Xét xử vụ vi phạm đất đai Đồng Tâm:

Đất nhà tăng gấp 4, cựu Bí thư xã khai không biết

Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.
TP - Các cán bộ chủ chốt xã Đồng Tâm lập khống biên bản mua đất giãn dân dù không thuộc đối tượng, đất nhà cựu Bí thư xã tăng gấp 4 lần diện tích..., nhưng các cựu cán bộ này đều khai không biết. Đại diện huyện Mỹ Đức ( Hà Nội) thì cho rằng việc bán đất sai quy định không phá vỡ quy hoạch.

Người dân bức xúc

Ngày 8/8, TAND huyện Mỹ Đức  mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ sai phạm đất đai xảy ra tại xã Đồng Tâm. Ngoài ra, có 6 luật sư, 2 đại diện VKS tham gia tố tụng, chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Bùi Đức Hiệp. Có 10 bị cáo nguyên là cán bộ xã Đồng Tâm bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; 4 cán bộ Phòng TN&MT, Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức hầu tòa về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong số này, có 2 người bị tạm giam là Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Xuân Trường.

Ngay từ sáng sớm, hàng chục người dân địa phương đã có mặt tại khu vực cổng trụ sở tòa án nhưng không được vào, chỉ ở ngoài nghe ngóng. Ông Trần Văn Việt (ở Mỹ Đức) cho biết đã bỏ công việc để đến tham dự phiên tòa bởi theo ông, việc làm của 14 bị cáo gây bức xúc nghiêm trọng cho người dân. “Tôi đến xem giải quyết như nào, hi vọng làm sao xử đúng pháp luật, sai đến đâu xử lý đến đó. Làm sao để làm trong sạch cán bộ để người dân càng ngày càng tin tưởng”. Tương tự, một cụ ông khác nói: “Tôi bỏ việc nhà ra đây nghe nhưng đáng tiếc họ không cho người dân vào… Hành vi của họ khiến người dân ở đây rất tức giận, đất đai là tài sản công ai cũng nhìn, cũng thấy mà họ chia nhau”.

Chia nhau đất là sáng kiến tốt?

Sau khi công bố cáo trạng, HĐXX xét hỏi với các bị cáo trong vụ sai phạm đất đai xảy ra tại xã Đồng Tâm. Các bị cáo đều thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố nhưng không đồng ý một số tình tiết. Ngoài các sai phạm về cấp, giao rồi hợp thức trái thẩm quyền cho các hộ dân, các cán bộ xã Đồng Tâm được xác định đã chia nhau 10 suất đất vốn là đất giãn dân.

Cụ thể, năm 1996, tỉnh Hà Tây ký Quyết định số 868, đưa gần 5.500m2 đất cho xã Đồng Tâm để giao cho 49 hộ dân. Tới 2002, xã giao cho 39 hộ và còn lại gần 1.300m2. Thấy vậy, Nguyễn Văn Sơn – nguyên Chủ tịch UBND xã, Nguyễn Tiến Triển – nguyên Bí thư xã, Nguyễn Xuân Trường – nguyên cán bộ địa chính đã thống nhất chia số đất còn lại cho 10 cán bộ công tác lâu năm tại xã dưới hình thức bán, giá 100.000 đồng/m2. Các suất đất này được đứng tên vợ con, người nhà của các cán bộ. Năm 2008, họ dựng lên biên bản họp UBND, HĐND, Đảng ủy xã để hợp thức hóa việc giao đất nhưng ngày giờ biên bản ghi 10/12/2002. Tiếp đến, số đất này được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2013, khi công an điều tra vụ việc, một số cán bộ đã viết đơn xin tự nguyện giao nộp đất và giấy chứng nhận.

Lý giải việc này, các bị cáo đều khai nhận đây là đất “ế”, không ai mua vì nằm tại khu vực nghĩa trang. Từ năm 1996 tới 2002, các hộ dân có trong danh sách mua đất của tỉnh Hà Tây vẫn không mua, nhận đất nên họ… mua thay. Bị cáo Nguyễn Tiến Triển khai trước tòa: “Tỉnh đã giao xã làm mà người dân không nhận, anh em nảy ra ý định để các cán bộ mua. Tôi đồng ý và cho đây là sáng kiến tốt… Bán cho anh em chỗ đất thừa rồi thu tiền, không phải cho không. Như vậy đạt chỉ tiêu, hoàn thành nhiệm vụ tỉnh giao cho”.

Các bị cáo khai thêm, năm 2008, họ được Nguyễn Xuân Trường đưa cho biên bản thống nhất bán đất, nói muốn mua đất thì ký vào, thực tế không hề có cuộc họp nào đồng ý cho các cán bộ mua đất giãn dân. Tại tòa, những cán bộ này khẳng định dù có giấy chứng nhận hay không thì họ vẫn chưa biết đất mình đã mua ở chính xác mảnh nào và cũng chưa hề sử dụng.

Không phá vỡ quy hoạch?

Đó là khẳng định của đại diện UBND huyện Mỹ Đức trước HĐXX. Vị này cho rằng, các khu đất được giao trái thẩm quyền nhưng không vi phạm quy hoạch chung của địa phương, phù hợp quy hoạch đất ở và hiện tại người dân vẫn đang sử dụng ổn định. Vì vậy, huyện Mỹ Đức đề nghị có phương án tối ưu để người dân tiếp tục sinh sống, những trường hợp khác xử lý theo quy định của pháp luật. Cũng tại tòa, đại diện UBND xã Đồng Tâm cho biết việc cán bộ xã giao, bán đất trái thẩm quyền trước kia là do tình hình địa phương. “Các cán bộ bán đất để xây dựng công trình cho xã, mong HĐXX xem xét việc làm của họ qua các thời kỳ lãnh đạo” – đại diện xã Đồng Tâm nói.

Ngoài ra, tòa án xác định các bị cáo Triển, Sơn và Trường còn chia nhau 3 suất đất với diện tích hơn 500m2 mà không nộp tiền sử dụng đất. Ông Triển khai, số đất này có nguồn gốc từ vợ mình, rộng 60m2 nhưng sau quy hoạch thì tăng lên 240m2. Chủ tọa phiên tòa hỏi tại sao diện tích tăng lên, tăng lên khi nào thì ông Triển trả lời: “Đó là đất hoang, xã quy hoạch nên đất của vợ tôi mở rộng ra”. Tuy nhiên, ông Triển nói không biết diện tích đất tăng lên khi nào bởi không để ý và cũng không có nhu cầu về đất.

Sáng nay (9/8), tòa tiếp tục làm việc.  

Bị cáo Nguyễn Tiến Triển, nguyên Bí thư  xã Đồng Tâm: “Tỉnh đã giao xã làm mà người dân không nhận, anh em nảy ra ý định để các cán bộ mua. Tôi đồng ý và cho đây là sáng kiến tốt… Bán cho anh em chỗ đất thừa rồi thu tiền, không phải cho không. Như vậy đạt chỉ tiêu, hoàn thành nhiệm vụ tỉnh giao cho”. 

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.