Đánh người - đã rõ, có tụt quần không?

Đánh người - đã rõ, có tụt quần không?
TAND tỉnh Lâm Đồng vừa xét xử vụ đánh người gây thương tích. Tuy nhiên, vân còn uẩn khúc: Người bị hại khai còn bị tụt quần ngay giữa đường, nhưng thủ phạm lại bảo nạn nhân… tự lột để vu oan?!

Từ lâu gia đình chị L. và  Nguyễn Thị Gái Em, cùng ngụ huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), thường va chạm vì một xẻo đất cỏn con. Bà con chòm xóm nhiều lần khuyên giải nhưng 2 bên vẫn hậm hực nhau.

Quyết trả thù nên sáng 14/3/2004, thấy chị L. đi làm thuê, buổi chiều Gái Em đã dùng khăn bịt mặt cùng vài người tới “phục kích” gần nơi chị làm để chờ chị ra “đánh cho bõ tức”.

Mới đây, TAND tỉnh Lâm Đồng xử sơ thẩm đã tuyên phạt Gái Em 8 năm tù, đồng thời buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại gần 29 triệu đồng…

Làm nhục hay vu oan?

Tội cố ý gây thương tích của Gái Em đã rõ nhưng có hay không hành vi lột quần làm nhục người khác vẫn còn là một nghi vấn. Trước tòa, Gái Em khăng khăng nhận chỉ một mình đánh và không lột quần của người bị hại, chị L. đã tự lột quần mình ra để vu oan cho bị cáo (?).

Tuy nhiên, theo lời khai của các nhân chứng thì sự việc lại khác hẳn. Họ xác nhận nghe có tiếng kêu cứu, chạy ra thì thấy chị L. mặt đầy máu và bụi, nằm bất tỉnh, quần bị lộn trái tụt tới mắt cá chân. Từ những mâu thuẫn trên, Hội đồng xét xử đã kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ đồng phạm của Gái Em và xác minh về hành vi làm nhục người khác.

Theo chúng tôi, mức án 8 năm tù tòa tuyên đối với bị cáo về tội cố ý gây thương tích là thỏa đáng. Nhưng bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng cần phải nhanh chóng xác minh kiến nghị của Viện Kiểm sát, tòa án để giải quyết dứt điểm vụ việc.

Điều đáng nói là nếu xác định được bí cáo có hành vi lột quần người bị hại thì phải xử lý tiếp về tội làm nhục người khác. Còn ngược lại, nếu do người bị hại tự ý làm thì đã có dấu hiệu vu khống, cũng cần thiết phải bị xem xét để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

MỚI - NÓNG