Đổ xô 'săn' gỗ trắc trong Vườn Quốc gia Yok Đôn

Đổ xô 'săn' gỗ trắc trong Vườn Quốc gia Yok Đôn
TP - Tây Nguyên đang vào cuối mùa lúa rẫy và đầu mùa thu hoạch cà phê, nhưng đến huyện Buôn Đôn đi đâu cũng chỉ nghe thiên hạ kháo nhau về chuyện trúng gỗ trắc ở xung quanh khu vực Vườn Quốc gia Yok Đôn.
Đổ xô 'săn' gỗ trắc trong Vườn Quốc gia Yok Đôn ảnh 1
Gỗ trắc và phương tiện vận chuyển bị thu giữ tại Vườn Quốc gia Yok Đôn

Nhà nhà “săn” gỗ trắc

Vào quán nhậu K.T. trên địa bàn xã Krông Na, chúng tôi bắt chuyện với một nhóm trung niên đang nhậu sau chuyến đi “săn” gỗ trắc với hàng trăm vỏ chai bia Heineken xếp chồng dưới chân bàn.

Người tên Tiến đứng lên cầm chai Heineken vừa mở nắp gí vào tay tôi, vẻ rất cao hứng: “Chúc mừng các anh đi chú mày. Các anh đang đổi đời. Vợ anh bảo hôm nay đi gặt lúa,  lúa của anh đã chín lâu rồi. Nhưng cả mấy chục năm làm lúa anh cũng chưa biết đến chai “ken” này. Quên lúa đi, ta vào rừng chặt vài cây trắc là đủ sống quanh năm…”.

Gỗ trắc được các đầu nậu mua ngay tại cửa rừng với giá 10.000đ/kg. Ngày nào kém may mắn thì một người đi rừng cũng kiếm được dăm ba chục ký gỗ trắc từ cành khô hoặc gốc rễ, còn ngày nào gặp được một cây trắc tươi thì chẳng thua gì trúng được kỳ nam.

Thu nhập trung bình của một ngày đi rừng lên đến gần triệu đồng, nên người dân sống quanh Vườn Quốc gia Yok Đôn chẳng màng gì đến chuyện đồng áng, người người rủ nhau vào rừng, nhà nhà rủ nhau vào rừng.

Việc đi “săn” trắc trong Vườn Quốc gia được tổ chức bài bản. Mỗi nhóm “săn” góp tiền sắm vài chiếc xe máy “miên”, tức loại xe từ Campuchia không có giấy tờ, không biển số được bán với giá rẻ như bèo, phòng khi bị kiểm lâm phát hiện thì vứt xe chạy luôn.

Hàng ngày, nhóm trưởng cắt cử vài người làm nhiệm vụ “chim heo” thường xuyên lảng vảng quanh các trạm giữ rừng để theo dõi động tĩnh của lực lượng kiểm lâm, nếu thấy bất thường thì cảnh báo để đồng bọn lẩn tránh.

Kiểm lâm  bất lực

Đổ xô 'săn' gỗ trắc trong Vườn Quốc gia Yok Đôn ảnh 2
Lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn bắt được một vụ vận chuyển gỗ trắc vào lúc mờ sáng ngày 1/11

Ngày 31/10/2007, Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn đã phải gửi công văn “kêu cứu” đến Cục Kiểm lâm để xin tăng cường thêm lực lượng bảo vệ rừng trước làn sóng rầm rộ người người, nhà nhà tập trung vào Vườn để “săn” gỗ trắc.

Toàn bộ lực lượng kiểm lâm của Vườn đã phải trực chiến 24/24 tại các con đường xung yếu ra vào Vườn. Tuy nhiên, với diện tích hơn 100.000 hécta rừng, trải dài trên địa bàn 7 xã thuộc 3 huyện Buôn Đôn, Ea Súp (tỉnh Đăk Lăk) và Cư Jút (tỉnh Đăk Nông), lại có một khu dân cư 80 hộ canh tác hơn 300 hécta rẫy ngay trong vùng lõi của Vườn.

