Đất của dân và quan Tòa, hai cách đối xử

Hai con đường với khu đất còn lại của ông Chính
Hai con đường với khu đất còn lại của ông Chính
TP - Ngày 16/7, ở tỉnh Hậu Giang, tòa xử vụ án hành chính công dân kiện chính quyền; còn ở tỉnh Bạc Liêu, chính quyền đang giải quyết tranh chấp của một vị quan tòa; đều liên quan đất đai.

Lấy đất “nhiều không”

TAND huyện Long Mỹ (Hậu Giang) xử sơ thẩm vụ án hành chính, ông Trần Doãn Chính ở thị trấn Long Mỹ kiện Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ. Nội dung kiện, yêu cầu Chủ tịch huyện lấy đất của ông làm đường phải theo quy định của pháp luật: Ra quyết định, bồi thường và với diện tích đất còn lại, cấp sổ đỏ cho ông.

Thẩm vấn tại tòa cho biết, năm 1984, ông Chính mua đám đất ở thị trấn Long Mỹ bằng giấy tay với một người dân. Năm sau, ông làm nhà ở, hằng năm nộp thuế đầy đủ và đã kê khai để làm sổ đỏ. Chưa có sổ đỏ thì năm 1998 và 2001, huyện mở hai con đường vuông góc qua đất của ông, lấy hơn 1.100 m2.

Chủ tịch UBND huyện lúc đó viết thư tay đề nghị ông ủng hộ việc làm đường, sẽ tính toán bồi thường sau. Ông Chính nghe theo nhưng khi đường làm xong, đất mất cho một con đường huyện không bồi thường, còn con đường kia chỉ hỗ trợ 30%. Với diện tích đất còn lại hơn 1.000 m2, huyện chỉ cấp sổ đỏ cho ông 300 m2. Ông Chính khiếu nại nhiều năm không được nên kiện ra tòa. 

Đại diện Chủ tịch UBND huyện cho rằng, đất của ông Chính, trước năm 1975 là “đồn bót địch”, sau chiến tranh “huyện quản lý không chặt” nên người dân lấn chiếm, bán cho ông Chính. Do “đất công”, huyện lấy làm đường không cần ra quyết định, bồi thường.

Luật sư của ông Chính tranh luận, căn cứ luật pháp hiện hành, đất của ông Chính đã sử dụng nhiều năm (cho đến nay), không ai tranh chấp, thì ông được sử dụng ổn định lâu dài, có đầy đủ các quyền theo luật định.

Tòa chấp nhận quan điểm của đại diện Chủ tịch UBND huyện, còn căn cứ một văn bản của địa phương năm 2003 (sau khi đã lấy đất làm đường nhiều năm) về việc tạm hoãn ra quyết định thu hồi đất cho các dự án, để bác đơn kiện của ông Chính. Ông Chính cho biết, sẽ kháng án lên phúc thẩm.

Bồi hoàn đất đã hiến

Còn ở tỉnh Bạc Liêu có mảnh đất của Chánh tòa dân sự TAND tỉnh Nguyễn Văn Hoàng, lại được các cấp chính quyền ưu ái. Năm 1993, lúc ông Hoàng còn làm cán bộ xã Vĩnh Mỹ B (Hòa Bình), có đơn xin và được lãnh đạo xã cắt đất công cho một mảnh. Xã không có quyền cắt đất công cho cá nhân, nhưng UBND huyện vẫn căn cứ vào đó, năm 1997, cấp sổ đỏ cho ông Hoàng 425 m2.

Năm 2001, xã Vĩnh Mỹ B mở mang chợ cầu số 2. Ngày 21/9/2001, ông Hoàng và UBND xã làm biên bản cam kết: “Ông Hoàng thống nhất giao lại một phần diện tích là 160 m2 cho xã xây chợ, không đòi hỏi bồi hoàn”, còn “UBND xã thống nhất cấp cho hộ (ông Hoàng-PV) một quầy hàng diện tích là 12 m2”. 

Mười năm sau, cần nâng cấp chợ, UBND tỉnh Bạc Liêu giao khu đất chợ cho một doanh nghiệp thực hiện. Việc nâng cấp gần xong thì ông Hoàng ra ngăn cản, đòi bồi hoàn 160 m2 đất đã giao cho xã làm chợ từ năm 2001. Tranh chấp xảy ra.

Nhiều cấp, nhiều ngành vào cuộc. Ngày 23/8/2013, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Lê Thanh Dũng, ký văn bản chỉ đạo: chấp thuận ông Hoàng hiến 60 m2 đất, còn 100 m2 phải bồi thường cho ông Hoàng 500 triệu đồng.

Vụ việc gây tranh cãi đến nay, vì bồi hoàn như thế thiếu căn cứ pháp lý, công trình nâng cấp chợ cũng đình đốn từ đó. Nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Mỹ B, ông Huỳnh Văn Tào, bức xúc: ưu ái với một vị quan tòa để chợ dang dở kéo dài, người buôn bán khổ sở.

“Khó cho chúng tôi dữ lắm”

Trước khi khai mạc, nhóm phóng viên trình thẻ nhà báo với thư ký phiên toà, liền được mời lên lầu gặp Chánh án TAND huyện Long Mỹ (Hậu Giang) Bùi Văn Phong.

Chánh án Phong đề nghị các phóng viên không tham dự phiên tòa vì Chủ toạ phiên tòa Lê Bình Dân “mới được bổ nhiệm thẩm phán, chưa vững vàng”. 

Nhóm phóng viên đề nghị, nếu vậy chỉ ngồi nghe. Chánh án Phong nói “vậy cũng khó cho chúng tôi dữ lắm”, rồi đề nghị nhóm phóng viên gặp Chủ tọa Lê Bình Dân. Cuối cùng, các phóng viên cũng được dự.

MỚI - NÓNG