Đền bù không theo luật, Dân kiện UBND tỉnh

Đền bù không theo luật, Dân kiện UBND tỉnh
TP - Có quyết định thu hồi đất từ 10 năm trước, nay cưỡng chế di dời nhưng chưa bố trí tái định cư, đền bù không thỏa đáng… Quá bức xúc, dân gửi đơn đến toà án kiện UBND tỉnh.

Trước đây, khi chưa chia tách, tỉnh Lai Châu có phương án xây dựng trụ sở Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh tại một trong những địa điểm đẹp nhất của TP Điện Biên.

Ngày 26/5/1994, tỉnh Lai Châu có quyết định số 168 thu hồi đất đang sử dụng của các đơn vị, cá nhân thuộc khu vực các tuyến giao thông thuộc trung tâm 1.

Đầu năm 1995, tỉnh Lai Châu lại có tiếp quyết định số 26 thu hồi diện tích đất thuộc vỉa hè hành lang giao thông đường 7-5 và đường Bế Văn Đàn (đường ra cầu Mường Thanh cũ), thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức.

Đến năm 2005, tỉnh Điện Biên (tách ra từ tỉnh Lai Châu) lập phương án giải phóng mặt bằng (GPMB) và áp giá đền bù cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, tỉnh lại áp giá đền bù theo Luật Đất đai cũ.

Bên cạnh đó, tỉnh áp dụng hạn mức đất khi đền bù theo phương thức: Đất của dân bị thu hồi 500 m2 nhưng tỉnh chỉ đền bù 100 m2 theo giá đất thổ cư, 400 m2 còn lại tính theo giá đất liền kề với giá ít hơn rất nhiều.

Ông Nguyễn Xuân Quang, một trong những người bị thu hồi đất, bức xúc: “Nghị định 181, 187 hướng dẫn Luật Đất đai năm 2003, không thấy dòng nào đề cập đến cái gọi là đất liền kề mà chỉ nói đến đất ở và đất không phải là đất ở. Việc tỉnh Lai Châu áp dụng theo luật cũ để đền bù cho dân là sai”.

Chính vì thế, nhiều người dân bất bình và không chịu di dời nhà cửa. Người dân đề nghị, tỉnh muốn thu hồi đất thì phải áp giá đền bù theo quy định Luật Đất đai hiện hành. Trước thái độ bất hợp tác của người dân, tỉnh đã quyết định cưỡng chế gần 20 hộ gia đình.

Ông Bùi Viết Bính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành khi làm việc với PV cho rằng, việc thu hồi và cách tính giá đền bù là không trái các quy định của luật pháp hiện hành.

Về việc áp dụng hạn mức về đất ở khi tính tiền đền bù, ông Bính lý giải, hạn mức đất ở của Điện Biên cho mỗi hộ gia đình tại TP là 100 m2 nên khi đền bù, gia đình nào có hơn 100 m2 đất thì số đất còn lại được đền bù như đất liền kề. Theo một luật sư (Đoàn Luật sư Hà Nội), việc làm này của tỉnh Điện Biên là sai với quy định của các văn bản pháp luật hiện hành về đất đai.

Những hộ gia đình nằm trong dự án này đã khởi kiện ra tòa. Phó Chủ tịch Bùi Viết Bính cùng các đại diện sở, ban, ngành cho biết, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ tái định cư cho những người đã bị thu hồi đất.

Tuy nhiên, theo quan sát của PV, chỗ tái định cư hiện đang là một... cánh đồng cỏ cây hoang sơ, chưa có đường, điện, nước. Dân tái định cư hiện đang phải căng bạt giữa đồng không mông quạnh để sống tạm qua ngày.

Được biết, Toà án tỉnh Điện Biên đã chính thức thụ lý vụ kiện của các hộ dân đối với các quyết định UBND tỉnh Điện Biên liên quan sự việc này. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.