Quân số kiểm lâm của Vườn chỉ có 82 người khó có thể bao quát và giữ được rừng trước làn sóng săn lùng gỗ trắc hiện nay.

Thi thoảng, Kiểm lâm của Vườn cũng chặn được một vài cá nhân vận chuyển gỗ trắc do những người này không bắt được tín hiệu của “chim heo”, còn những vụ khai thác vận chuyển được tổ chức tốt hơn thì Kiểm lâm của Vườn đành chịu.

Đơn cử như vụ vận chuyển gỗ trắc đêm 30/10. Được quần chúng báo có một xe khách loại 12 chỗ ngồi chở đầy gỗ trắc đang chạy về hướng TP. Buôn Ma Thuột, Kiểm lâm của Vườn đã bố trí lực lượng để chặn bắt và truy đuổi.

Nhưng từ trong đường ngang bỗng xuất hiện hai chiếc xe máy chạy lạng lách đánh võng để che chắn cho xe phía sau chở gỗ lậu, khiến lực lượng kiểm lâm không thể nào vượt lên và đành bất lực nhìn chiếc xe chở đầy gỗ chạy thoát.

Hai văn bản của tỉnh và huyện “mở đường”

Làn sóng khai thác gỗ trắc trong Vườn Quốc gia Yok Đôn bắt đầu rộ lên từ khi UBND tỉnh Đăk Lăk và UBND huyện Buôn Đôn ra hai văn bản liên quan đến việc  quản lý và thu mua gỗ trắc.

Cụ thể, ngày 22/10/2007, UBND tỉnh Đăk Lăk có văn bản số 4027 về việc  thu mua gỗ trắc, trích lược như sau: “Đồng ý chủ trương Cty TNHH Quang Phát (trụ sở chính tại số nhà 52/61 Hồ Tùng Mậu thành phố Buôn Ma Thuột – PV) được thu mua gốc, rễ, cành nhánh khô gỗ trắc có nguồn gốc trên nương rẫy, vườn của người dân  (đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), và trụ tiêu khô là gỗ trắc đã sử dụng lâu năm (trên 15 năm).”

Tuy nhiên, trên thực tế không cơ quan nào có thể quản lý được trên nương rẫy, vườn của người dân có hay không có gỗ trắc còn sót lại. Cũng không có quy định cũng như phương tiện nào để các cơ quan chức năng có thể phát hiện đâu là trụ tiêu làm bằng gỗ trắc đã sử dụng đủ 15 năm, đâu là cây gỗ trắc ở trong rừng.

Thành thử, các đối tượng khai thác gỗ trắc lậu sẽ lách văn bản này bằng cách vận chuyển gỗ trắc về vườn nhà, sau đó khai báo đó là gỗ tận thu tại vườn, hoặc trụ tiêu đã sử dụng trên 15 năm, sau đó sẽ vận chuyển mua bán thoải mái.

Một tuần sau, Phó chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn ký tiếp một văn bản mở đường rộng hơn cho việc khai thác gỗ trắc, bằng việc “Giao cho Phòng kinh tế chủ trì, phối hợp với Vườn Quốc gia Yok Đôn, Ban quản lý rừng phòng hộ và các đơn vị có liên quan để tận thu, sử dụng có hiệu quả đúng pháp luật nguồn gỗ trắc có nguồn gốc từ rừng tự nhiên còn nằm rải rác trên nương rẫy, vườn nhà và tại rừng, tạo nguồn thu cho ngân sách.”

Văn bản 434 của UBND huyện Buôn Đôn có 2 nội dung trái với quy định của cấp trên. Thứ nhất là văn bản này cho tận thu gỗ trắc cả ở Vườn quốc gia Yok Đôn, trong khi thẩm quyền cho phép tận thu gỗ trong các Vườn Quốc gia thuộc về cấp quản lý nhà nước cao nhất là Chính phủ.

Thứ hai, văn bản số 4027 của tỉnh chỉ cho phép tận thu gỗ trắc trên nương rẫy đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì huyện lại cho phép tận thu cả gỗ trắc trong rừng...

MỚI - NÓNG