Đất Cảng, kinh hoàng 'hàng nóng': Chân dung lái súng

Đất Cảng, kinh hoàng 'hàng nóng': Chân dung lái súng
TP - Vài năm trở lại đây, Hải Phòng lại xảy ra nhiều vụ giết người bằng hàng nóng. Nhưng, hàng nóng ở đây không phải là những khẩu súng quân dụng mà là loại súng bắn đạn ghém (hoa cải), súng thể thao.

>> Kỳ1: Mâu thuẫn nhỏ cũng hàng nóng

Về độ sát thương chẳng kém súng quân dụng nhưng việc sử dụng loại súng này chỉ bị xử lý hành chính như hành vi tàng trữ các loại vũ khí thô sơ khác khi bị bắt giữ.

Đất Cảng, kinh hoàng 'hàng nóng': Chân dung lái súng ảnh 1 Đất Cảng, kinh hoàng 'hàng nóng': Chân dung lái súng ảnh 2
Phạm Cao Sơn Lái súng Nguyễn Minh Chí

Ngày 19-12-2008, TAND thành phố Hải Phòng đưa Phạm Cao Sơn (42 tuổi, trú tại 146 gác 2, Quang Trung, quận Hồng Bàng, HP) và Nguyễn Minh Chí (51 tuổi, trú tại đường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, HP) ra xét xử vì mua bán, tàng trữ 10 khẩu súng ám sát loại bắn đạn thể thao quốc phòng.

Theo đó, trùm lái súng Phạm Cao Sơn bị 24 tháng tù giam, còn lái súng Nguyễn Minh Chí 18 tháng tù giam.

Vụ án bắt đầu từ việc ngày 24-3-2008, Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý, CATP Hải Phòng tóm cổ trùm thuốc lắc đất Cảng Dư Kim Dũng (Dũng tình).

Lực lượng CA bên cạnh việc thu được 14 kg viên nén ma tuý tổng hợp (hơn 70.000 viên thuốc lắc), 21 túi nilông đựng Ketamin, hai túi bột ma túy đá, bốn khẩu súng ám sát. Trùm Dũng tình khai số hàng nóng kể trên mua của Nguyễn Minh Chí.

Sau khi nhận được đơn đặt hàng của Dũng tình, Chí liền bắt mối với Phạm Cao Sơn (Sơn súng) và được Sơn cho xem năm khẩu súng (loại súng ám sát) với giá 19 triệu đồng.

Có được hàng, Chí mang giao ngay cho Dũng tình. Dũng tình lấy một khẩu ra nạp đạn bắn thử một phát vào cánh cửa, khẩu súng chỉ phát ra tiếng nổ nhỏ, 20 viên chì nhỏ găm vào khối gỗ lim. Dũng tình chỉ đồng ý mua bốn khẩu.

Ít ngày sau, Dũng tình lại nhờ Chí mua tiếp năm khẩu súng. Chí lại được Sơn súng giao cho năm khẩu mang đến nhà riêng của Dũng tình tại 329 Ngô Gia Tự (quận Hải An, HP).

Tuy nhiên, vụ mua bán súng này bất thành do ông trùm ma tuý đất Cảng không có tiền thanh toán ngay nên Chí mang súng về trả lại cho Sơn.

Sáng 29-3-2008, CA bắt gọn Chí tại một quán cà phê trên đường Lạch Tray, thu một khẩu súng ám sát và 12 viên đạn. Tiếp đó, trùm lái súng Phạm Cao Sơn bị bắt gọn khi đang ngồi với bạn gái tại một quán cà phê trên đường Hồ Sen, quận Lê Chân. Khám người Sơn, CA thu ba khẩu súng.

Có nhiều loại súng mà khi phá án thu được, lực lượng CATP Hải Phòng phải trưng cầu giám định của Viện Khoa học Kỹ thuật Hình sự, Bộ CA, vì những loại súng này rất hiếm gặp, kiểu dáng như chiếc bút bi, thậm chí không nằm trong danh sách các loại súng quân dụng thông thường.

Kết quả giám định cho biết đây là loại súng chuyên dụng chỉ dùng ám sát nên sản xuất, bán khá bí mật, không công bố công khai như loại súng quân dụng thông thường.

