Ở chứng tích tội ác chiến tranh:

Điều bất thường ở khu tháp chuông Tam Tòa

Điều bất thường ở khu tháp chuông Tam Tòa
TP - Sáng 20/7, khoảng hơn 200 giáo dân từ một số địa phương đã tụ tập và dựng nhà trái phép quanh khu vực di tích tháp chuông Tam Tòa (một chứng tích chiến tranh đã có quyết định công nhận).

Nhà thờ Tam Tòa được người Pháp xây dựng năm 1886 nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào theo đạo trên địa bàn. Trong kháng chiến chống Mỹ, thị xã Đồng Hới gần như bị máy bay Mỹ san phẳng hoàn toàn, chỉ còn lại tháp chuông nhà thờ Tam Tòa, cây đa Chùa Ông và tháp nước Đồng Hới.

Trong đó, riêng nhà thờ Tam Tòa bị oanh tạc tới 48 lần, và trận bom ngày 11/2/1965 đã đánh sập nhà thờ, chỉ còn lại tháp chuông với chi chít vết đạn như ngày nay. Từ đó đến nay, địa điểm này không còn được dùng làm nơi thờ tự hay tổ chức các hoạt động tôn giáo.

Thể theo nguyện vọng của đông đảo nhân dân, ngày 26/2/1997, UBND Tỉnh Quảng Bình có quyết định số 143/QĐ-UB, công nhận tháp chuông nhà thờ Tam Tòa là chứng tích tội ác chiến tranh cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Quyết định trên không những được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ mà còn phù hợp với Luật Di sản Văn hóa và Luật Đất đai hiện hành.

Tuy nhiên, từ vài năm nay, một số linh mục và giáo dân trên địa bàn đã có những động thái vượt quá giới hạn pháp luật cho phép như hành lễ trái phép (từng bị chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm).

Để ngăn ngừa các hành vi tương tự, ngày 23/10/2008, đại diện UBND Tỉnh Quảng Bình và Tòa Giám mục Xã Đoài đã ký Bản ghi nhớ, nêu rõ: “UBND Tỉnh và Tòa Giám mục thống nhất: khuôn viên của nhà thờ Tam Tòa cũ hiện là chứng tích tội ác chiến tranh. Hai bên cùng thống nhất sẽ giữ nguyên và tôn tạo nhằm bảo vệ cũng như phục vụ cho việc nghiên cứu, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”.

Khoản 1, Điều 98 của Luật Đất đai năm 2003 ghi rõ:

“Đất di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định bảo vệ thì phải được quản lý nghiêm ngặt”.

Ấy vậy mà từ 4 giờ sáng 20/7, với sự chuẩn bị từ trước, hàng trăm người với cuốc xẻng, dao rựa, xi măng, tôn, vì kèo sắt, máy phát điện, xoong nồi bát đĩa, thức ăn nước uống, ồ ạt dựng nhà trái phép trên nền nhà thờ Tam Tòa cũ, bất chấp sự giải thích lẫn ngăn cản chính quyền địa phương. Một số đối tượng quá khích còn dùng cả gạch đá và gậy gộc chống người thi hành công vụ (hậu quả hai cán bộ bị thương, nhiều người khác bị cào cấu cắn xé).

Không thể để công dân từ nơi khác mượn cớ kéo về gây mất trật tự trị an trên địa bàn mình, ngay sau đó, nhân dân các phường xã Đồng Mỹ, Đồng Phú, Hải Thành, Hải Đình, Bảo Ninh... cùng đại diện chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật nhanh chóng dẹp bỏ công trình vi phạm kia. Một số đối tượng quá khích chống đối cũng đã bị cơ quan chức năng cách ly khỏi hiện trường.

Trong hai ngày 26 và 27/7, khi nhân dân cả nước đang tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ với hàng loạt hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa, cũng ngay tại chứng tích tội ác chiến tranh Tam Tòa, vẫn có nhiều giáo dân nghe theo lời kích động và xúi giục lại kéo đến đây tụ tập và gây rối.

Đòi hỏi phi lý

Những giáo dân trên cho rằng nhà thờ Tam Tòa vốn là cơ sở tôn giáo cũ, nên giờ họ có quyền “đòi lại”.

Đây là điều phi lý. Thứ nhất, hiện ở Đồng Hới chưa có tổ chức tôn giáo cơ sở hoạt động hợp pháp theo quy định (được nhà nước công nhận). Theo số liệu thống kê, trên địa bàn thành phố chỉ có khoảng gần 100 hộ đồng bào theo đạo, nhưng tham gia xâm phạm di tích sáng 20/7 chỉ có rất ít người từ các hộ kia, còn lại là giáo dân từ các nơi khác đến. Điều đó cho thấy việc đòi lại khuôn viên nhà thờ Tam Tòa cũ để thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng của giáo dân trên địa bàn Đồng Hới là không đúng thực tế.

Thứ hai, như đã nói, di tích tháp chuông nhà thờ Tam Tòa đã được UBND tỉnh xếp hạng là chứng tích tội ác chiến tranh. Cần nói thêm, chính quyền tỉnh đã khẳng định luôn sẵn sàng cấp đất để Giáo hội xây dựng cơ sở thờ tự ngay trên địa bàn thành phố Đồng Hới, nếu họ có nhu cầu và làm thủ tục đề nghị cấp đất đúng quy định. (Được biết, chính quyền thành phố đã năm lần giới thiệu địa điểm làm nhà thờ nhưng phía Giáo hội vẫn chưa nhất trí).

Từ trước đến nay, chính quyền các cấp ở tỉnh Quảng Bình rất tôn trọng, quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các hoạt động tôn giáo trên địa bàn diễn ra bình thường, từng bước đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào. Đến nay, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 74/76 xứ họ đạo trên địa bàn tỉnh (hai xứ còn lại đang hoàn tất thủ tục).

Gần đây, UBND Tỉnh cũng chấp thuận cho thành lập giáo hạt Đồng Troóc, giáo xứ Tân Hội và các giáo họ Phúc Tín, Trung Quán, Xuân Hải, Tượng Sơn, Trùng Giang...

Về cơ bản, các linh mục và giáo dân trên địa bàn thực hiện tốt đường hướng hành đạo, tuân thủ các quy định của pháp luật, tin tưởng và chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước để “tốt đời, đẹp đạo”. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn hiện tượng con sâu làm rầu nồi canh.

“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu; không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng vui khi thấy sự ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, và hy vọng tất cả...”.

Những lời răn tốt đẹp ấy của Chúa, cũng như giáo lý của đạo Phật hay Tin lành, đều giúp con người hướng thiện. Khi nhìn lại việc làm của các tín đồ vào sáng 20/7 trên, nhất là hành vi chống đối của một số giáo dân, phải chăng họ đã quên lời răn của Chúa?

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.