Cần tôn trọng quyền khiếu nại

Dân sai hay cán bộ chưa đúng?

Dân sai hay cán bộ chưa đúng?
TP - Biểu giá thuê điểm kinh doanh tại chợ Ea Súp (Đăk Lăk) không được đông đảo tiểu thương chấp nhận, giữa dân và chính quyền địa phương chưa tìm được tiếng nói chung.

Vụ khiếu nại giá thuê điểm kinh doanh dẫn tới hai lần bãi thị của tiểu thương chợ huyện Ea Sup vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Từ huyện miền núi giáp nước bạn Cam-pu-chia, một số tiểu thương cất công ra Hà Nội, tìm đến cơ quan tiếp dân của Chính phủ đưa đơn khiếu nại.

Gặp phóng viên, bà con bức xúc: “Cán bộ địa phương nhận đơn tụi tui nhưng không ra văn bản trả lời, chỉ nói miệng lòng vòng. Quanh đi quẩn lại thì họ mới đúng, tụi tui sai. Cực chẳng đã, tụi tui phải đưa đơn ra cấp trung ương”.

Văn bản pháp quy chưa rõ ràng

Theo tài liệu phóng viên Tiền Phong có, biểu giá cho thuê điểm kinh doanh chợ Ea Súp được xây dựng trên cơ sở Quyết định số 63 của UBND tỉnh Đăk Lăk ban hành ngày 1/10/2004, quy định về quản lý giá tại địa phương. Quyết định 63 chỉ nêu nguyên tắc chung, không nêu mức giá cho thuê điểm kinh doanh cụ thể tại các chợ trong tỉnh Đăk Lăk.

Khi áp dụng Quyết định 63, để có mức giá tối thiểu trong khung giá, các cơ quan tham mưu và chính quyền huyện Ea Súp tham khảo thêm Quyết định số 38 của UBND tỉnh Đăk Lăk ban hành ngày 26/9/2007 về các loại phí và lệ phí tại địa phương.

Theo nhiều chuyên gia pháp luật, việc áp dụng văn bản pháp quy để xây dựng biểu giá như vậy chưa thuyết phục. Quyết định 63 dựa trên Pháp lệnh Giá (Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2002), còn Quyết định 38 dựa trên Pháp lệnh Phí và Lệ phí (Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2001). Đây là hai văn bản quy định về hai khoản thu khác nhau trong hoạt động của các ban quản lý chợ, không thể áp dụng lẫn lộn.

Không riêng huyện Ea Súp, nhiều địa phương trong tỉnh Đăk Lăk đã áp dụng Quyết định 38 thay Quyết định 63. Việc này xuất phát từ sự thiếu rõ ràng của Quyết định 38; tuy quy định về phí chợ, nhưng trong khung giá của nó dường như đã bao gồm cả tiền thuê mặt bằng kinh doanh.

Sở Tài chính Đăk Lăk giải thích về Quyết định 38 trong một văn bản gửi UBND các huyện: “phí chợ là tiền thuê, sử dụng địa điểm kinh doanh tại chợ”. Cách giải thích như vậy khiến khi thi hành, cả cán bộ và người dân có nhiều cách hiểu, cách vận dụng khác nhau.

Trong các đơn khiếu nại, bà con chợ huyện Ea Súp đề nghị áp dụng Quyết định 38 (theo đó, giá cho thuê sẽ giảm đi nhiều). Chính quyền huyện không đồng ý, cho rằng phải áp dụng Quyết định 63. Nhưng, như đã phân tích, khi áp dụng Quyết định 63, huyện Ea Súp lại vẫn dựa vào… Quyết định 38! Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại tại huyện Ea Súp bị kéo dài.

Cần tôn trọng quyền khiếu nại

Nhiều tháng nay, kể từ khi bà con tiểu thương chợ Ea Súp có đơn khiếu nại, UBND huyện Ea Súp chưa ban hành quyết định hành chính giải quyết đơn theo đúng quy định của Luật Khiếu nại Tố cáo.

Trong các tài liệu phóng viên được cung cấp, đáng chú ý có một văn bản của lãnh đạo huyện Ea Súp, trong đó nhận định: “Có một số người cầm đầu hướng dẫn, quan hệ với luật sư tại TP Buôn Ma Thuột, nhằm kích động, lôi kéo, o ép bà con trong chợ ký đơn, gửi nhiều cấp, mục đích chính là gây sức ép buộc chính quyền hạ giá cho thuê, có lợi cho họ”; “Giao lãnh đạo Công an huyện gọi hỏi số cầm đầu, chủ mưu để răn đe, giáo dục, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực có thể xảy ra”.

Việc khiếu nại của bà con tiểu thương chợ Ea Súp là có căn cứ, bởi như đã phân tích, cách áp dụng các văn bản pháp quy để định giá cho thuê điểm kinh doanh trong chợ chưa thuyết phục.

Thực tế cho thấy, Ea Súp xa xôi, kinh tế kém phát triển, điều kiện kinh doanh khó khăn hơn, nhưng mức giá cho thuê điểm kinh doanh trong chợ mà chính quyền huyện dự kiến lại cao hơn rất nhiều so với chợ huyện láng giềng Buôn Đôn.

Để bảo vệ lợi ích chính đáng, bà con tiểu thương chợ huyện Ea Súp có quyền khiếu nại các quyết định do các cấp chính quyền ban hành. Điều này đã được quy định tại Luật Khiếu nại tố cáo, cũng như Pháp lệnh Giá, Pháp lệnh Phí và Lệ phí.

Thay cho việc vội chụp cho người này, người kia cái mũ “kích động khiếu kiện vượt cấp, đông người”, chính quyền huyện Ea Súp cần kiến nghị UBND tỉnh Đăk Lăk xem xét lại các căn cứ về giá và phí, điều chỉnh mức giá cho thuê điểm kinh doanh chợ Ea Súp một cách hợp lý, hợp tình.

Lê Anh - Minh Thuỳ

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.