Khám xét khẩn cấp nơi ở của Sơn và Chí, công an thu giữ tổng cộng 37 khẩu súng, trong đó có bảy khẩu súng ám sát loại bắn đạn thể thao quốc phòng, 14 khẩu súng bắn đạn ghém, năm khẩu súng thể thao quốc phòng, chín khẩu súng hơi bắn đạn chì, sáu cung tên gắn ống ngắm quang học, 15 đao kiếm cùng hàng chục hộp đạn 6 ly, 20 nòng súng, 17 báng súng...

Số súng đạn này, Sơn súng khai mua của một đối tượng tên Nam (trú tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). Lần đầu Nam mang đến tận nhà Sơn để chào hàng. Sau đó, Nam chủ động liên hệ và đến tận nhà Sơn để giao hàng theo yêu cầu.

Sơn còn không nhớ nổi đã mua của Nam bao nhiêu súng đạn. Sơn lần mò lên chợ trời Trần Cao Vân (Hà Nội) để mua bán, trao đổi các loại súng đạn...

Siết cò súng chỉ vì nom ngứa mắt

Đất Cảng, kinh hoàng 'hàng nóng': Chân dung lái súng ảnh 3
Súng đạn ghém

Bị bắt gọn cùng đám đàn em sau khi đã dùng súng bắn đạn hoa cải bắn chết anh Trần Thanh Long trên đường Lê Lợi (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) tối 7-1-2009, Trần Thị Phú Xuân (tức Xuân đàn ông, 36 tuổi, trú tại 21/186 Hai Bà Trưng, quận Lê Chân, HP) khai nhận là chỉ vì trông anh Long ngứa mắt...

Giữa tháng 12-2008, Xuân đàn ông bỏ tiền mua ngay 2 khẩu súng loại súng bắn đạn hoa cải để phòng thân. Hỏi mua súng ở đâu. Xuân đàn ông bảo thiếu gì, ở các chợ biên giới sát Trung Quốc, mua bao nhiêu cũng được, cứ ghé tai hỏi nhỏ mấy bà bán sạp vải cũng có, v.v.

Giới giang hồ đất Cảng thường rỉ tai nhau về các nguồn hàng nóng sẵn có như: lên chỗ nọ tha hồ chọn súng bắn đạn ghém, còn K54, K59 thì phải cất công lên biên giới phía kia để có thể mua với giá hợp lý và tha hồ chọn.  

Súng bắn đạn ghém - tội phạm mới đặc biệt nguy hiểm

Đất Cảng, kinh hoàng 'hàng nóng': Chân dung lái súng ảnh 4
Đại tá Đỗ Hữu Ca, PGĐ, Thủ trưởng cơ quan CSĐT CATP Hải Phòng
Đại tá Đỗ Hữu Ca, PGĐ, Thủ trưởng cơ quan CSĐT CATP Hải Phòng trao đổi với PV Tiền Phong xung quanh việc tội phạm sử dụng vũ khí nóng.

PV: Thưa ông, thời gian gần đây số vụ trọng án sử dụng vũ khí nóng, nhất là loại súng bắn đạn ghém (đạn hoa cải) tăng vọt?

Đại tá Đỗ Hữu Ca: Không phải thời gian gần đây, ở Hải Phòng tình trạng tội phạm sử dụng súng thể thao, súng săn bắn đạn hoa cải cao điểm nhất là vào năm 2007 (18 vụ sử dụng súng thể thao, súng săn bắn đạn hoa cải, một vụ sử dụng súng quân dụng - PV).

Có thể nói loại tội phạm mới sử dụng súng thể thao bắt đầu từ Hải Phòng từ giữa năm 2006 đến hết năm 2007. Chúng tôi trấn áp mạnh loại tội phạm này nên càng ngày càng giảm. Năm 2008 chỉ còn vài vụ án có sử dụng vũ khí nóng.

Ngay thời điểm đó, tại các hội nghị, tôi đã có ý kiến cảnh báo về loại tội phạm mới này và đề nghị nên quản lý chặt chẽ súng thể thao, súng săn vào danh mục vũ khí quân dụng nhưng chưa được quan tâm đúng mức.

Đến thời gian gần đây, tội phạm sử dụng súng thể thao đã lan sang các tỉnh, thành phố khác, nhất là Quảng Ninh.

