi bị bắt giam.

Tiếp xúc với chúng tôi ngay sau khi buổi xin lỗi công khai kết thúc, ông Nguyễn Thái Ngọc nói trong nước mắt: “Tôi đã 74 tuổi, rất yếu vì thường hay ốm đau. Con cái bị thất học, phải làm thuê cuốc mướn, tha phương cầu thực. Ngày ấy tôi không bị bắt giam oan, chắc chắn hoàn cảnh gia đình tôi không đến nỗi như bây giờ.

Ngay sau khi Tòa án xử vô tội và yêu cầu cơ quan chủ quản phục hồi các quyền lợi cho tôi cho đến khi ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 388 về bồi thường oan sai do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra, tôi cũng đã rất vất vả xuôi ngược Bắc Nam và đến VKSND tỉnh cùng các cơ quan công quyền không biết bao nhiêu lần để yêu cầu bồi thường.

Thật ra, số tiền mà VKS bồi thường cho tôi chẳng thấm tháp vào đâu so với những gì họ đã gây ra. Nhưng tuổi tôi đã cao, lại đau yếu. Thôi đành chấp nhận, mỏi mệt lắm rồi!

Chia tay ông Ngọc, chúng tôi không khỏi bùi ngùi cho gia cảnh của vợ chồng ông. Mong sao những người thi hành công vụ trong ngành tư pháp rút kinh nghiệm sâu sắc và ngày càng cẩn trọng khi “phục vụ nhân dân”, để những oan sai như trên đừng bao giờ tái diễn.  

MỚI - NÓNG