'Dán bùa' cho cát tặc

Cát tặc trên sông Đuống (ảnh chụp ngày 29/3). Ảnh: MĐ.
Cát tặc trên sông Đuống (ảnh chụp ngày 29/3). Ảnh: MĐ.
TP - Cuối năm 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ GTVT dừng cấp phép các dự án nạo vét lòng sông và cửa biển, tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng khai thác cát sỏi trái phép. Thế nhưng, mới đây, Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT) tiếp tục cấp phép cho nhiều doanh nghiệp khai thác cát với danh nghĩa nạo vét luồng lạch…

Núp bóng nạo vét để khai thác

Ngày 27/10/2015, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến về phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông và cửa biển. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương khẩn trương vào cuộc để ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên các dòng sông, cửa biển; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng sạt lở hai bên bờ sông do khai thác cát, sỏi, đồng thời đảm bảo được nguồn thu phí khoáng sản.

Theo đó, Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên các dòng sông, cửa biển. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ GTVT dừng ngay việc cấp phép các dự án nạo vét trên các lòng sông và cửa biển, tránh tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng để khai thác cát, sỏi trái phép.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Đại tá Khất Văn Kiều - Trưởng phòng Cảnh sát Đường thủy (PC68, Công an TP Hà Nội) cho biết, cách đây vài năm, thỉnh thoảng có phương tiện bị mắc cạn, song từ năm 2015 tới nay chưa phát hiện trường hợp tàu thuyền nào bị mắc cạn trên sông Hồng, sông Đuống thuộc địa bàn TP Hà Nội. Dù không có tàu thuyền nào bị mắc cạn, nhưng đầu năm 2016 Cục Đường thủy nội địa vẫn cấp phép cho nhiều doanh nghiệp “nạo vét luồng lạch” trên sông Hồng và sông Đuống. Điển hình như Cty CP Đầu tư khai thác và phát triển khoáng sản sông Hồng; Cty CP Đầu tư và Thương mại Việt Sơn; Cty TNHH Đầu tư phát triển thương mại Nhật Anh…

Đã yêu cầu dừng hoạt động?

Trao đổi với phóng viên ngày 30/3, ông Trần Văn Thọ - Cục phó Đường thủy nội địa - cho rằng, việc cấp phép cho các đơn vị nạo vét phải dựa trên cơ sở khảo sát thực tế. Hằng năm, sau mùa mưa lũ cơ quan chức năng sẽ đo đạc lại các vị trí, tính toán việc thay đổi dòng chảy cũng như các bãi nổi, để triển khai kế hoạch nạo vét. Ông Thọ cho biết, ngày 13/3, sau khi kiểm tra, Cục đã yêu cầu các đơn vị dừng toàn bộ các hoạt động nạo vét trên sông Đuống thuộc địa bàn tỉnh Bắc Ninh và Hà Nội.

Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên ngày 29/3 cho thấy, vẫn còn nhiều tàu thuyền hoạt động khai thác trên dòng sông này. Tại các khúc sông được cấp phép nạo vét như khu vực quận Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Ba Vì… vẫn có rất nhiều tàu cuốc ồ ạt khai thác cả ngày lẫn đêm.

Mua bán sang tay?

Một chủ doanh nghiệp chia sẻ, họ được cấp phép khai thác gần 20ha bãi nổi trên sông Hồng trong thời gian 10 năm, giá thuê đất gần 12 tỷ đồng. Vị chủ doanh nghiệp này cho rằng, Cty của ông ta khai thác theo kiểu cuốn chiếu nên không ảnh hưởng đến môi trường(?!).

Một chủ tàu (xin được giấu tên) chia sẻ, họ phải ký hợp đồng với các Cty có giấy phép nạo vét, mới được đưa tàu vào khu vực hút cát. Tuỳ từng khu vực và loại cát, cát xấu phải trả cho Cty 15.000 đồng/khối, cát đẹp 20.000 - 25.000 đồng/khối. Các tàu sau khi khai thác sẽ bán sang tay ngay cho các tàu buôn, giá từ 30.000 - 80.000 đồng/khối. Trước đó, năm 2014, khi Bộ Công an triệt phá vụ cát tặc trên sông Hồng thuộc địa bàn huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội đã cho thấy cát tặc thu lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng/ngày.

Cả nước hiện có khoảng 400/900 cơ sở khai thác cát sỏi trên sông và cửa biển giấy phép còn hiệu lực và 500 bến bãi trung chuyển được cấp phép. Từ năm 2011 đến năm 2015, lực lượng chức năng trong cả nước đã phát hiện, lập biên bản xử lý 85.084 trường hợp vi phạm trong khai thác cát, sỏi, phạt tiền gần 122 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG