Đánh bạc xuyên biên giới

Đánh bạc xuyên biên giới
TP - Bên kia vùng biên Châu Đốc (An Giang) không chỉ là “thượng vàng hạ cám” về hàng lậu, mà còn là thế giới đỏ đen hoạt động cùng với những hệ lụy đang đè nặng lên cuộc sống dân nghèo nơi này…

Kết thúc cuộc “shopping” ở khu chợ Gò. T. “biên giới” bảo Kên chống  xuồng hướng về căn nhà mọc duy nhất trên gò đất nổi khác nằm ngoài “vùng phủ sóng” của chợ gò Tà Mâu. Một thế giới khác hiện hữu trước mắt tôi. Một “casino” không chuyên với hai hoạt động chính là trường gà và sòng tài xỉu do giới chủ là những người Việt trong nước qua bên đây thuê đất kinh doanh.

T. nói với tôi, thông thường “casino” này đông con bạc vào những ngày cuối tuần. Điều này có thể chứng minh bằng việc dọc bên đường, ven “bến thuyền” ở Vĩnh Ngươn, đậu đầy những chiếc xế hộp đời mới có biển kiểm soát từ Vĩnh Long, An Giang (chủ yếu Long Xuyên), Cần Thơ, Đồng Tháp và TPHCM. Casino này mở cửa từ 9 giờ sáng và kết thúc khi nào hết con bạc.

Dù T. đã dặn vào cửa phải trả tiền vé 20.000 đồng/người, nhưng tôi làm bộ không biết cứ xăm xăm vào. Bỗng một cánh tay vươn ra chụp lấy tay tôi kéo lại. Nhìn lại mới thấy đó là một gã đàn ông dáng người nhỏ con trong đồng phục Công an Campuchia (PM). 

“Tiền vào cửa”, anh ta nói. Tôi móc ví lấy 40.000 đồng (cho tôi và T.) đưa cho một người đàn ông khác và yêu cầu đưa vé. Người này đưa cánh tay xăm đầy hình  dao búa chụp lấy tiền bỏ vào chiếc hộp thiếc và nói: “Vào đi, không có vé đâu”.

Nhìn lướt qua một vòng, ngôi nhà này có diện tích khoảng 1.500 m2 nhưng không có cảnh những vệ sĩ mặc áo vest với đôi kính đen của một casino chuyên nghiệp mà thấy toàn là người và người với những cảnh tượng xô bồ. Hầm hập hơi người, gà gáy inh ỏi. Những gì diễn ra bên trong như một “chảo lửa”.

Dễ thấy sự phân bố bên trong với 2 khu vực là trường gà và sòng tài xỉu. Trường gà được giới chủ thiết kế kiểu các bậc thang được dựng sơ sài bằng những cây gỗ dành cho những tay cá cược ngồi theo hình vòng cung, kiểu… đấu trường La Mã thu nhỏ. Cạnh bên là sòng tài xỉu được đặt trên một tấm ván ép xiêu vẹo rộng chừng 3 m2, vẽ ngoằn nguệch những ô đặt cược. Còn chung quanh là những gánh hàng rong và cả những dịch vụ khép kín về tài chính đen từ cầm đồ, vay mượn đến đổi tiền.

Tôi trông thấy dòng chữ viết tay trên tờ giấy carton được treo khắp nơi trong “casino” này: “Cấm quay phim, chụp hình. Ai bắt được cho 1 triệu!”. 

Đánh bạc xuyên biên giới ảnh 1

Trường gà Tà Mâu đang được cơi nới mở rộng quy mô. Ảnh: Hữu Vinh

Bát nháo thế giới cờ bạc

Chúng tôi tiến đến sòng tài xỉu. Chưa kịp ngó mắt vào thì đã đâm sầm vào một phụ nữ với thân hình phốp pháp, tuổi ngoài 40. Chưa kịp thực hiện phép lịch sự nói lời xin lỗi thì đã nghe bà ta càu nhàu: “Bà mẹ nó, hôm nay xui tận mạng, mới vài ván mà mất trắng 40 chai (1 chai = 1 triệu đồng). Lại còn đụng phải thứ này. Đi đứng cẩn thận nghen ba. Vào đó đi, cũng giống tao thôi!”.

Tôi nhẩm tính sòng tài xỉu có hơn 50 người tham gia. Kẻ đứng người ngồi chật cứng. Phía nhà cái có đến 3 đại diện. Tên người giữa có trách nhiệm xóc đĩa, phì phèo điếu thuốc lá. Hai tên còn lại ở hai bên chịu trách nhiệm “giám sát” thu gom, chung chi tiền cho con bạc.

Thật khó khăn tôi mới chen chân được vào đấu trường của… kê thủ. Một trận đấu của hai kê thủ vừa kết thúc. Có khoảng chục tay biện (cò đá gà) đang đếm, thu tiền một cách tích cực từ các con bạc.

