Đôi nạng gỗ và vụ án giết người

Đôi nạng gỗ và vụ án giết người
Để níu kéo tình yêu, T - một cô gái tật nguyền đã hắt thẳng một ca axit vào mặt người tình. Đ. tử vong sau hai tháng nằm điều trị cấp cứu. T. bị tuyên phạt 10 năm tù giam. Nhưng đằng sau vụ án, là một câu chuyện dài...

Đã định trước sẽ đến gặp em ở phiên tòa hôm nay, nhưng rồi tôi vẫn không đến được vì chuyến công tác đột xuất.

1.

Năm năm trước, một buổi chiều, các đồng nghiệp ở báo Phụ Nữ TP.HCM điện thoại cho biết họ muốn phối hợp trong một ca tư vấn.

Nạn nhân là một cô bé có gương mặt bầu bĩnh và đôi mắt to tròn, đang là học sinh lớp 12 ở một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Em đến trên đôi nạng gỗ vì hai chân bị teo từ nhỏ do sốt bại liệt.

Ngày 27-2-2008, Tòa án nhân dân TP.HCM đã xét xử sơ thẩm vụ án. Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định hành vi của T. có tính chất côn đồ. Vì vậy, HĐXX đã không chấp nhận ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát truy tố bị cáo theo khoản 2 điều 93 Bộ luật hình sự về tội giết người, mà đã xét xử bị cáo theo khoản 1, có khung hình phạt nặng hơn. Tuy nhiên, HĐXX đã xem xét nhiều tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như phạm tội lần đầu, gia đình có công..., nên chỉ xử phạt T. dưới khung hình phạt, với mức án 10 năm tù giam.

Khổ nỗi trái tim thì không chịu tật nguyền. Cô bé yêu một chàng công tử học cùng lớp, con chủ tiệm vàng.

Trước mùa thi cuối, nhân sinh nhật chàng công tử, đám bạn rủ nhau đi chơi. Em đã thức cả đêm chuẩn bị món quà tặng bạn.

Điều không thể ngờ sau chầu nhậu, thằng công tử giả say và trúng gió đi thuê phòng trọ, cả đám bạn trai của nó dìu về. Em hốt hoảng đi mua dầu xức cho bạn.

Cửa phòng chốt lại sau lưng, đôi nạng gỗ bị giấu. Lần lượt từng đứa như những con thú thay nhau làm nhục cô bạn mình rồi cả bọn bỏ trốn. Chúng không quên tháo nốt những món nữ trang trên người cô bé tội nghiệp. Em thất thần trở về. Gia đình gửi đơn tố cáo. Công an vào cuộc nhưng thời gian trôi đi, câu trả lời duy nhất là chưa bắt được thủ phạm.

Sau khi nhờ các luật sư tư vấn cho em, tôi khuyên em trở về, báo sẽ cử phóng viên về tận nơi điều tra, rằng việc giúp đỡ để tìm lại sự công bằng sẽ không thực hiện được nếu không có em. Các luật sư và mấy phóng viên góp lại gửi em chút tiền lộ phí.

Khuya, nhận được điện thoại của một chủ khách sạn trên đường Lê Hồng Phong: "Có một cô gái bị tật đang thuê trọ, có những biểu hiện bất thường. Cô ấy làm rơi một danh thiếp của anh!".

Tôi đến nơi và thấy em như người mất hồn. Mở tủ thấy một vỉ thuốc ngủ và một lưỡi lam. Điện cho một phóng viên nữ nhờ đến khuyên giải. Sáng hôm sau đến khách sạn đưa em ra bến xe rồi về. Thế nhưng em đã không về lại quê từ ngày ấy.

2.

Hai năm sau, một lần online, có một cái nick lạ hoắc xin add. Ra là em, em nói vẫn ở Sài Gòn, đang nhập liệu cho một tiệm đánh máy thuê ở Gò Vấp. Ngạc nhiên, nhưng vẫn nghĩ dù sao cô ấy cũng tìm được một nghề. ... Nhưng rồi vẫn có cái gì đó nghi ngờ, tôi nhập nick em vào Google và search thử.

