Đề xuất 'án của huyện này có thể khởi kiện ở huyện khác'

ĐB Ngô Văn Minh. Ảnh: TN.
ĐB Ngô Văn Minh. Ảnh: TN.
TPO - Thảo luận về dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) ngày 23/6, ĐB Trần Văn Độ (An Giang) cho rằng, để khách quan và giảm áp lực cho thẩm phán thì cần giao thẩm quyền chéo, tức 'án của huyện này có thể khởi kiện ở huyện khác; của tỉnh này có thể khởi kiện ở tỉnh khác'.

Thảo luận về dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) ngày 23/6 vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về quy định mở rộng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện.

ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) phân tích: Luật pháp của chúng ta rất mong muốn tiến gần với luật pháp của quốc tế nhưng trên thực tế điều kiện đất nước không thể căn cứ vào luật pháp quốc tế để xây dựng luật được. Nếu như chúng ta đưa nội dung mở rộng thẩm quyền này vào thì không biết tòa án sẽ phải có bao nhiêu việc trong một năm để giải quyết thêm mà đặc biệt sẽ làm rối loạn các cơ quan chứ không phải bình thường như bây giờ.

“Tôi đề nghị không đưa quy định này vào luật. Chúng ta đưa ra quyết định này, tức là xa dân, tạo điều kiện thuận lợi cho tòa án nhưng chuyển khó khăn sang người dân”, ĐB Phạm Xuân Thường nêu lý do và không đồng tình với việc mở rộng thẩm quyền của Tòa án.

Theo ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), nếu cho rằng năng lực của các cán bộ thẩm phán cấp huyện còn hạn chế, án bị hủy cao hơn nên phải sửa là không thuyết phục. 

“Sửa luật như trên là xây dựng luật theo hướng thụt lùi, không dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Đồng thời qua khảo sát, hầu hết các thẩm phán cấp huyện đều có bản lĩnh, lập trường rõ ràng và không ngại xét xử các vụ việc án hành chính của UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp khi có vi phạm”, ông Nghĩa phân tích.

Cùng quan điểm, ĐB Trần Văn Độ (An Giang) đặt câu hỏi: Nếu quyết định giao các án thuộc thẩm quyền cấp huyện cho cấp tỉnh, vậy án thuộc cấp tỉnh giải quyết giao cho ai? Theo ĐB Độ, cần phải giao thẩm quyền chéo và người khởi kiện có quyền lựa chọn để khởi kiện và làm thế nào để phạm vi đi lại không lớn, không rộng. 

“Án của huyện này, khởi kiện của huyện này thì có thể khởi kiện ở huyện khác, của tỉnh này có thể khởi kiện ở tỉnh khác. Có như vậy thì thẩm phán mới tránh được áp lực và đảm bảo được khách quan, đảm bảo sự độc lập của mình trong phát quyết của mình”, ĐB Độ đề nghị.

Ngược lại với các quan điểm trước đó, một số ý kiến lại đồng tình với quy định mở rộng thẩm quyền như dự thảo mà không sợ dân phải đi xa, hay xa dân. 

“Tôi không dám đánh giá đội ngũ thẩm phán của cấp huyện hay cấp tỉnh yếu kém, các đồng chí đó đảm bảo đủ tất cả trình độ năng lực, kể cả bản lĩnh nữa, nhưng dù có bản lĩnh trời đi nữa mà chỉ một "a lô" tới là thôi rồi, khó lắm. Chúng ta không sợ dân phải đi xa, không sợ phải xa dân. Dù dân có đi xa hơn một tý nhưng niềm tin vào công lý tốt hơn thì dân cố gắng đi xa. Để công lý khách quan đi một tý thì cố gắng động viên dân đi xa để độ an toàn pháp lý tốt hơn”, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nêu quan điểm.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.