Ở khoảng sân giữa đấu trường, với đường kính chừng 5m với 2 ô được kẻ màu xanh và đỏ, hai kê thủ khác được đưa ra nhằm chuẩn bị cho trận chiến mới. Các biện gà mà tôi được biết loáng thoáng qua những cái tên: H. castrol, cu T., L.V.. cố sức hét inh ỏi tỷ lệ cáp độ. Mà cũng phải phục những tay biện này với trí nhớ cực kỳ siêu. Những tay này chỉ cần thấy dấu của các con bạc đưa ra là nhớ tỷ lệ họ nhận cược với số tiền bao nhiêu.

Sau mỗi trận đấu kết thúc, biện mới ghi sổ và tính toán tiền để thu, chung chi từ các con bạc. T. giải thích: “Những tay này toàn là tay có số má bên Châu Đốc, hàng ngày vượt biên qua đây, tối trở về. Những con bạc, từ chủ bè cá da trơn, đến trùm buôn lậu, đại gia… họ đều nhớ mặt”.

Các con bạc hết tiền thì làm giấy vay mượn thế chấp hàng hóa, xe cộ. Sau đó về bên nước làm thủ tục thanh toán sau. Các biện nhận được 3% trên tổng số tiền thắng cược do giới chủ chi. Sau khi tan một độ gà, biện nộp lại tiền cho người quản lý trường gà, số tiền này được chi trả cho người cá cược và đổ vào túi chủ trường gà một khoản không nhỏ.

Mỗi ván đấu số tiền đánh cược lên đến vài trăm chai, nên hàng ngày việc tiền tỷ mà giới chủ ở đây thu về là chuyện thường. Ấy là chưa kể số tiền mà các con bạc bên ngoài  “tự xử” với nhau”!

Tôi nhìn đồng hồ đã 12 giờ trưa, nhưng sau khán đài này còn khoảng 40 kê thủ khác đang nằm trong các bội úp sẵn để chờ được đưa ra đấu trường. Trung bình, hàng ngày có khoảng 70 cặp gà được cáp độ. Những con gà chết được bán ra ngoài làm món khoái khẩu cho dân nhậu. Gà thắng độ được nâng giá bán đến vài chục triệu đồng. 

Nước mắt vùng biên

Thời điểm tôi đến, “casino” Tà Mâu đang được mở rộng diện tích bằng cách cơi nới như một khu casino liên hoàn, có thể tổ chức đá gà an toàn trong cả mùa nước nổi.

Nguồn tin mà tôi có được, “casino” gò Tà Mâu với sự tham gia cả chục cổ đông. Nổi lên trong đó là 2 đại gia người Châu Đốc. Một có biệt danh V. “bảo bảo” đang đầu tư kinh doanh massage, vũ trường ở Châu Đốc. Còn lại là A., ông này chuyên kinh doanh ngành kim khí điện máy, có cả một siêu thị ở TPHCM.

Tuy nhiên, A. đã chuyển quyền quản lý cho vợ và hàng ngày về Châu Đốc quán xuyến đàn gà đá khoảng 200 con, nhằm cung cấp cho dịch vụ béo bở này.

Có đến 90%  khách đến “casino” này là người Việt. Thứ hạng của dân chơi được tính bằng số tiền cá cược, kẻ “đá” 1 chai, người vài chục đến vài trăm chai nhưng kẻ đến, người đi khỏi “casino” đều có hoàn cảnh giống nhau: trắng tay.

Đã có nhiều tay chơi đã phơi áo ngay đấu trường bằng việc mang theo giấy tờ xe thế chấp hoặc viết giấy nợ, vay tiền ngay tại hệ thống “ngân hàng đen” có sẵn.

Nhiều câu chuyện về các bà mẹ, những người vợ bị mất tài sản lên chợ Gò tìm chồng, con để chuộc lại, nhưng đều thất vọng! Tiếng khóc tiếng than ai oán dậy khắp một vùng biên.

Mới đây, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm trật tự xã hội (PC14) CA An Giang đã hoàn tất chuyên án 307C, triệt phá 2 băng cướp với 30 thành viên tham gia, trong đó hầu hết đều là thần dân của “casino” này.

Băng thứ nhất chuyên “canh” cướp tiền của các chủ hàng bán cá ở trên địa bàn các huyện Phú Tân, Phú Châu, Chợ Mới. Băng này đã gây ra 3 vụ cướp với trị giá tài sản cướp được hơn 1,1 tỷ đồng.

Băng thứ hai chuyên nghề cướp giật tài sản khách đi đường. Chúng thực hiện được hơn 40 phi vụ cướp với tổng số tài sản cướp được hơn 300 chỉ vàng.

MỚI - NÓNG