'Đầu độc' sông Thị Tính: Tái phạm do xử lý nương nhẹ?

'Đầu độc' sông Thị Tính: Tái phạm do xử lý nương nhẹ?
TP - Hai doanh nghiệp ở huyện Bến Cát, Bình Dương xả nước thải đầu độc sông Thị Tính, đe dọa nước sông Sài Gòn đều đã nhiều lần sai phạm, song dường như việc xử lý của cơ quan chức năng chưa đủ sức răn đe.

>> Đầu độc sông Thị Tính, tạm đình chỉ sản xuất "hung thủ" thứ hai
>> Vụ 'đầu độc' sông Thị Tính: 20 ha cao su có nguy cơ mất trắng

'Đầu độc' sông Thị Tính: Tái phạm do xử lý nương nhẹ? ảnh 1

Sự cố tràn nước thải của hai doanh nghiệp chỉ gây hậu quả nhỏ? - Ảnh: Hữu Vinh

Trao đổi với Tiền Phong qua điện thoại, thượng tá Lê Minh Châu - Trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường (PC36) - Công an tỉnh Bình Dương, cho biết, không chỉ Cty TNHH San Miguel Pure Foods VN có hệ thống xử lý nước thải hỏng cách đây hai năm mà cả Cty MDF VN cũng chẳng có hệ thống xử lý nước thải.

Chính quyền cũng như các cơ quan quản lý về môi trường của huyện Bến Cát và tỉnh Bình Dương đều biết từ hai năm trước và đã xử lý.

Tháng 12/2008, UBND huyện Bến Cát phạt Cty MDF VN 30,8 triệu đồng, kèm theo bắt buộc doanh nghiệp khắc phục hậu quả gây ô nhiễm môi trường.

Đến tháng 5/2009, Huyện lại ra quyết định xử phạt lần hai doanh nghiệp này hơn 30 triệu đồng.  Song, có một điều lạ là, sai phạm tiếp diễn như cũ nhưng Cty này lại bị  phạt thấp hơn lần thứ nhất.

Ở Cty San Miguel Pure Foods VN, theo phản ánh của nhân dân, từ tháng 8/2008, cơ quan quản lý môi trường cũng xác định doanh nghiệp có sai phạm trong quản lý môi trường và làm tờ trình gửi UBND tỉnh Bình Dương.

Tuy nhiên, phải chờ đến tháng 5/2009, UBND tỉnh Bình Dương mới có quyết định đưa doanh nghiệp nào vào danh sách đen các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường và được ưu ái cho thời gian khắc phục hệ thống xử lý nước thải đến ngày 19/8.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, doanh nghiệp chẳng làm gì. Thượng tá Châu cho biết, doanh nghiệp này không có hệ thống xử lý nước thải. Cả nguồn nước mưa và nước sinh hoạt chung của doanh nghiệp phục vụ cho hoạt động chăn nuôi, sản xuất đều chứa chung bể.

Với mật độ mỗi ngày thải ra 3.000 m3 nước thải, tất cả đều được tống vào một bể chứa 233.000m3 thì vỡ bờ bao là điều tất nhiên. Ông Châu cho rằng, biện pháp chế tài của cơ quan quản  lý vẫn chưa đủ mạnh để doanh nghiệp sợ.

Hậu quả nhỏ?

PC36 sẽ kiến nghị UBND tỉnh siết chặt việc xử lý, nếu hậu quả xảy ra tương tự sẽ đình chỉ sản xuất không thời hạn, hoặc cao hơn nữa là rút giấy phép doanh nghiệp.

Có mặt trong buổi giám sát việc khắc phục sự cố vỡ bờ bao của Cty San Miguel Pure Foods VN sáng qua (3/8), thượng tá Lê Minh Châu xác nhận bờ bao bị vỡ có chiều dài 20 – 25 m đã được đắp hoàn tất, ngăn dòng nước thải chảy ra ngoài.

Theo đó, 20 ha diện tích cây cao su không còn ngập úng, mặt nước sông Sài Gòn đã bình thường trở lại do lượng nước xả mạnh của hồ Dầu Tiếng, đẩy nước thải về hạ lưu. Phía doanh nghiệp này đồng ý bồi thường các thiệt hại gây ra cho các hộ dân trong khu vực do sự cố gây ra.

Tuy nhiên, ông Châu lại cho rằng, mức thiệt hại không lớn do chủ yếu ảnh hưởng đến hoạt động nuôi cá có giá trị trung bình (cá rô phi và cá tra)!? Trong tương lai, Cty San Miguel Pure Foods VN buộc phải xây dựng mới hệ thống xử lý nước thải.

Còn vụ Cty MDF VN, do mẫu nước thải đang được xét nghiệm nên chưa xác định được mức độ độc hại.

MỚI - NÓNG