Đất công như không có chủ

Đất công như không có chủ
Ở TP Cần Thơ, rất nhiều trường hợp, đất đã giao cho hộ dân sử dụng khi xảy ra tranh chấp thay vì chuyển đến tòa án giải quyết thì chính quyền địa phương lại hăng hái can thiệp.

Trong lúc đất công thuộc trách nhiệm quản lý thì chính quyền địa phương lại thiếu quan tâm để thất thoát lớn.

Đất nội thị, thôn quê đều bị lấn chiếm

Cặp đường Phạm Ngũ Lão (quận Ninh Kiều) có một cái mương, sau khi mở rộng đường thì mương được san lấp thành dải đất rộng hơn 7,8 m, dài 667m, diện tích 5.206 m2. Quy định của UBND TP Cần Thơ giá đất ở đây là 7,5 triệu đồng/m2, tính ra dải đất có giá khoảng 39 tỷ đồng, dĩ nhiên giá thị trường còn cao hơn. Dải đất đẹp ấy đã bị các hộ dân ở bên trong lấn ra chiếm toàn bộ.

Ở quận Bình Thủy. Tại phường Trà Nóc có gần 20.000m2 đất bị lấn chiếm, phường Thới An Đông có 4.558m2 đất bị lấn chiếm, phường An Thới có 10.000 m2 đất nguyên là khu tập thể một DNNN, một thời cũng đã bị cá nhân chiếm trọn.

Ở quận Ô Môn. Tại phường Thới Long bên Quốc lộ 91 có 4.859 m2 đất bị lấn chiếm, phường Thới An cạnh sông Hậu có 262.657 m2 đất bị lấn chiếm.

Huyện Cờ Đỏ có 121.704m2 đất bị lấn chiếm, trong đó chủ yếu xảy ra ở thị trấn Cờ Đỏ.

Đất công bị lấn chiếm ở quận Cái Răng là 49.216 m2, huyện Phong Điền 40.163 m2, huyện Thốt Nốt 107.825 m2 và huyện Vĩnh Thạnh vô địch với 1.124.215 m2.

Cả 4 quận, 4 huyện của TP Cần Thơ, đâu đâu cũng có đất công bị lấn chiếm. Người lấn chiếm là dân, cán bộ, các doanh nghiệp... tóm lại, mọi đối tượng, thành phần có khả năng và điều kiện. Tổng diện tích đất bị lấn chiếm theo thống kê này là 1.750.404 m2, đương nhiên rất chưa đầy đủ.

Các cấp đều cho mượn, cho thuê

UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) cho Cty TNHH Hiệp Thành và DNTN Bia nước giải khát Phong Dinh thuê đất bãi bồi giáp sông Hậu thuộc xã Thới Thuận (Thốt Nốt) diện tích 24.938 m2, thực tế 2 doanh nghiệp này sử dụng đến 40.336m2, gấp 1,6 lần diện tích được thuê.

Đây là một ví dụ trong quản lý đất công cho thuê rất lỏng lẻo ở các địa phương hiện nay. Cấp tỉnh làm hợp đồng cho thuê còn khá chặt chẽ, khi quận, huyện và xã, phường, thị trấn cũng “nơi nơi cho mượn, cho thuê” thì tình hình phức tạp hơn nhiều.

Đất cho mượn, cho thuê ở quận Cái Răng là 65.251 m2, huyện Phong Điền 2.832 m2, huyện Cờ Đỏ 8.639 m2, huyện Thốt Nốt 891.740 m2.

ở quận Ninh Kiều. Phường Cái Khế cho mượn 8.552 m2, phường Hưng Lợi  cho mượn, cho thuê 4.055 m2 đất.

Ở quận Ô Môn. Phường Thới Long cho thuê 25.881m2, phường Phước Thới  cho mượn 24.157 m2 đất.

Đối tượng mượn, thuê là cá nhân hoặc tập thể (doanh nghiệp), dùng đất để sản xuất, ở hoặc mở cơ sở kinh doanh. Nhiều người “mượn” nên không phải đóng tiền sử dụng hàng năm cho Nhà nước. Việc đem đất công cho mượn, cho thuê do quận, huyện hoặc xã, phường, thị trấn quyết định hầu hết bằng những hợp đồng sơ sài, nhiều trường hợp hiện nay rất khó thu hồi, nếu không nói là không thể thu hồi.

Chỉ thiệt công quỹ

Từ đường Cách mạng Tháng 8 ở nội ô TP Cần Thơ đi 300 mét ra sông Hậu thấy giữa sông có cồn Khương xanh mướt. Dải đất sát mép nước bao quanh cồn gọi là đất bãi bồi ven sông, theo quy định do nhà nước quản lý, tổng diện tích 790.211 m2.

Cồn Khương được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái gồm nhà vườn, biệt thự, cơ sở vui chơi giải trí. Có 8 doanh nghiệp được TP Cần Thơ giao đất để thực hiện các dự án. Đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện, mới có Cty TNHH Linh Thành hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật, 7 doanh nghiệp còn lại chưa triển khai vì  vướng bồi hoàn giải tỏa.

Diện tích dự án của Linh Thành 87.000 m2, nằm gọn trong vùng đất bãi bồi ven sông, do Nhà nước quản lý, thế nhưng khi triển khai đã phải mua lại của dân với giá bình quân hơn 100.000 đồng/m2 (năm 2002). Bởi hầu hết diện tích 790.000 m2 đất bãi bồi ven sông đã được địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho cá nhân.

Quản lý lỏng lẻo, vô nguyên tắc nên đất của Nhà nước mà khi Nhà nước thực hiện quy hoạch cũng khó triển khai. Mỗi mét vuông đất ở đây bây giờ phải tính tiền triệu. Dễ hình dung thiệt hại công quỹ rất lớn.

Giữa sông Hậu không chỉ có cồn Khương và xứ sở sông nước chằng chịt sông rạch, ao hồ, lung bàu. Theo quy định thì đó đều là đất công do Nhà nước quản lý. Song hiện nay không địa phương nào nắm được chính xác diện tích này trên địa bàn của mình. Vậy làm sao giữ cho không bị mất mát? Nên sông rạch, bãi bồi, lung bàu cứ “bỗng nhiên” biến mất để thành đất cá nhân như là... không có chủ.

MỚI - NÓNG