Đề nghị khởi tố 2 nhân viên Hải quan TPHCM

Đề nghị khởi tố 2 nhân viên Hải quan TPHCM
Sau một tháng điều tra về vụ buôn lậu hàng điện tử xảy ra tại sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM ngày 10/1, CQĐT đã làm rõ hành vi buôn lậu của Nguyễn Thanh Vũ và sự tiếp tay của một số nhân viên Hải quan.
Đề nghị khởi tố 2 nhân viên Hải quan TPHCM ảnh 1
Nguyễn Thanh Vũ (phải) chứng kiến việc kê biên hàng lậu và máy ảnh KTS của Vũ bị CQĐT thu giữ

Ngày 10/2, Phòng 7, Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV - Bộ Công an đã có văn bản đề nghị ra quyết định khởi tố bị can đối với 2 nhân viên Hải quan thuộc Cục Hải quan TPHCM là Nguyễn Đăng Cẩn và Nguyễn Thị Hồng Thu về hành vi Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo tài liệu của CQĐT thì 16h ngày 10/1, Phòng 7 đã bắt quả tang Nguyễn Thanh Vũ (35 tuổi), thường trú tại số 7, khu Phi Long, phường 4, quận Tân Bình đang vận chuyển 7 kiện hành lý, trong có chứa 158 máy ảnh kỹ thuật số và 17 camera, 5 điện thoại di động, 1.600 USD và nhiều linh kiện máy ảnh kỹ thuật số từ Hồng Kông nhập lậu qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất về tiêu thụ.

Tiến hành khám xét khẩn cấp nhà Vũ và 5 cửa hàng tiêu thụ hàng lậu của Vũ, CQĐT tiếp tục thu giữ 196 máy ảnh, 42 máy quay phim kỹ thuật số và nhiều linh kiện, phụ kiện kèm theo. Trị giá hàng hóa thu giữ khoảng1 tỷ đồng.

Qua đấu tranh khai thác, Nguyễn Thanh Vũ và vợ là Tiêu Thị Bạch Lê cùng Trương Văn Lộc (người nhận hàng do Vũ giao) thừa nhận đã nhiều lần tổ chức mua hàng ở Hồng Kông, sau đó nhập lậu qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất và đường bưu điện về Việt Nam tiêu thụ.

Vũ đã dùng tiền hối lộ cho nhân viên Hải quan qua từng chuyến hàng để vận chuyển trót lọt số lượng hàng lậu trị giá hàng tỷ đồng.

Về việc vận chuyển hàng lậu qua đường bưu điện, Nguyễn Thanh Vũ khai nhận: Từ năm 2005, Vũ đã nhiều lần thông qua Phùng Hậu Shieng ở Hồng Kông thu gom hàng rồi gửi về Việt Nam cho người thân như Phan Thị Mỹ Dung, 12B Trần Quốc Hoàn, phường 4, Tân Bình; Đăng Viết Quốc Hiển, 40 Trần Quang Diệu, quận 3; Dương Trọng Vang, 285/13B Cách mạng Tháng 8; Nguyễn Phi Bằng; Nguyễn Thanh An, Tiêu Thị Bạch Lê…

Sau đó, hối lộ cho nhân viên Hải quan làm nhiệm vụ kiểm hóa tại bưu điện, mỗi kilôgam hàng lậu là 200.000đ để những nhân viên này cho qua.

Riêng vụ nhập trót lọt lô hàng 48 máy ảnh kỹ thuật số trị giá 140 triệu đồng ngày 24/12/2005, Tiêu Thị Bạch Lê khai nhận đã "chung" cho Đoàn Mạnh Tiến, nhân viên Hải quan bưu điện 15 triệu đồng tại số 79 Nguyễn Huệ, quận 1 sau 1 ngày nhận hàng.

Theo lời khai của Vũ, Chi cục Hải quan bưu điện đã cung cấp cho CQĐT 11 tờ khai liên quan đến việc nhận hàng phi mậu dịch của những cá nhân mà Vũ khai báo.

Tuy nhiên, khi CQĐT triệu tập 3 nhân viên Hải quan kiểm hóa tại bưu điện là  Đoàn Mạnh Tiến, Trần Kim Ngân, Phạm Thị Phương thì cả 3 nhân viên này cho rằng, họ đã thực hiện đúng quy trình kiểm hóa, còn hàng lậu lọt thế nào thì cả 3 đều không biết.

Một điều không bình thường là cho đến thời điểm này, Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chưa tìm được số tờ khai mà Nguyễn Thanh Vũ khai báo khi xuất nhập cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất theo yêu cầu của CQĐT.

Theo lời khai của 5 nhân viên Hải quan thuộc Đội Nhập hành lý - Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất thì trong thời điểm Vũ vận chuyển 7 kiện hàng lậu lọt qua “cửa đỏ” của Hải quan (máy soi chiếu) và ngay sau đó bị bắt giữ thì có 3 nhân viên Hải quan là Lê Văn Tân, Nguyễn Đăng Cẩn, Nguyễn Thị Hồng Thu đang làm nhiệm vụ.

Nhân viên Lê Văn Tân phụ trách kiểm tra giấy tờ và yêu cầu Vũ đưa hành lý lên máy soi chiếu. Nguyễn Đăng Cẩn và Nguyễn Thị Hồng Thu được phân công phụ trách máy soi chiếu đã phát hiện trong hành lý của Vũ có hàng lậu, nhưng họ đã không báo cáo với Ban chỉ huy đội.

Theo Nguyễn Thanh Vũ khai thì như mọi lần, trước khi đưa hàng lậu lọt qua cửa kiểm soát của Hải quan, Vũ đều trực tiếp thỏa thuận bồi dưỡng cho nhân viên Hải quan.

Để làm rõ hành vi buôn lậu của Nguyễn Thanh Vũ và sự tiếp tay của một số nhân viên Hải quan, CQĐT đã đề nghị khởi tố thêm 2 nhân viên Hải quan như đã nêu trên. Vụ án đang được mở rộng điều tra

Theo Thanh Hải
Công an Nhân dân

MỚI - NÓNG