Đề xuất sửa Điều 7 Luật Báo chí: Ủy ban Tư pháp Quốc hội từng phản đối

Đề xuất sửa Điều 7 Luật Báo chí: Ủy ban Tư pháp Quốc hội từng phản đối
TP - Năm 2012, Thanh tra Chính phủ (cơ quan chủ trì soạn thảo Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi) đã đưa ra lấy ý kiến về quy định cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ việc xác minh hành vi tham nhũng.

> Báo chí phải khắc phục tình trạng 'thương mại hóa'
> Bổ sung quy định yêu cầu báo chí cung cấp nguồn tin

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiến hành thẩm tra dự án luật này, cho rằng quy định trên có thể mâu thuẫn với điều 7 Luật Báo chí.

Trong bản thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Tư pháp nêu rõ: “Ủy ban Tư pháp nhận thấy Luật báo chí quy định: báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của viện trưởng viện KSND hoặc chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng.

Theo quy định về đạo đức hành nghề báo chí (do Hội Nhà báo VN ban hành) và bộ quy tắc nghề nghiệp báo chí của thế giới thì bảo vệ nguồn tin là một trong những chuẩn mực đạo đức cơ bản nhất của người làm báo.

Do đó, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh tùy tiện trong việc yêu cầu báo chí, phóng viên cung cấp thông tin về tham nhũng và phòng chống tham nhũng thì cần quy định ngay trong dự án luật về cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin cũng như những loại thông tin, tài liệu mà báo chí, phóng viên có nghĩa vụ phải cung cấp khi có yêu cầu”.

Sau đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống tham nhũng được Quốc hội thông qua tháng 11/2012 đã không có nội dung trên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG