Diễn viên chèo dựng ..."cướp giả"

Diễn viên chèo dựng ..."cướp giả"
Diễn viên chèo Đặng Văn C. mượn chiếc xe máy Magic của bố vợ cầm được 5 triệu đồng, nhưng không trả nợ mà đổ hết vào đề. Trượt đề, C. đã đập đầu vào cầu tự tử và ngất xỉu đến 5h sáng mới tỉnh dậy. Hết cách, C. đành bày ra trò "bị cướp" để giãn nợ.

Đặng Văn C. (26 tuổi), được đánh giá là một diễn viên trẻ có năng lực của Đoàn chèo tỉnh Vĩnh Phúc. Thế nhưng, vào đêm diễn tối 29/9 ở xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch, tự nhiên tâm trạng của diễn viên này trở nên khác lạ, ra sân khấu diễn mà khuôn mặt vô hồn, thi thoảng lại quên lời thoại khiến những bạn diễn phải nhắc lời.

Sau buổi diễn, ông Trưởng đoàn đã gọi C. đến nhắc nhở. Nhưng anh ta vẫn vậy, ngẩn ngơ và không về thị xã Vĩnh Yên theo ôtô của đoàn…

Sáng 30/9, Công an huyện Tam Dương nhận được thông tin từ Công an xã Hoàng Đan về trường hợp diễn viên chèo Đặng Văn C. bị cướp tài sản ở khu vực bờ đê vắng đoạn qua cầu Bến Gạo thuộc xã Hoàng Đan.

Theo lời trình bày của diễn viên C. thì sau khi diễn chèo tại xã Ngọc Lâm, anh này đã không theo xe ôtô của đoàn về mà đi xe máy Magic, BKS 88F3 - 1169 mượn của bố vợ hồi chiều từ Ngọc Mỹ về thị xã Vĩnh Yên.

Khi đi qua bờ đê đoạn qua cầu Bến Gạo, C. bị 4 thanh niên đi trên 2 xe máy không có BKS cùng chiều ép lại, rồi dùng gậy gỗ đập túi bụi vào đầu, vào lưng, sau đó đẩy C. ngã lăn xuống vệ đê, bất tỉnh, lấy đi chiếc xe máy Magic và toàn bộ 5 triệu đồng cùng giấy tờ xe máy để trong cốp xe.

Khoảng 5h sáng hôm sau, C. mới tỉnh dậy, bò lên đê thì gặp một người dân đi đường. Sau khi kể sự việc bị cướp, người dân đó đã cho C. mượn điện thoại di động để gọi về cho bố vợ báo sự việc xảy ra và nhờ ông đến cùng để ra Công an xã Hoàng Đan trình báo.

Sau khi nhận được tin báo về vụ trọng án, lãnh đạo Công an huyện Tam Dương đã nhanh chóng cử các điều tra viên có kinh nghiệm xuống hiện trường. Qua khám xét cẩn trọng hiện trường vụ án, các điều tra viên đã phát hiện những mâu thuẫn trong lời khai của bị hại.

Dù trên người bị hại cũng có những vết xây xước, song dấu vết đó khi thực nghiệm tại hiện trường thì không thể xảy ra. Hơn nữa, bờ đê này rậm rạp hoa cỏ may, không hiểu vì sao khi bị đánh ngã ngất xuống bờ đê mà quần áo của C. lại hết sức sạch sẽ, không hề bị dính hoa cỏ may.

Từ những nghi vấn ấy, các điều tra viên đã đấu tranh với chính người bị hại và buộc C. phải khai nhận mình là đạo diễn của vở diễn "cướp giả" nói trên.

Theo lời khai của C. thì cách đây hơn 1 năm, C. tổ chức cưới vợ. Vì nhà nghèo, không có tiền nên C. phải đi vay mượn bạn bè một khoản tiền khá lớn để tổ chức đám cưới.

Và suốt hơn 1 năm qua, gánh nặng gia đình cùng đứa con nhỏ mới chào đời khiến đồng lương diễn viên của C. không đủ trang trải. Gần đây, bạn bè lại hối thúc việc trả nợ khiến C. rất lo lắng.

Vào chiều 29/9, C. mượn chiếc xe máy Magic của bố vợ mang ra hiệu cầm đồ đặt được 5 triệu đồng, nhưng lại không trả nợ mà dùng để đánh hết đề.

Đến buổi chiều tối khi chuẩn bị vào buổi diễn ở xã Ngọc Mỹ thì C. nhận được kết quả con đề anh ta đánh bị trượt. Đến buổi đêm, tan diễn, anh ta không đi ôtô của đoàn mà đi bộ từ Ngọc Mỹ về thị xã Vĩnh Yên.

Nghĩ quẩn quanh, khi qua cầu Bến Gạo, C. đã đập đầu vào cầu tự tử và ngất xỉu đến 5h sáng mới tỉnh dậy. Thấy mình vẫn không chết, C. đã ngồi tự soạn kịch bản "cướp giả" để nói dối rằng bị cướp mất xe máy và tiền để bố vợ và những người chủ nợ khác không đòi nữa.

Tuy nhiên, kịch bản của C. đã bị cơ quan Công an lật tẩy.

Ngày 4/10, Công an huyện Tam Dương cho biết đang củng cố để xử lý đối với Đặng Văn C. về hành vi gian dối trong khai báo

Theo T.Hòa - N. Bình
Công an Nhân dân

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.