Đường link dẫn đến một forum của một trang web đen, trong đó có kẻ đưa cả tên, số điện thoại và giá mỗi lần đi khách. Chúng nói rõ "con nhỏ tật nhưng có khuôn mặt ưa nhìn". Số điện thoại chính là số em đã cho.

Lập một cái nick mới, vào chat hẹn gặp và em đồng ý. Tôi đến gặp ở một quán nước, em khóc và xin lỗi. Rồi em kể mặc cảm tật nguyền, mặc cảm sau những gì đã xảy ra, em không muốn trở về quê. Em xin làm cho tiệm đánh máy nhưng chỉ ít ngày bị đuổi. Tối đó em lên mạng rao tình.

Túi cạn tiền, bệnh không có tiền chữa, tiền thuê nhà cũng cạn khiến em hom hem rất nhanh. Giúp em được chút tiền chữa bệnh và nghĩ đến việc tìm giúp một công việc. Một phóng viên biết hoàn cảnh của em đã xin giúp em việc làm thu ngân ở một quán cà phê. Nhưng chỉ vài tháng, sau một lần cãi vã với bà quản lý em lại ra vỉa hè....

Bẵng đi một thời gian, một buổi trưa, chủ nhà trọ của em gọi nói em tự tử. Vết cắt được phát hiện ngay nên em không chết. Lại chạy qua chăm sóc và an ủi. Khi bình tâm, em nói cần một việc làm để có thể sống và trả tiền nhà.

Cô đồng nghiệp liên hệ với trung tâm hỗ trợ người khuyết tật và hẹn em một tuần sau khi em hoàn tất hồ sơ, các anh chị sẽ xin hộ việc làm. Mong những ngày khổ sở và sa ngã sẽ qua, sẽ đi học bổ túc để lấy tấm bằng trung học....

Chỉ mấy ngày sau, hai giờ sáng mồng một tết dương lịch năm ngoái, khi đang công tác xa thành phố, tôi nhận được điện thoại: "Cô T. cố ý gây thương tích cho người khác và bị bắt. Nạn nhân bị hắt một ca axít lên đầu, hỏng một mắt, được đưa vào Chợ Rẫy trong tình trạng rất nguy kịch".

Sau khi lấy lời khai ban đầu, công an cho phép em sử dụng điện thoại. Câu chuyện chắp nối giữa tiếng khóc:

"Em yêu một anh chàng trạc tuổi mình, sau một thời gian em phát hiện anh này có người yêu mới. Không còn niềm tin, mất hẳn chỗ dựa tinh thần, mặc cảm tật nguyền và bị cuộc đời hắt hủi nên em muốn làm anh ta xấu đi. Để trả thù và để giữ anh ta cho riêng mình.

Người yêu của em qua đời sau một tháng nằm viện. Bà mẹ nghèo ở quê gom góp bán tháo đồ đạc lên thăm con và đến nhà anh chàng kia quì lạy.

3.

Người mẹ nghèo của em khóc ngất khi biết con mình phạm tội. Bà đấm ngực kêu trời rằng một phần lỗi tại bà. "Nhà nghèo nhưng vì thấy nó tật nguyền nên tôi chiều chuộng nó như một sự bù đắp.

Có ngờ đâu...". Tôi trấn an mẹ em và nhờ một anh bạn luật sư lo hộ. Anh nhận lời bào chữa miễn phí, nhưng theo anh, cố gắng lắm thì cũng chỉ có thể cứu em khỏi mức án cao nhất khi tòa chiếu cố đến hoàn cảnh và trạng thái tâm lý của em. Án tuyên 10 năm tù. Gia đình nạn nhân - bạn trai của em - cũng không gay gắt đòi xử nặng.

Mười năm nữa, ra tù, đôi nạng gỗ ấy đi về đâu, cô gái với đôi mắt to, gương mặt bầu bĩnh. Cô gái đổ mọi hận thù vào ca axít, tự đánh mất mình...

Mười năm tù dài lắm. Nhưng tôi vẫn thầm mong em có một ngày mai.

Theo Nguyễn Đức Hiển
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG