Dự thảo mới của Bộ Công an có hạn chế 'quyền giám sát' của người dân?

Đề xuất bỏ quyền giám sát “quan sát, phát hiện hoạt động của CSGT…” của Bộ Công an sẽ khiến công dân mất đi quyền giám sát?
Đề xuất bỏ quyền giám sát “quan sát, phát hiện hoạt động của CSGT…” của Bộ Công an sẽ khiến công dân mất đi quyền giám sát?
TPO - Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, đề xuất bỏ quyền giám sát “quan sát, phát hiện hoạt động của CSGT…” của Bộ Công an sẽ khiến công dân mất đi quyền giám sát dưới hình thức quay phim, chụp ảnh, ghi âm hoạt động xử lý vi phạm công khai của CSGT.

Đề xuất công khai tên, số điện thoại CSGT

Mới đây, Bộ Công an công bố dự thảo lần 2 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để trưng cầu các ý kiến đóng góp của người dân trong vòng hai tháng.

Trong công tác tuần tra, xử lý vi phạm, Bộ Công an đề xuất cảnh sát phải công khai tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ thư điện tử của cơ quan công an có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; tên, cấp bậc và chức vụ của cán bộ thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính. Cảnh sát làm nhiệm vụ cũng phải công khai tuyến đường, địa bàn, đối tượng và hành vi vi phạm tập trung kiểm soát, xử lý đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Còn theo quy định hiện hành tại Thông tư 54/2009-BCA, cảnh sát chỉ phải công khai tên đơn vị (cục, phòng, đội, trạm), trụ sở, số điện thoại của Thủ trưởng, trực ban, số điện thoại đường dây nóng của cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Dự thảo mới của Bộ Công an có hạn chế 'quyền giám sát' của người dân? ảnh 1 Bộ Công an công bố dự thảo, đề xuất công khai thông tin cán bộ CSGT khi làm việc.

Bộ Công an giữ nguyên quy định cảnh sát khi làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải công khai các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính (trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước và nội bộ công an nhân dân); các trình tự, thủ tục xử lý vi phạm hành chính...

Tương tự về công tác đăng ký, cấp biển số, Bộ Công an đề xuất phải công khai tên, địa chỉ, sơ đồ nơi làm việc, lịch làm việc, số điện thoại, số fax, số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ thư điện tử của cơ quan có nhiệm vụ đăng ký, cấp biển số xe; tên, cấp bậc và chức vụ của cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký, cấp biển số xe.

Công dân sẽ mất quyền giám sát

Tuy nhiên, trong dự thảo lần này, Bộ Công an đề xuất nhân dân chỉ được giám sát công an trong chấp hành điều lệnh, thái độ, tác phong; cách xử lý có khách quan, đúng pháp luật hay không khi làm nhiệm vụ. Việc giám sát được thực hiện qua thông tin công khai của công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với công an nhân dân...

Đáng chú ý, so với quy định tại Thông tư 54, dự thảo này của Bộ Công an không còn hình thức giám sát của người dân qua "quan sát, phát hiện hoạt động của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân khi làm nhiệm vụ ở trụ sở, nơi làm việc hoặc trên tuyến đường hay trên các phương tiện giao thông". Nếu được thông qua, Thông tư này sẽ có hiệu lực trong năm 2019 và thay thế Thông tư 54/2009-BC đang hiện hành.

Dự thảo mới của Bộ Công an có hạn chế 'quyền giám sát' của người dân? ảnh 2 Dự thảo mới của Bộ Công an không còn quyền giám sát của người dân qua quan sát, phát hiện hoạt động của CSGT. Ảnh: TPO

Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, dự thảo lần này của Bộ Công an có nhiều điểm tích cực như: công khai tên, cấp bậc, số điện thoại, đường dây nóng của cán bộ, đơn vị có thẩm quyền tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đăng ký cấp đổi biển số; công khai tuyến đường, địa bàn, đối tượng và hành vi vi phạm tập trung xử lý của cấp có thẩm quyền. Điều này sẽ giúp công dân có thể dễ dàng hình dung tổng quát về công tác tuần tra, xử lý vi phạm, cấp đổi biển số của cảnh sát cũng như hành vi vi phạm của mình.

Tuy nhiên, Thông tư mới của Bộ Công an sẽ không còn hình thức giám sát của người dân qua "quan sát, phát hiện hoạt động của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân khi làm nhiệm vụ ở trụ sở, nơi làm việc hoặc trên tuyến đường hay trên các phương tiện giao thông". Luật sư Thơm nhận định, điều này được thông qua thì công dân sẽ mất đi quyền giám sát hoạt động của cảnh sát trong quá trình thực thi nhiệm vụ bằng hình thức quay phim, chụp ảnh, ghi âm.

Luật sư Thơm nêu quan điểm, cơ quan chức năng nên xem xét lại đề xuất quyền giám sát của người dân. Đồng thời, cần hướng dẫn người dân giám sát nhưng không được gây ảnh hưởng, cản trở tới việc thực thi nhiệm của của cảnh sát để đảm bảo minh bạch, khách quan. Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng từng đề xuất cấm quay phim chụp ảnh cán bộ làm việc tại trụ sở cơ quan công quyền khi chưa được đồng ý và có nhiều ý kiến trái chiều.

MỚI - NÓNG