Dân đột nhiên nghèo vì chính quyền làm sai

Dân đột nhiên nghèo vì chính quyền làm sai
TP - Những người đang khá giả đột nhiên nghèo là vì chính quyền địa phương làm sai, lấy đất, phá nhà của họ. Hành sự sai lầm đôi lúc không tránh khỏi, vấn đề ở đây là khi đã rõ sai, được cấp trên chỉ đạo sửa sai nhưng chưa nghiêm túc sửa khiến dân thêm nghèo khổ.

Ông Phan Đình Khương ngụ tại khu vực 4, thị trấn Gành Hào (Đông Hải, Bạc Liêu) có 10.000 m2 đất nuôi tôm, thu hoạch khá. Chợt một ngày ông Khương trắng tay và nghèo hơn 10 năm nay.

Đó là năm 1995, UBND tỉnh thu hồi đất của ông để giao cho Bộ đội Biên phòng tỉnh xây đồn. Ông chấp nhận nhưng yêu cầu được bồi thường. Nay, đại tá Nguyễn Đăng Khoa, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Bạc Liêu, xác nhận: “Lúc đó chúng tôi đang tính toán để bồi hoàn thì có chủ trương không xây đồn ở đó nữa nên trả đất cho địa phương”.

Đám đất của ông Khương bỏ hoang. Ông Khương liên tục làm đơn yêu cầu được bồi hoàn hoặc nhận lại đất (hoặc đổi đất) nhưng không cơ quan nào giải quyết. Năm 2002, UBND tỉnh Bạc Liêu cho xây dựng Trung tâm Y tế huyện và bến xe Gành Hào.

Ngày 5/12/2007, Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu mới có Công văn số 520 truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh: “Giao GĐ Sở TN-MT chỉ đạo kiểm tra, xác minh, có báo cáo và tờ trình đề xuất giải quyết”.

Sở TN-MT tỉnh Bạc Liêu cho rằng, thẩm quyền giải quyết của Thanh tra tỉnh nên chuyển hồ sơ cho Thanh tra. Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển tiếp hồ sơ về Thanh tra huyện Đông Hải.

Ngày 6/3/2008, ông Chánh thanh tra huyện Đông Hải Võ Chí Độ nói với PV Tiền phong: “Tỉnh ra quyết định thu hồi đất nên chúng tôi sẽ xin ý kiến tỉnh để giải quyết”.

Dân đột nhiên nghèo vì chính quyền làm sai ảnh 1
Ông Trần Việt Tiến với các văn bản đi đến kết quả bồi thường căn nhà 214,2 m2 của ông giá 2.928.310 đồng  

Sửa sai nhưng...không biết đúng hay sai

Ông Trần Việt Tiến, thương binh 2/4, gia đình liệt sỹ, ở số 51, tổ 1, phường 3 (TX Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) vốn khá giả.

Bởi khá giả, ông được UBND TX Bạc Liêu vận động bỏ tiền xây dựng 2 phòng học, đổi lại UBND TX Bạc Liêu cho ông sử dụng một mảnh đất 543 m2 trong 10 năm.

Đổi xong, UBND TX Bạc Liêu “lừa” lấy lại 303 m2. Trên đất còn lại ông Tiến xây dựng nhà tường, mái tôn có gác gỗ,  rộng 214,2 m2.

Được 6 năm, chính quyền địa phương buộc ông Tiến dỡ nhà, không bồi thường, để lấy đất xây trung tâm thương mại. Ông Tiến không chịu. Năm 2001, trong lúc vợ chồng ông đi khiếu nại ở Hà Nội, chính quyền địa phương cho người đập nhà của ông. Từ đó, cuộc sống của gia đình ông đi xuống thê thảm.

Liên quan vụ này, Thanh tra Chính phủ 3 lần có kết luận và Thủ tướng Chính phủ 4 lần chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu: Trả lại tài sản cho ông Tiến, bố trí đất tái định cư cho gia đình ông và xem xét bồi thường 303 m2 đất. Đến nay địa phương hầu như chưa thực hiện.

Về căn nhà cùng toàn bộ tài sản bên trong của một gia đình 7 người bị cưỡng chế đem bán, mới đây UBND TX Bạc Liêu ra quyết định trả cho ông Tiến 2.928.310 đồng.

Ông Lê Văn Tính, Chủ tịch UBND TX Bạc Liêu giải thích: “Đây là số tiền đã tính đủ, tính đúng cho ông Tiến theo biên bản giám định lúc bán tài sản”. Hiển nhiên, tài sản của ông Tiến trước khi bị cưỡng chế lớn hơn 100 lần con số trên.

PV Tiền phong hỏi: “Tại sao không trả cho ông Tiến giá trị tài sản trước khi bị cưỡng chế?”.

Một cán bộ có trách nhiệm ở TX Bạc Liêu trả lời: “Cấp trên không nói rõ việc cưỡng chế là đúng hay sai nên chúng tôi trả số tiền phát mại tài sản sau khi cưỡng chế”.

Dân đột nhiên nghèo vì chính quyền làm sai ảnh 2
Căn nhà lá xiêu vẹo của gia đình ông Tiêu Văn Hồ

UBND xã và huyện chỉ theo giấy giả

Vợ chồng ông Tiêu Văn Hồ ở ấp Hội Trung, xã Lịch Hội Thượng (Long Phú, Sóc Trăng) là gia đình liệt sỹ có cuộc sống ổn định.

Ông Hồ cho một người mượn 6.000 m2 đất cất lò đường, người này sau đó xuất cảnh và UBND xã Lịch Hội Thượng đã làm một biên bản giả công nhận phần đất này cho gia đình người xuất cảnh rồi lòng vòng để một người dân chiếm ở.

Ông Hồ khiếu nại, bị UBND huyện Long Phú bác đơn. Ngày 8/9/2006, UBND tỉnh Sóc Trăng có quyết định hủy quyết định của huyện, công nhận đất của ông Hồ và giao Chủ tịch UBND huyện Long Phú tổ chức thực hiện. Nhưng huyện không thực hiện.

Ông Tiêu Văn Hồ qua đời. Vợ con ông Hồ ngày càng nghèo khó, nay sống trong căn nhà lá xiêu vẹo.

Vợ ông Hồ nói với PV Tiền phong: “Tôi là mẹ liệt sỹ đã hơn 70 tuổi chỉ mong được chính quyền địa phương bảo vệ quyền lợi chính đáng và hưởng sự công bằng như bao người khác”.

MỚI - NÓNG