Đám cưới hạnh phúc và phiên tòa thù hận

Đám cưới hạnh phúc và phiên tòa thù hận
TP - Vụ án con rể bắn chết mẹ vợ ở TP Tuy Hòa (Phú Yên) gây xôn xao dư luận năm 2006 lại một lần nữa được thổi bùng lên tại phiên tòa phúc thẩm do Tòa án quân sự T.Ư xét xử tại Đà Nẵng ngày 26/6.
Đám cưới hạnh phúc và phiên tòa thù hận ảnh 1
Mang di ảnh đi đòi công lý

Ai có mặt trong phiên tòa cũng thực sự đau lòng khi phải chứng kiến nghịch cảnh éo le, sự hận thù của những người đã từng sống chung trong một gia đình.

Một chi tiết gây bất ngờ trong phiên toà sơ thẩm (ngày 2 – 3/3/2007) là phía gia đình người bị hại đã ngay lập tức viết đơn kháng cáo sau khi toà tuyên án.

Dường như, ông Nguyễn Xuân Đức (chồng nạn nhân Nguyễn Thị Nguyệt) cùng các con ông đã tiên liệu được mức án mà pháp luật trừng trị “con rể cũ” Trần Quốc Ngư, và với ông chung thân là chưa đủ.

Vì thế, trong phiên toà phúc thẩm hôm 26/6 vừa rồi cả gia đình ông đã thuê hẳn 1 chiếc xe 24 chỗ, ôm di ảnh bà Nguyệt lặn lội từ Phú Yên ra tận Đà Nẵng để đòi “mức án công bằng” như lời ông nói.

Một “mức án công bằng” mà chắc rằng, khi đòi được rồi, hẳn gia đình ông cũng đau đớn vô cùng tận. Bởi nếu mức án đó được thực thi thì chắc chắn, cháu ngoại ông sẽ mất cha. Ai cũng biết, trên chung thân chính là tử hình...

Theo dự định, đáng lẽ phiên toà chỉ diễn ra trong vòng buổi sáng, nhưng đơn kháng cáo cùng những phần trình bày nhằm tăng mức án của gia đình bị hại và luật sư khiến phần tuyên án phải kéo dài sang buổi chiều. Một vài người chép miệng: “Thôi, chung thân là được rồi, người chết thì cũng chết rồi, tử hình hắn thì có giải quyết được vấn đề gì đâu”.

Lại có người gạt ngay: “Nói lạ, cầm súng truy sát mẹ vợ và vợ, thản nhiên giết người giữa thanh thiên bạch nhật mà không tử hình là sao chứ?”. Một vài ý kiến khác đồng tình: “Đúng, phải trừng trị thật nghiêm minh”.

Đám cưới hạnh phúc và phiên tòa thù hận ảnh 2
Trần Quốc Ngư tại toà

Ông Nguyễn Xuân Đức nghẹn ngào trước toà: “Thật tình thì chúng tôi cũng không mong muốn anh ta phải đền tội bằng mức án cao nhất. Nhưng luật là luật, gây ra tội ác là phải bị trừng trị. Huống hồ nó cả gan cầm súng giết ngay mẹ vợ cũ. Côn đồ quá”.

Chị Nguyễn Thị Khánh Duy đứng dậy, dùng những lời lẽ sắc bén phản bác lại mức án chung thân mà toà đã tuyên cho người đã từng đầu gối tay ấp 3 năm liền.

Đôi mắt ráo hoảnh, Khánh Duy cho rằng phải có một mức án cao nhất dành cho Ngư mới mong đòi lại được công bằng cho người mẹ đáng thương của mình”.

Dù ánh mắt Duy xa lạ, nhưng trong những lần xưng hô, thỉnh thoảng cô vẫn lẫn lộn giữa đại từ “anh” và “bị cáo”. Điều này làm không khí buồn đau, nghịch cảnh trớ trêu của một gia đình tại toà án.

Có lẽ, nằm mơ thấy ác mộng Duy cũng không thể ngờ được sẽ có ngày hôm nay. Cái ngày mà cô khăng khăng đòi pháp luật phải loại bỏ chồng cũ của mình ra khỏi đời sống xã hội.

Tháng 5/2004, gia đình 2 họ cùng nâng ly chúc hạnh phúc cho Ngư và Duy trăm năm hạnh phúc, chẳng ai nghĩ đến nghịch cảnh trớ trêu rồi sẽ có một ngày, hai họ lại đứng 2 chiến tuyến trong một cuộc “tranh đấu” sống còn.

Ông Nguyễn Xuân Đoàn – nguyên GĐ Sở Giáo dục tỉnh Phú Khánh (cũ), là bác ruột của nạn nhân Nguyễn Thị Nguyệt, đau đớn rơi nước mắt: “Ngày cưới chúng nó, tôi vui sướng bao nhiêu thì giờ đây, tôi đau đớn bấy nhiêu”. Sau 3 năm chung sống, lòng ghen tuông mù quáng cùng những hành động côn đồ, nông nổi đã biến một đám cưới hạnh phúc đi đến phiên toà đầy hận thù, nước mắt.

Bãi toà, Ngư bị tuyên y án chung thân, ông Đức, chị Khánh Duy vây lấy chúng tôi, buồn bã nhưng vô cùng kiên quyết: Gia đình sẽ kháng án tới cùng. Ai nấy đều thương cảm, có người khuyên: “Thôi, nhọc công tốn sức làm chi nữa. Rồi sẽ có toà án lương tâm phán xử nó”. Phải, hy vọng thời gian sẽ xoá đi hận thù.

MỚI - NÓNG