“Đi đêm” lãi suất, bộ sậu cựu lãnh đạo Navibank hầu tòa

Huyền Như sẽ ra tòa sáng nay trong tư cách “Người làm chứng, người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan”. Ảnh: Tân Châu.
Huyền Như sẽ ra tòa sáng nay trong tư cách “Người làm chứng, người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan”. Ảnh: Tân Châu.
TP - Hôm nay (28/2), TAND TPHCM xét xử sơ thẩm vụ “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (Navibank) nay là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Dân. Cùng với Huyền Như còn có 10 cựu lãnh đạo Navibank hầu toà lần này.

Chiếm đoạt 200 tỷ đồng

Theo cáo trạng, để có tiền trả nợ do kinh doanh thua lỗ, từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, nguyên phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank Chi nhánh TPHCM) lấy danh nghĩa quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ huy động tiền. Huyền Như đã gặp gỡ, thỏa thuận với các đối tượng môi giới, đại diện các đơn vị, cá nhân rồi hứa hẹn trả tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, tiền hoa hồng, môi giới. Khi các đơn vị, các nhân gửi tiền vào tài khoản, Huyền Như đã lập các chứng từ, ký giả chữ ký chủ tài khoản, chuyển tiền đi trả nợ vay cá nhân của Huyền Như. Navibank là một trong những vụ mà Như sử dụng các mánh khóe như trên.

Tháng 11/2010, Huyền Như biết Navibank có chủ trương gửi tiền nhàn rỗi huy động được gửi các tổ chức tín dụng để lấy lãi suất cao. Huyền Như thông qua Võ Anh Tuấn (SN 1972, nguyên cán bộ VietinBank Chi nhánh TPHCM) để thỏa thuận với Navibank gửi tiền vào VietinBank với lãi suất 16,5%/năm, lãi ngoài hợp đồng từ 2,5 đến 8,5%/năm. Hám lợi, lãnh đạo Navibank đồng ý và chọn một số nhân viên các Phòng của Hội sở Navibank đứng tên gửi tiền vào  VietinBank.

Ông Lê Quang Trí (nguyên tổng giám đốc Navibank) giao Nguyễn Giang Nam (nguyên phó giám đốc Navibank) tổ chức thực hiện, sau đó ông Nam giao lại cho một số cán bộ Navibank cùng thực hiện. Từ ngày 19/11/2010 đến ngày 27/5/2011, 14 nhân viên Navibank đã đứng tên ký 47 hợp đồng tiền gửi với VietinBank Chi nhánh Nhà Bè, gửi trên 1.500 tỷ đồng. Huyền Như đã trả ngay gần 9,5 tỷ đồng tiền lãi ngoài sau khi ký hợp đồng tiền gửi.

Hồ sơ của Cơ quan điều tra cho thấy, Huyền Như đã lập giả 47 hợp đồng tiền gửi giữa VietinBank Chi nhánh Nhà Bè với 14 nhân viên Navibank bằng cách ký giả chữ ký Võ Anh Tuấn và đóng dấu giả VietinBank Chi nhánh Nhà Bè. Sau đó giao cho phía Navibank để lấy chữ ký của 14 nhân viên. Khi tiền vào tài khoản 14 nhân viên tại VietinBank Chi nhánh Nhà Bè, Huyền Như đã lập các chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản chuyển tiền ra tài khoản để sử dụng theo mục đích của Huyền Như. Đến hạn thanh toán Huyền Như chuyển trả tiền vào các tài khoản để thực hiện tất toán các hợp đồng.

Sau khi tất toán “phi vụ” hơn 1.500 tỷ đồng nêu trên, từ ngày 15/5/2011 đến ngày 27/11/2011, Navibank tiếp tục cho 13 nhân viên đứng tên với số tiền 500 tỷ đồng gửi vào VietinBank Chi nhánh Nhà Bè. Do thời điểm này Thông tư số 02/2011/TT-NHNN có hiệu lực về quy định lãi suất không quá 14% nên lãi suất ghi trên các hợp đồng là 14%/năm, số tiền chênh lệch trên 15 tỷ đồng đã được Huyền Như chuyển trả ngay sau khi các nhân viên Navibank ký hợp đồng tiền gửi với VietinBank Chi nhánh Nhà Bè. Đến tháng 7/2011, Võ Anh Tuấn lấy lý do chuyển công tác về VietinBank Chi nhánh TPHCM, cần tăng hạn mức huy động cho VietinBank Chi nhánh TPHCM nên toàn bộ số tiền gửi đã chuyển về gửi tại VietinBank Chi nhánh TPHCM.

Do Huyền Như đã rút tiền từ trước nên Huyền Như đã che giấu số tiền chiếm đoạt bằng cách dùng nguồn tiền khác chuyển trả vào tài khoản của một số nhân viên Navibank, sau khi các nhân viên chuyển tiền vào VietinBank Chi nhánh TPHCM thì Huyền Như tiếp tục lập chứng từ giả để rút ra. Đến ngày 7/9/2011, Huyền Như trả lại cho Navibank 300 tỷ đồng, số tiền 200 tỷ đồng còn lại dù chưa tới hạn tất toán nhưng đã bị Huyền Như chiếm đoạt từ khi Navibank gửi vào VietinBank Chi nhánh Nhà Bè.

Huyền Như là “Nhân chứng” và “Người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan”

Dù Huyền Như được xác định là người lừa đảo chiếm đoạt của Navibank 200 tỷ đồng, nhưng theo Quyết định triệu tập của chủ tọa phiên toà, thẩm phán Vũ Thanh Lâm thì Huỳnh Thị Huyền Như sẽ ra tòa với tư cách “Nhân chứng” và “Người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan”.

Lý giải điều này, ông Lâm cho biết do Huyền Như đã bị kết án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” chung trong  vụ “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như, nên không thể cùng tội danh và hành vi mà xét xử Huyền Như hai lần. Cụ thể, trong “đại án” Huyền Như, tháng 1/2014, Huỳnh Thị Huyền Như bị TAND TPHCM tuyên án tù chung thân cho cả hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Đến tháng 2/2015, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM đã tuyên hủy một phần bản án nêu trên để điều tra lại nhằm làm rõ hành vi tham ô tài sản của Huyền Như trong việc chiếm đoạt 1.285 tỷ đồng của một số công ty, cá nhân và ngân hàng. Trong đó Navibank thiệt hại 200 tỷ đồng. Cơ quan điều tra tách ra thành 2 vụ, trong đó Navibank thành 1 vụ để điều tra riêng. Ngày 9/2 vừa qua, TAND TPHCM đã tuyên án sơ thẩm 1 vụ và tuyên tù chung thân Huỳnh Thị Huyền Như về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Nguyên thẩm phán TAND TPHCM- ông Nguyễn Minh Cảnh cho rằng, việc Huyền Như không phải bị cáo trong lần xử vụ Navibank này là đúng pháp luật, bởi đây cũng là một phần “đại án” Huyền Như chiếm đoạt trên 3.900 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG