Đi chợ 'vũ trang'

Đi chợ 'vũ trang'
Vụ Đỗ Hoài Phương Minh "múa kiếm" tại sân bay Đà Nẵng vừa qua khiến nhiều người chú ý. Minh khai kiếm này mua ở Móng Cái. Ở một số cửa khẩu phía Bắc, để mua một món hung khí như đao, kiếm không khó. Người ta gọi đó là "chợ vũ trang".

Thành "mã tấu", một tay cò mua bán "đồ chơi" ở khu chợ cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) cam đoan nếu muốn mua "hàng lạnh" như đao, kiếm… anh ta có thể cung cấp ngay tại Tân Thanh, nhưng phải chịu giá cao hơn gấp rưỡi so với giá bên kia biên giới.

Còn "hàng nóng" với các loại súng điện, súng bắn đạn cao su, súng hơi ngạt phải sang tận bên kia đường biên giới. "Tốt nhất tôi sẽ dẫn anh qua chợ "vũ trang" bên kia biên giới. Hàng cỡ nào cũng có, mua sỉ hay lẻ tùy thích, bao trọn gói vận chuyển về VN" - Thành nói.

Đủ loại "đồ chơi"

"Dịch vụ đi chợ" giá 500.000 đồng, không bớt một xu. Có khi Thành đi 2-3 chuyến trong ngày. Khách VN qua có hai loại, chủ yếu là mua hàng sỉ, số lượng lớn, đặt cọc tiền trước rồi cho các "đường dây" vận chuyển hàng về Tân Thanh. Dạng đi mua lẻ vài món cũng nhiều nhưng thường thì mua tại Tân Thanh.

Chợ "vũ trang" ở xã biên giới Lũng Vài, huyện Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc lọt thỏm giữa một thung lũng, xung quanh là núi non hiểm trở nằm tách biệt hẳn với khu chợ hàng hóa bên cạnh.

Chợ họp cả ngày. Hàng được tập kết bên trong các cửa hàng, khu nhà được xây cất sơ sài. Bên ngoài các cửa hàng chỉ treo vài cây mã tấu, vài bộ đao, kiếm… làm mẫu và làm dấu hiệu cho biết là nơi có bán các loại "đồ chơi nóng - lạnh".

Mặc dù nằm giữa vùng núi non hiểm trở nhưng chợ khá nhộn nhịp. Đông nhất là khách từ VN sang. Vừa đến khu chợ, chúng tôi đã được các cửa hàng "tiếp thị” bằng các cuốn catalogue giới thiệu cả trăm loại đao, kiếm, mã tấu… theo kiểu dáng truyền thống của Trung Quốc, Nhật Bản và cả VN. 

Một ông chủ cửa hàng tên Chen, người Trung Quốc nói tiếng Việt lơ lớ, giới thiệu với khách: "Kiếm đời nhà Đường thì cong vút, kiếm đời nhà Tống có khổ hơi lớn, chém một cái đến sắt cũng phải đứt lìa. Nị mua đi, hàng xịn mà…".

Hung khí đủ giá

Đi chợ 'vũ trang' ảnh 1

Roi điện mini vừa là bình xịt hơi cay được bán với giá 150.000 đồng.
Ảnh: Vũ Bình - Tuổi Trẻ.

Một cây đao, mã tấu, dao găm giá 200.000-300.000 đồng cho đến cả triệu đồng. Thanh toán bằng đồng nhân dân tệ hay tiền VN đều được các chủ cửa hàng chấp nhận.

Phí vận chuyển về VN khoảng 10.000-20.000 đồng/mặt hàng, tùy theo loại hàng "độc" cỡ nào và có bị kiểm tra gắt gao hay không.

Nếu muốn đặt hàng theo mẫu mã trong catalogue thì khách phải ứng trước 50% giá trị món hàng. Vài ngày sau sẽ có người đưa hàng sang tận Tân Thanh cho khách.

Để chứng minh lời mình nói, ông ta cầm thanh kiếm vung lên, xả một nhát vào khúc gỗ để trên bàn. Khúc gỗ bị xẻ làm đôi. "Hàng xịn đấy. Dạo này có khá nhiều băng, nhóm ở các tỉnh phía Bắc sang đây mua cả bó đem về" - Thành nói.

Bên trong các cửa hàng, đao kiếm, mã tấu được chất thành từng đống cao trên 2m cho khách mặc sức lựa chọn. Hàng xịn để một góc riêng còn hàng "nhái" thì bọc chăn, vất ngổn ngang từng lớp, từng lớp.

Các loại hàng "nóng" và thu hút khách nhất của khu chợ vũ khí Lũng Vài là các loại súng, đặc biệt là súng bắn hơi cay, bắn điện gây ngất. Các loại hàng "nóng" ít được bày bán công khai mà thường được cất ở gian sau của các cửa hàng.

Súng điện dùng để bắn gây bất tỉnh là mặt hàng đang được lùng mua nhiều nhất. Khẩu súng có dáng như súng K54 giá 1,5 triệu đồng, bao gồm bộ sạc điện và ba viên đạn.

Sau khi sạc điện, gắn viên đạn bằng cỡ một cái hộp quẹt vào súng. Súng có thể bắn xa hơn chục mét, chỉ tách một tiếng, người bị bắn trúng sẽ bị luồng điện gây ngất ngay tức thì.

Hiểm họa khó lường

Theo lời Thành, các loại "đồ chơi" thường được vận chuyển bằng lực lượng cửu vạn qua các con đường tiểu ngạch như Hang Dơi, Thác Nước, Ma Mèo… rồi tập kết tại thị trấn Đồng Đăng, từ đó "hàng" sẽ được phân tán nhỏ và đưa về xuôi.

Có hẳn những đường dây do những "ông trùm" chuyên mua, bán, thầu vận chuyển hàng "nóng" từ bên kia biên giới về như T.M., H.Đ.N… nắm trong tay một đội quân cửu vạn hùng hậu hàng chục người qua lại thường xuyên biên giới Việt - Trung. Họ nhận đứng ra bao thầu với các chủ cửa hàng người Trung Quốc việc vận chuyển các loại vũ khí từ Lũng Vài về VN.

Ông T.M., trùm vận chuyển "hàng nóng" có hẳn một "căn cứ" đặt phía sau chợ Tân Thanh. T.M. thường công khai tuyên bố các đường dây cung cấp dao găm, mã tấu ở phía Bắc lẫn phía Nam đều lấy nguồn hàng ở Lũng Vài rồi thông qua ông ta đưa về các tỉnh. "Khỏi cần lên đây làm gì, ở tận TP.HCM vẫn có thể điện ra đặt "hàng" và sẽ có người của tôi đến giao tận nơi mới nhận tiền".

Cho dù việc qua lại biên giới cũng như kiểm tra các mặt hàng ở các cửa khẩu được thực hiện, nhưng thực tế đường dây vận chuyển "đồ chơi nóng - lạnh" diễn ra hết sức sôi động. Trên chuyến xe khách từ Tân Thanh về Hà Nội, khá nhiều hành khách trẻ tuổi hí hửng khoe nhau những cây dao găm, những cây súng điện bỏ túi… vừa mua từ chợ Lũng Vài.

Họ cho biết đều mua qua những "đại lý” vận chuyển ở Tân Thanh. Xem ra, đường đi của những loại hung khí ở phiên chợ vùng biên này về khá đơn giản và sẽ còn gây ra biết bao hiểm họa khó lường… 

Theo Vũ Bình
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.