Đi 'săn' gỗ sưa

Đi 'săn' gỗ sưa
TP - Ở các vùng ven Hà Nội, các tay đầu nậu đang lùng sục săn tìm những cây gỗ sưa quý hiếm này, tạo thành cơn sốt chưa từng thấy. PV Tiền phong đã theo chân các tay săn gỗ…
Đi 'săn' gỗ sưa ảnh 1
Một tay săn gỗ mừng vì mua được khúc gỗ  sưa quý

Người ta đồn thổi rằng, sở dĩ gỗ sưa đắt vì có nhiều công dụng như làm đồ giả cổ, nếu để trong nhà thì quanh năm vượng khí, làm ăn phát đạt; khi tán thành bột để ướp xác thì ngàn năm vẫn nguyên hình...

Chưa biết đúng sai thế nào nhưng cơn sốt loại gỗ này hiện là thời kỳ đỉnh điểm khi có người chào mua với giá gần 1 tỷ đồng/m3. Thế nên, khắp các làng quê Bắc Bộ, dân làm đồ gỗ đang lùng sục tìm mua loại gỗ này với giá ngất ngưởng, khiến nhiều nơi vốn bình yên giờ trở nên xáo động.

Tôi bỗng nhớ lại câu chuyện cách đây vài tháng khi làm việc với Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc. Ở ngay trung tâm tỉnh, có hơn chục cây gỗ sưa đỏ (hay còn gọi là huỳnh đàn lõi đỏ) là loại quý nhất trong dòng gỗ sưa. Vài năm lại đây, các cây gỗ này luôn là mục tiêu dòm ngó của bọn lâm tặc, khiến lực lượng kiểm lâm vô cùng vất vả, nhiều khi mất ăn, mất ngủ.

Có lần, khoảng nửa đêm đi tuần tra, lực lượng kiểm lâm phát hiện mấy tay đang hì hụi đo đạc, vạch sẵn vết cưa. Truy hô thì chúng chạy tán loạn mất. “Tỉnh đã có chỉ đạo bảo vệ các cây sưa quý hiếm này bằng mọi giá nên chúng tôi không dám phút nào lơ là”- Một cán bộ kiểm lâm nói.

Vì quý hiếm như thế nên việc săn tìm không hề đơn giản. Cũng bởi vậy, qua mối quen biết, tôi gật đầu cái rụp khi anh bạn giới thiệu cho đi cùng một tay săn gỗ chuyên nghiệp của vùng đồ gỗ nổi tiếng Đồng Kỵ (Bắc Ninh).

Anh ta tên là Bắc. Cứ theo lời Bắc thì, cách đây hàng chục năm, cây gỗ sưa đã nằm trong tầm ngắm của các đầu nậu gỗ quê anh. Có điều, trước kia, gỗ sưa còn dễ khai thác ở rừng tự nhiên nên cũng mua dễ hơn, đương nhiên giá không ngất ngưởng như hiện nay. Nhưng vì gỗ sưa càng ngày càng hiếm, lại có sự kiểm soát chặt chẽ của lực lượng kiểm lâm nên mua được gỗ đã khó, vận chuyển đi tiêu thụ còn khó gấp bội.

Cũng theo lời Bắc, cách đây hai tháng, anh mới biết các tỉnh ven Hà Nội như Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… có lượng gỗ sưa đáng kể. Không phải là gỗ khúc, tròn mà đã hóa thành cột, kèo hay đồ dùng trong gia đình…

Đi 'săn' gỗ sưa ảnh 2
Thớt gỗ sưa dùng băm rau cho lợn giờ giá hàng chục triệu đồng

Sau nhiều lần hẹn, Bắc cũng gọi điện cho tôi và chúng tôi hướng về Hà Tây. Địa điểm mà Bắc dẫn tôi đến cách Hà Nội chưa đầy 30 cây số - làng An Hạ, xã An Thượng (huyện Hoài Đức).

Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Nhiên hồ hởi chỉ lên trần nhà: “Đấy, các anh xem đi, nếu ưng thì ta bàn giá”. Để kiểm tra, Bắc lấy con dao nhỏ, gọt nhẹ 1 miếng. Thật bất ngờ, chất nhựa dính trào nhẹ ra, mùi thơm thoang thoảng. Bắc thì thào tai tôi: “Lõi đỏ xịn, loại này không dưới 200 năm tuổi”.

Trước khi đi, Bắc nói với tôi: “Gỗ sưa cứ phải trăm năm tuổi trở lên thì mới thực sự giá trị”. Sau nhiều lần ngã giá, cuối cùng một nửa số gỗ trên với trọng lượng 76 kg đã được bán với giá 27 triệu đồng, hơn 280.000 đồng/kg.

Bắc vội vàng xếp toàn bộ số gỗ mua được lên xe rồi nhanh chóng nổ máy. Ra đến đầu đường, Bắc mới thẽ thọt: “Ngon chưa, mình mua quá hời. Hiện nay, chất lượng gỗ này không dưới 700.000 đồng/cân. Sang bên Trung Quốc, giá đội lên cỡ 1,8 triệu đồng/cân”. Như thế, tính sơ sơ Bắc đã kiếm được gần trăm triệu đồng chỉ trong phút chốc.

Mấy hôm sau, Bắc chủ động gọi tôi. Lần này, chúng tôi đến xã Quang Minh, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc). Ông chủ nhà đi vắng. Bà vợ tên là Thủy, thật thà: “Ai biết đâu, mới đây, tôi còn đem gốc nó ra làm củi nhóm bếp. Quái lạ, gỗ gì mà đốt lên cứ là thơm khắp cả xóm”.

Bà Thủy vào nhà ôm ra cho chúng tôi xem cái thớt băm rau cho lợn. Lại động tác quen thuộc. Đúng rồi, gỗ sưa. “Bà bán thế nào?” - “Mấy hôm nay, tôi nghe đài báo nói gỗ này đắt lắm, anh cứ thử nói xem mua được bao nhiêu”.

Dường như gặp phải mối ngon, Bắc ỡm ờ: “Đắt thì đắt thật nhưng bà dùng băm rau, nó mất thiêng rồi nên không đáng bao nhiêu đâu”. Cuối cùng, Bắc đã mua được cái thớt to bự trọng lượng gần 30 kg này với giá 14 triệu đồng!

Những cuộc săn gỗ quý của Bắc cứ nối dài. Tôi cũng không biết Bắc đã mua hời được bao nhiêu gỗ để anh có được cơ ngơi như bây giờ, chỉ biết rằng, nhiều ngôi nhà cổ đặc trưng của làng quê Bắc Bộ đã không còn nguyên vẹn khi phải thay vào đó những chi tiết gỗ mới toanh, khập khiễng.

Không ít gia đình đã dỡ bỏ căn nhà mà cha ông để lại, bán đi từng thớ gỗ, xây những ngôi nhà cao tầng, sắm những tiện nghi đắt tiền. Mấy ngày đi cùng Bắc, tôi cứ tha thẩn với ý nghĩ không biết nên buồn hay vui nữa…

Đã có nhiều chuyện dở khóc, dở cười từ hiệu ứng của cơn sốt săn lùng gỗ sưa. Một gia đình ở thôn Lâm Trường (Lục Ngạn, Bắc Giang) vừa vui mừng vì bán được chiếc giường cũ đến 15 triệu đồng cho một “ông già say rượu” thì lại quay ra “vặc” nhau vì biết được chiếc giường đó là gỗ sưa và ông say rượu đó đã bán trao tay lại cho một người khác với giá gần 200 triệu đồng.

Hóa ra hôm đến mua giường, miệng ông ta sặc mùi rượu, khi thấy ông nói rằng chiếc giường này hợp với “căn số” của mình và trả đến 15 triệu đồng, chủ nhà tưởng ông ta say rượu nói bừa nên đồng ý bán, ai ngờ đó là “mẹo” của người mua hàng.

Ở thành phố Bắc Giang, khi “đánh hơi” thấy cây sưa thuộc diện cây bóng mát, một “đầu nậu” đã đến gạ đổi bằng một cây thế to đẹp để lấy cây của “gia chủ” cũng với lý do cây này hợp với tuổi của họ. Khi biết không đổi được thì họ đặt ngay vấn đề mua với giá 150 nghìn đồng/cân, mua cả gốc, rễ và cành lá… Chỉ đến khi đã bán rồi gia chủ mới biết cây đó là cây gỗ sưa.

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.