Từ đầu năm 2006 đến nay, Công an Hải Phòng phá hơn 40 vụ án có sử dụng vũ khí nóng, bắt hơn trăm đối tượng, thu hơn 40 khẩu súng.

PV: Dường như tội phạm sử dụng vũ khí nóng đang lách luật?

Đại tá Đỗ Hữu Ca: Đúng thế, sơ hở lớn nhất là trong luật hiện hành, súng thể thao, súng săn không nằm trong danh mục vũ khí quân dụng nhưng việc tội phạm sử dụng loại súng này rất nguy hiểm, khả năng gây trọng án giết người rất cao mà thực tế đã xảy ra nhiều trọng án khi tội phạm mang theo súng thể thao, súng săn.

Tuy nhiên, khi công an có bắt giữ được đối tượng mang theo khẩu súng loại này cũng chỉ xử lý hành chính như việc tàng trữ vũ khí thô sơ khác.

PV: Xử lý ra sao đối với tội phạm loại này, thưa ông?

Đại tá Đỗ Hữu Ca: Pháp luật của mình quy định như vậy nên công tác đấu tranh, xử lý loại tội phạm này gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc.

Chẳng hạn, vụ Công an Hải Phòng triệt phá ổ nhóm buôn bán vũ khí do Sơn súng cầm đầu, chúng tôi thu được 35 khẩu súng thể thao, bốn súng ám sát. Nhưng khi xử lý có trưng cầu giám định kĩ thuật hình sự đến hai lần vẫn nhận văn bản kết quả trả lời là đều không nằm trong danh mục vũ khí quân dụng.

Điều đó khiến công tác xử lý tội phạm rất khó khăn. Phải đến lần thứ ba, một cơ quan của Bộ Quốc phòng giám định mới kết luận bốn khẩu súng ám sát là vũ khí quân dụng, loại súng sản xuất đặc biệt không theo catalogue, chuyên dùng trong việc ám sát, công tác đặc biệt như điệp viên...

Từ kết luận này, chúng tôi mới có cơ sở để xử lý tội phạm. Tuy nhiên, khi đưa ra xét xử Sơn súng cũng chỉ bị án 24 tháng tù giam.

Các đối tượng khi bị bắt đã gây án bằng súng thể thao, súng săn khai nhận là mua loại súng này khá dễ dàng ở Móng Cái, Lạng Sơn với giá chỉ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng một khẩu.

Súng bắn đạn ghém cưa nòng, báng rất nhỏ gọn, rất dễ giấu trong người, khó phát hiện, tính sát thương cao. Nếu bị công an phát hiện thì cũng chỉ bị xử lý hành chính nên tội phạm rất ưa sử dụng loại súng này.

PV: Công tác phòng chống tội phạm sử dụng vũ khí nóng thời gian tới như thế nào?

Đại tá Đỗ Hữu Ca: Chúng tôi tập trung rà soát các ổ nhóm, đối tượng cầm đầu có thể sử dụng loại vũ khí nóng để xử lý bằng các biện pháp nghiệp vụ. Tất cả các vụ án có sử dụng vũ khí nóng đều tập trung lực lượng đấu tranh, triệt phá đến cùng, thu giữ vũ khí.

Bên cạnh đó, công tác phát động phong trào quần chúng tố giác tội phạm tàng trữ súng các loại, tập trung lực lượng công an mật phục, tuần tra vũ trang kiểm tra xử lý các đối tượng mang theo súng...

PV: Vậy ông có kiến nghị gì nhằm đấu tranh, phòng ngừa loại tội phạm sử dụng vũ khí nóng?

Đại tá Đỗ Hữu Ca: Cần sửa đổi Nghị định 47/CP về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, bổ sung loại vũ khí như súng thể thao, súng săn bắn đạn ghém gây sát thương lớn, giết người phải được xử lý như là vũ khí quân dụng thì mới ngăn chặn được việc tàng trữ, buôn bán, sử dụng loại súng này.

Đối tượng sử dụng súng thể thao, súng săn là loại tội phạm mới đặc biệt nguy hiểm nên công tác xét xử phải rất nghiêm minh mới đủ sức răn đe.

Bên cạnh đó, công an các tỉnh, thành phố phải có sự liên kết chặt chẽ thì mới đủ sức đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm sử dụng vũ khí nóng này.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.